Hà Nội

Người dân được sử dụng thực phẩm sạch tại “Tuyến phố kiểm soát ATTP”

11-12-2017 09:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Cuối tháng 12 này, “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” đáp ứng chuẩn 10 tiêu chí về an toàn thực phẩm (ATTP) sẽ chính thức được đưa vào hoạt động tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Khi chính thức hoạt động, mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP” và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu…

Sẽ có nhiều “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại Hà Nội

Hiện trên tuyến phố Thượng Đình đang tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Khi chính thức hoạt động, mỗi nhà hàng, cửa hàng ăn uống đều được niêm yết công khai tấm biển “Nhà hàng, cửa hàng kiểm soát ATTP” và công khai danh mục nguồn gốc nguyên liệu. Theo ông Lê Văn Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), để có thể triển khai thành công mô hình “Tuyến phố kiểm soát ATTP” tại phố Thượng Đình, địa phương đã xác định phải tiến hành một “cuộc cách mạng” để đưa các hộ kinh doanh vào nền nếp. Theo đó, đơn vị sẽ tập trung triển khai chu đáo từ việc tổ chức kiểm tra sức khỏe, tập huấn 10 nguyên tắc vàng chế biến thực phẩm, đến việc hướng dẫn các cơ sở khắc phục điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, cung cấp thông tin địa chỉ các đơn vị kinh doanh thực phẩm sạch…

Người dân được sử dụng thực phẩm sạch tại “Tuyến phố kiểm soát ATTP”Việc khai trương điểm cung cấp an toàn có kiểm soát đã góp phần đảm bảo ATVSTP trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Bà Phạm Hồng Diệp - Trưởng phòng Y tế quận Thanh Xuân cho biết, quận đã phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, hướng dẫn các cơ sở và yêu cầu khắc phục các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí đúng quy trình đảm bảo ATTP. Đến thời điểm này, tất cả các cửa hàng ở tuyến phố này đều đã được kiểm soát đảm bảo 10 tiêu chí về ATTP theo quy định. Trước đó, đoàn của Sở Y tế đã trực tiếp kiểm tra các cơ sở dịch vụ ăn uống tại đây, kết quả, các cơ sở nghiêm túc thực hiện quy định ATTP, niêm yết công khai nguồn gốc các nguyên liệu dùng chế biến thức ăn, thực phẩm tại cửa hàng. Qua xét nghiệm độ sạch bát, đĩa, 10/10 mẫu đạt yêu cầu.

Về phía quận Thanh Xuân, bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân khẳng định, khi những cửa hàng này đi vào hoạt động, quận và phường sẽ thanh, kiểm tra, giám sát định kỳ 2 lần/tuần/cơ sở trở lên. Ngoài trách nhiệm của chính quyền địa phương, quận mong muốn thành phố có cơ chế hỗ trợ công tác kiểm tra chất lượng thực phẩm định kỳ, đột xuất, nếu phát hiện vi phạm sẽ kịp thời xử lý. Quận cũng phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 11 tuyến phố kiểm soát ATTP tại 11 phường trên địa bàn.

Kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP

Trước khi đưa vào hoạt động tuyến phố kiểm soát ATTP, từ tháng 7 vừa qua, quận Thanh Xuân cũng chính là đơn vị đầu tiên trên địa bàn Hà Nội tiên phong trong việc mở 5 cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn có kiểm soát tại các phường: Hạ Đình, Nhân Chính, Kim Giang, Thanh Xuân Bắc, Khương Mai. Đến thời điểm này, 5 cửa hàng bán thực phẩm an toàn có kiểm soát của quận đã phục vụ được gần 34.000 lượt khách, tổng doanh thu gần 2,2 tỷ đồng… Lãnh đạo quận Thanh Xuân cho rằng, mô hình cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn không dễ thành công nếu không có sự đầu tư bài bản cũng như sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng chính là điểm mà quận đang tập trung chỉ đạo, triển khai.

Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên cơ sở thí điểm tại quận Thanh Xuân, thành phố sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm ATTP, gây mất mỹ quan đô thị. “Ban chỉ đạo liên ngành ATTP quận Thanh Xuân tiếp tục thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh trên tuyến phố thực hiện ATTP. Sở Y tế sẵn sàng hỗ trợ quận về chuyên môn nghiệp vụ để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn quận Thanh Xuân” - ông Chung nhấn mạnh.

Được biết, không riêng quận Thanh Xuân mà mô hình này cũng sẽ được nhân rộng ra các quận, huyện khác của Hà Nội.

Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, dù các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt nhưng chất lượng thực phẩm vẫn chưa tạo được niềm tin nơi người tiêu dùng. Theo Sở Y tế Hà Nội, trong hơn 10 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã thành lập 805 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành về vệ sinh an toàn, kiểm tra được 95.172 lượt cơ sở, phát hiện 17.822 cơ sở vi phạm ATTP, xử phạt 6.948 cơ sở với số tiền hơn 33 tỷ đồng. Đặc biệt, cũng trong 10 tháng đầu năm 2017, tại địa bàn thành phố vẫn để xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm làm 9 người mắc, 11 vụ ngộ độc rượu do methanol (cồn công nghiệp) làm 37 trường hợp mắc, trong đó có 10 trường hợp tử vong.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn