Các loại pháo hoa được phép sử dụng
Tại Điều 17, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định về sử dụng pháo hoa, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Do đó, vào dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, người dân được phép mua và sử dụng các loại pháo hoa không gây tiếng nổ, mà chỉ có âm thanh, ánh sáng và màu sắc.
Hiện nay, Công ty TNHH Một Thành Viên Hóa chất 21 (Nhà máy Z121) thuộc Bộ Quốc phòng là đơn vị duy nhất được phép sản xuất pháo hoa không nổ tại nước ta.
Các loại pháo hoa người dân có thể mua đó là ống phun nước bạc ngoài trời, ống phun nước bạc trong nhà, ống phun hoa lửa cầm tay, cây hoa lửa, cánh hoa xoay, thác nước bạc...
Mỗi loại pháo hoa sẽ có giá niêm yết theo quy định nhà nước. Điển hình, ống phun nước bạc ngoài trời có giá 25.000 đồng/ống. Ống phun nước bạc trong nhà được bán 26.000 đồng/ống và ống phun hoa lửa cầm tay giá từ 32.000-33.000 đồng/túi 5 ống...
Người dân và các đơn vị có nhu cầu sử dụng cũng phải mua ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định.
Sử dụng pháo hoa ra sao để an toàn?
Theo luật sư Tạ Anh Tuấn, Đoàn Luật sư Hà Nội, việc quản lý, sử dụng pháo hoa, pháo hoa nổ, thuốc pháo phải bảo đảm đúng mục đích, đúng quy định để bảo đảm an toàn.
"Tại Điều 4, Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định người sử dụng pháo phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và lựa chọn mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật", luật sư Tạ Anh Tuấn nói.
Luật sư Tuấn khuyến cáo, khi mua pháo hoa không nổ cần bảo quản nơi khô thoáng, tránh xa tầm tay trẻ em. Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra phải cung cấp đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ để xuất trình.
Khi đốt pháo hoa, tránh cầm pháo quá gần vào người, tránh chạm vào quần áo và các vật dụng dễ cháy. Đồng thời phải đợi pháo cháy hết, không còn tàn lửa mới được bỏ vào thùng chứa rác.
Người dân có được phép vận chuyển pháo không?
Theo khoản 1 Điều 13 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp pháo hoa nổ thì được phép vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ.
Căn cứ trên quy định pháp luật nghiêm cấm người dân vận chuyển pháo hoa nổ, luật sư Tuấn nhận định: Việc vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ được thực hiện theo khoản 2 Điều 13 Nghị định 137/2020/NĐ-CP. Khi vận chuyển pháo phải có giấy phép vận chuyển hoặc mệnh lệnh vận chuyển của cơ quan có thẩm quyền. Người và phương tiện chuyên dùng vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ phải đáp ứng yêu cầu về vận chuyển vật liệu nổ công nghiệp theo quy định.
Ngoài ra phải sử dụng phương tiện chuyên dùng bảo đảm điều kiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ và bảo đảm an toàn, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường.
Không được chở pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ, phụ kiện bắn pháo hoa nổ và người trên cùng một phương tiện, trừ người có trách nhiệm trong việc vận chuyển.
Không dừng, đỗ phương tiện vận chuyển pháo hoa nổ, thuốc pháo nổ ở nơi đông người, khu vực dân cư, gần trạm xăng dầu, nơi có công trình quan trọng về quốc phòng, an ninh, kinh tế, văn hóa, ngoại giao.