Lĩnh vực lớn của ngành y
Thông tin trên Báo Sức khỏe và Đời sống, TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, sức khỏe tâm thần là một thành phần không thể thiếu và thiết yếu của sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) "Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau", "không có sức khỏe nếu không có sức khỏe tâm thần".
Vấn đề rối loạn tâm thần rất phổ biến trên toàn thế giới. Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần, trong đó rối loạn lo âu và trầm cảm là phổ biến nhất. Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng cấp tính, mạn tính và phá hủy sức khỏe tâm thần của hàng triệu người.
Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số- nghĩa là có gần 15 triệu người. Ở trẻ em, các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ sức khỏe tâm thần.
Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần đã hình thành và phát triển, là một thành phần quan trọng trong hệ thống khám bệnh, chữa bệnh trải dài tới trạm y tế xã, phường, cùng với chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng từ năm 1998 đã góp phần dự phòng, nâng cao sức khỏe tâm thần, kiểm soát các rối loạn tâm thần.
Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 chú trọng nguồn lực cho lĩnh vực điều trị tâm thần
Đối với lĩnh vực tâm thần đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật được xây dựng và mới nhất là Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trong đó những điểm mới về tâm thần như Chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh: Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước cho tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần… tâm lý lâm sàng là chức danh chuyên môn phải có giấy phép hành nghề; Nhà nước có chính sách về cấp học bổng khuyến khích học tập cho người học chuyên ngành tâm thần, giải phẫu bệnh, pháp y, pháp y tâm thần…
Thông tư số 17/2022/TT-BYT ngày 30/12/2022 của Bộ Y tế quy định nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh tâm thần của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh tâm thần ban hành năm 2020; Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe tâm thần trong dịch COVID-19.. đã tạo hành lang pháp lý và chuyên môn để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Bên cạnh những thuận lợi như đã nêu trên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần như: Nhận thức sai lầm và sự kỳ thị của xã hội đối với người rối loạn tâm thần; Chưa có Luật riêng về sức khỏe tâm thần. Hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần phát triển không đầy đủ: Tuyến xã, phường tập trung nhiều vào quản lý danh sách người bệnh tâm thần, cấp thuốc; tuyến huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần; việc lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe chung, nhất là chăm sóc sức khỏe ban đầu hạn chế, hầu như chỉ cơ sở chuyên khoa tâm thần cung cấp dịch vụ.
Ở tỉnh, thành phố có bệnh viện chuyên khoa tâm thần thì không có khoa tâm thần trong Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố; Các bệnh viện chuyên khoa như nhi, sản-nhi, lão khoa không có khoa tâm thần. Bên cạnh đó, dịch vụ sức khỏe tâm thần ở Việt Nam chủ yếu là điều trị bằng thuốc. Sức khỏe tâm thần chưa được coi trọng như sức khỏe thể chất; Thiếu nhân lực nhất là bác sĩ chuyên khoa tâm thần, nhà tâm lý lâm sàng.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, anh Nguyễn Xuân Thái (quê Cao Bằng) phấn khởi cho biết: "Với việc Luật khám bệnh, chữa bệnh 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024, hy vọng sẽ tạo ra nhiều bước đột phá trong lĩnh vực tâm thần, mang tới niềm hy vọng lớn lao cho người bệnh trong quá trình điều trị".