Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa gửi Bộ Tư Pháp thẩm định dự thảo Nghị định quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Dự thảo Nghị định được xây dựng dựa trên Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới.
Tại dự thảo, Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình cho mục đích sinh hoạt của mình (quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Tài nguyên nước) nhằm cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền đưa ra những khuyến cáo về chất lượng nước dưới đất, mực nước có nguy cơ bị hạ thấp, suy giảm, khu vực bị sụt, lún đất và phục vụ công tác quản lý bảo vệ nước dưới đất.
Trường hợp khoan giếng mới tương tự để thay thế giếng cũ bị hỏng, suy thoái hoặc bị giải tỏa với thông số khai thác không thay đổi thì không phải thực hiện thủ tục đề nghị điều chỉnh giấy phép nhưng phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận phương án khoan giếng thay thế và xác nhận bằng văn bản.
Khoảng cách giếng thay thế không được vượt quá 1,5 lần chiều dày tầng chứa nước khai thác tại giếng đó; trường hợp vượt quá phải thực hiện thủ tục điều chỉnh giấy phép.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, quá trình xem xét dự thảo Luật Tài nguyên nước trước đây, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí việc phải đưa vào quản lý các công trình này nhằm mục đích quản lý, bảo vệ nguồn nước dưới đất. Điều đó giúp cơ quan quản lý cảnh báo về nguồn nước khai thác của người dân trước hoặc trong quá trình khai thác.
Hộ gia đình có khai thác nước dưới đất phục vụ sinh hoạt hộ gia đình phải kê khai theo hình thức đơn giản (kê khai một số thông tin chính về giếng khai thác).
Dù quy định trên sẽ làm tăng nguồn lực, tài chính nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh lợi ích khi cơ quan quản lý có đầy đủ thông tin phục vụ quản lý về tài nguyên nước. Hơn nữa, quy định đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi rất lớn cho các hộ gia đình (khoảng 13 triệu hộ dân), tổ chức, cá nhân (đặc biệt các công trình thủy lợi) trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Thay vì phải lập hồ sơ đề nghị cấp phép sẽ chỉ phải thực hiện thủ tục kê khai, đăng ký.
"Việc kê khai hoặc đăng ký sẽ không làm mất nhiều thời gian, kinh phí của hộ gia đình, tổ chức, cá nhân khi thực hiện. Riêng đối với thủ tục kê khai theo quy định, các hộ gia đình chỉ việc thực hiện kê khai trên ứng dụng điện tử nên rất thuận tiện", Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin.
Để có cơ sở thực thi, Bộ này nhấn mạnh, cần bổ sung các quy định về mẫu kê khai, đăng ký, mẫu xác nhận việc đăng ký hoặc mẫu báo cáo đối với các công trình thủy lợi theo hướng đơn giản hóa.
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, công tác cấp giấy phép về tài nguyên nước (hành nghề khoan nước dưới đất, giấy phép về tài nguyên nước) nhưng năm qua đã được tăng cường, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Hiện nay có khoảng hơn 28.000 công trình khai thác nước đã được quản lý từ Trung ương đến địa phương thông qua việc cấp phép.
Trong đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp 1.575 (chiếm 6%) giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân (170 giấy phép hành nghề khoan thăm dò khai thác nước dưới đất; 977 giấy phép khai thác nước mặt, nước biển; 131 giấy phép thăm dò nước dưới đất; 296 giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất). Ở địa phương, tính đến nay các tỉnh, thành phố đã cấp 26.939 (chiếm 94%) giấy phép tài nguyên nước cho các tổ chức và cá nhân.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Dự báo thời tiết hôm nay ngày 11/3: Hà Nội duy trì rét nhẹ, TPHCM nắng nóng gay gắt | SKĐS