Chị Trần Thị An, đại diện Ban lâm thời KĐT Thanh Hà cho biết, tính đến thời điểm tối ngày 22/10, khu đô thị Thanh Hà vẫn chưa được cấp nước ổn định trở lại.
Đồng thời gần đây, cư dân tại KĐT Thanh Hà phát hiện ra trạm cấp nước của Công ty CP nước sạch Thanh Hà, đơn vị cung cấp nước cho cư dân nơi đây đặt gần nghĩa trang, trạm bê tông và những con kênh mương bị ô nhiễm nặng nề.
"Đặc biệt điều khiến người dân lo ngại khi nhà máy cấp nước sạch chỉ cách nghĩa trang chưa đầy 500m. Chúng tôi đã đi thực địa và đo đạc trên bản đồ thì Trạm cấp nước chỉ cách hồ nước cạnh nghĩa trang 391m, cách trung tâm nghĩa trang 499m. Nếu sử dụng nguồn nước ngầm với địa chất như thế thì chưa cần đo đạc cũng có thể thấy chất lượng thực đáng lo ngại", chị An bức xúc.
Anh Trần Đạt (cư dân KĐT Thanh Hà) lo lắng khi biết trạm cấp nước gần nghĩa trang: "Chúng tôi vô cùng hoang mang. Cư dân chúng tôi cần nước sạch chứ không phải nước bẩn".
Tại thông tư 01/2021 của Bộ Xây dựng, khoảng cách tối thiểu từ khu huyệt mộ nghĩa trang hung táng tới điểm lấy nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đô thị, điểm dân cư nông thôn tập trung là 1.500m. Điều này áp dụng trong điều kiện lý tưởng, tức là khu vực chôn cất phải có hệ thống thu gom nước thấm huyệt mộ, nước mưa chảy tràn để xử lý, không được thấm trực tiếp vào nước ngầm hoặc chảy tràn vào hệ thống mặt nước bên ngoài nghĩa trang.
Ghi nhận của Phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, quanh khu vực trạm cấp nước của Công ty CP nước sạch Thanh Hà có một trạm bê tông, nhiều kênh mương nước đen ngòm và nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ.
Ông Trịnh Đình Khanh (người dân thôn Thượng) thông tin: "Tại thôn Thượng chỉ có một nghĩa trang này là duy nhất, toàn bộ người đã khuất đều được chôn tại đây, những người chết xong hoả tảng cũng đều chôn tại địa điểm này".
Sáng ngày 23/10, trao đổi với PV, ông Đặng Anh Phương, Chủ tịch UBND xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cũng khẳng định, nghĩa trang tại thôn Thượng có từ hàng trăm năm nay. Hiện nghĩa trang này có cả hung táng và hoả táng.
Về vấn đề cho đến thời điểm đêm muộn ngày 22/10, cư dân KĐT Thanh Hà vẫn thiếu nước sạch, ông Phương cho hay, hiện nay lãnh đạo địa phương đang kiến nghị với UBND huyện Thanh Oai việc kiểm soát, quản lý xem nước đã về được những đâu của KĐT. Đơn vị cung cấp nước phải có lịch cấp nước chi tiết của từng toà nhà, dựa vào đó địa phương sẽ thành lập đoàn giám sát nguồn nước về được bao nhiêu m3, cấp nước đúng giờ hay không?
Trước tình trạng thiếu nước, ông Nguyễn Trọng Khiển, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Oai cho biết sẽ làm việc với đơn vị cấp nước về khả năng nâng sản lượng nước sạch về cho khu đô thị Thanh Hà. Nếu không làm được, UBND huyện Thanh Oai sẽ có văn bản cho khởi động lại trạm sản xuất nước ngầm trong thời gian ngắn.
Tuy nhiên, đề xuất trên gặp phải phản ứng của cư dân khu đô thị Thanh Hà bởi họ cho rằng điều này sẽ lặp lại tình trạng nguồn nước ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Ngày 10/10, Viện Công nghệ môi trường thông báo kết quả xét nghiệm hàm lượng amoni trong nước gấp 38 lần ngưỡng cho phép, hàm lượng clo cũng vượt ngưỡng hàng chục lần.
Giải đáp kiến nghị, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty CP nước sạch Thanh Hà, cho biết lưu lượng nước từ các đơn vị khác cung cấp không đủ dùng nên dẫn đến tình trạng dân phải dùng nguồn nước ngầm khai thác tại chỗ. Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh về chất lượng.
Từ ngày 14/10, hơn 10 tòa nhà thuộc khu đô thị Thanh Hà bị cắt nước đột ngột và kéo dài.
Tại cuộc họp chiều tối ngày 21/10, ngành Y tế huyện Thanh Oai xác nhận, kết quả mẫu xét nghiệm nước sạch lấy mẫu tại Khu đô thị Thanh Hà vừa qua thể hiện trong nước có nhiễm vi khuẩn E.coli và khuyến cáo người dân tạm thời không dùng nước trực tiếp từ vòi để ăn uống. Nhiều cư dân tại đây cho biết, hiện nay, dù đã có một số nguồn nước được cấp về khu đô thị nhưng họ vẫn không dám sử dụng để ăn uống vì lo ngại chất lượng nước sạch bị ảnh hưởng khi lưu thông qua hệ thống bể chứa của khu đô thị.