Tục tảo mộ ngày Tết là truyền thống tốt đẹp được mỗi gia đình gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây cũng là dịp để con cháu bày tỏ lòng biết ơn, kính trọng trước những người đã khuất, ghi nhớ công lao của tổ tiên.
Tục ngữ Việt Nam có câu "cao nấm, ấm mồ", vì vậy, sửa sang nấm mồ cũng là một trong những việc hiếu đạo của con cái, thể hiện lòng kính trọng đối với đấng sinh thành, và các bậc tổ tiên đã khuất. Ngày tảo mộ có ý nghĩa rất quan trọng đối với các thế hệ gia đình của người dân Việt khắp mọi miền đất nước. Các con cháu dù làm ăn ở xa cũng cố gắng về tảo mộ ông bà với lòng biết ơn tổ tiên và cầu mong năm mới làm ăn khấm khá. Về quê tảo mộ mỗi dịp Xuân về đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thể hiện tình cảm hướng về với nguồn cội...
Chia sẻ với chúng tôi, Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Trưởng ban, Ban Trị sự GHPG Việt Nam tỉnh Hòa Bình, trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, đây là nét đẹp văn hóa uống nước nhớ nguồn của người dân Việt Nam.
Đại đức Thích Trí Thịnh nói: "Khi tảo mộ, gia đình về nơi phần mộ an táng của người thân, dòng tộc để dọn dẹp sửa sang lại mộ phần, quét dọn, sơn sửa lại. Đây cũng là việc làm để nghi thức nghi lễ, tạ ơn thổ thần và các vị thần cai quản che trở cho các chân linh yên nghỉ tại khu đất đó. Việc tảo mộ cũng là tấm lòng hiếu thảo của con cháu khi trở về quê hương, đây cũng là dịp để mọi người sum họp, quây quần đối với người thân đã khuất. Đây là nét đẹp truyền thống, uống nước nhớ nguồn của chúng ta".
Trước khi thực hiện việc thắp hương, dâng lễ, các thành viên trong gia đình thực hiện việc lau chùi, tỉa cây cối cùng dọn dẹp sạch sẽ phần mộ của gia tiên, người thân.
Tảo mộ còn có ý nghĩa thể hiện lòng hiếu kính, sự biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, nhắc nhở con cháu về đạo lý "chim có tổ, người có tông".