Vừa qua, theo phản ánh của người dân TPHCM, tình trạng không thay ống thổi mới khi đo nồng độ cồn vẫn diễn ra khiến người dân lo lắng.
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin kinh tế - xã hội trên địa bàn TPHCM vào chiều 14/12, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM đã khẳng định rằng: Lực lượng công an giao thông không dùng chung đầu thổi khi kiểm tra nồng độ cồn. Nếu người dân phát hiện lực lượng CSGT không thay ống thổi mới (bước kiểm tra định lượng) có thể yêu cầu CSGT thay ống thổi khác.
Theo Phó Trưởng phòng tham mưu Công an TPHCM, hiện nay công tác kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng CSGT CATP sẽ thực hiện theo quy trình như sau:
Cảnh sát giao thông TPHCM tiến hành theo phương pháp kiểm tra định tính (dùng phễu để xác định người điều kiển phương tiện có nồng độ cồng trong hơi thở hay không). Khi dừng kiểm tra phương tiện, người tham gia giao thông sẽ thổi một hơi thở định tính (tốn khoảng 03-05 giây), nếu không phát hiện nồng độ cồn, người điều khiển phương tiện được tiếp tục hành trình tham gia giao thông.
Trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ yêu cầu người vi phạm đưa phương tiện vào khu vực xử lý. Tại đây, cảnh sát giao thông sẽ dùng máy đo định lượng (máy dùng ống thổi, máy lúc này là dùng mỗi người 1 ống thổi riêng biệt. Cảnh sát giao thông sẽ lấy, bóc ống thổi trong túi nilon hoặc để người vi phạm tự tay bóc ống thổi ra và cắm vào máy để thổi) nhằm xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, tạm giữ phương tiện theo quy định.
Như vậy, người tham gia giao thông sẽ được kiểm tra nồng độ cồn 2 lần bằng máy đo định tính và máy đo định lượng để đảm bảo tính chính xác mức độ vi phạm.
Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh: "Trong quá trình thi hành nhiệm vụ, nếu phát hiện đơn vị, cá nhân nào của CATP chưa thực hiện đúng quy định, các cá nhân có thể phản ánh cụ thể về CATP để CATP kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý".