Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn

15-11-2023 14:30 | Xã hội

SKĐS - Mưa lớn kéo dài khiến các vựa cam ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) thối rụng hàng loạt. Người dân hết sức lo lắng bởi cam rụng gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.

Nhiều ngày gần đây, chị Võ Thắm (trú tại xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang) đang tất bật vệ sinh vườn trại, nhặt những quả cam rụng để mang đi đổ bỏ.

Mới đây thôi, gia đình chị dự kiến sẽ có được trên 150 triệu đồng từ vựa cam của mình, nay nhìn vườn cam rụng hàng loạt, chị không khỏi ngậm ngùi.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 1.

Do mưa lớn kéo dài khiến cam rụng hàng loạt.

Chị Thắm cho biết, nhiều năm gắn bó với nghề trồng cam nhưng chưa năm nào lại xảy ra hiện tượng cây cam rụng quả đầy vườn như thế này.

"Tính đến thời điểm hiện tại cam rụng khoảng 30% và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nguyên nhân khiến cam rụng có thể do mưa lớn kéo dài", chị Thắm nói.

Gia đình chị Thắm trồng hơn 2 héc ta cam chanh và cam bù. Hiện, số cam chanh vào vụ thu hoạch, còn cam bù gần đến Tết Nguyên đán.

Ngoài gia đình chị Thắm, nhiều hộ khác tại xã Quang Thọ cũng lo lắng vì cam rụng quá nhiều.

Ông Nguyễn Văn Tịnh (ở xóm 1, xã quang Thọ) hiện có 150 gốc cam đã cho quả. Liên tiếp đợt mưa lớn vừa rồi, vườn cam của gia đình ông rụng khá nhiều.

"Những đợt mưa trước cam của gia đình mới chỉ rụng rải rác, nhưng 2 đợt mưa lớn vừa rồi, vườn không kịp thoát nước, nhiều cây quả bị vàng và rụng, bình quân mỗi gốc cam rụng từ 3-5 kg. Tính sơ sơ, đợt mưa này, sản lượng cam sẽ bị hư hỏng gần 1 tấn quả, ước thiệt hại khoảng 20 triệu đồng", ông Tịnh cho hay.

Hiện gia đình ông Tịnh đang thu gom những quả bị rụng ra khỏi vườn, chôn lấp và khơi thông tất cả các rãnh thoát nước tránh ngập úng.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 2.

Người dân tranh thủ thu hoạch cam sau khi mưa ngớt.

Không chỉ xã Quang Thọ, hiện tượng cam rụng còn xảy ra ở các xã Hương Thủy, Phúc Trạch, Điền Mỹ, Lộc Yên (huyện Hương Khê) và một số xã của huyện Vũ Quang.

Ngoài cam, nhiều vườn bưởi đặc sản Phúc Trạch cũng bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt mưa lũ vừa qua. Riêng tại xã Hương Trạch có tới 90 héc ta bưởi bị ngập. Lũ rút, cây bưởi xuất hiện tình trạng rụng lá, nhiều cây bưởi khó hồi phục, nguy cơ bị chết.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 3.
Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 4.
Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 5.

Người dân tranh thủ thu gom những quả hỏng, rụng.

Những năm qua, nhiều người dân tại các huyện như: Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ,… đã chuyển dịch mô hình kinh tế gia đình sang trồng cam bởi họ nhận thấy nghề trồng cam mang lại hiệu quả kinh tế gia đình rất cao.

Tuy nhiên, tình trạng cam rụng quả hàng loạt đã ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập cũng như gây nên tâm lý hoang mang, lo lắng cho người trồng cam và ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế địa phương.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 6.

Cam rụng gây thiệt hại kinh tế cho người dân.

Ông Phan Xuân Nam, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vũ Quang cho hay, sau khi nắm bắt tình hình đơn vị đã cùng chính quyền địa phương tới những vườn cam bị rụng quả nhiều, chia sẻ, vận động người dân tích cực chăm sóc, bảo vệ.

"Cách tốt nhất để giảm thiểu cho cây cam không bị rụng quả lúc này là phải dùng bao bọc quả. Tuy nhiên với diện tích lớn người dân không kịp thời bao phủ nên cam năm nay rụng quả nhiều hơn", ông Nam cho hay.

Người dân điêu đứng vì cam thối rụng hàng loạt sau mưa lớn- Ảnh 7.

Những quả cam được bọc túi bóng sẽ hạn chế sâu bệnh, rụng hơn.

Được biết, trên toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có khoảng hơn 7.700 héc ta diện tích trồng cam, trong đó diện tích cây cam được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGap khoảng 2.000 héc ta. Cây cam được xem là một trong các cây trồng chủ lực, sản phẩm OCOP tiêu biểu, mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân tại nhiều địa phương trong tỉnh này.

Theo khuyến cáo của cơ quan chức năng, những cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi sau mưa lũ cần bổ sung phân vi lượng cho vườn cây bằng cách phun một số loại phân bón lá có chứa vi lượng. Đồng thời bà con cần chú ý phòng trừ các loại bệnh sau lũ lụt như bệnh loét, bệnh xì mủ gốc hoặc bệnh vàng lá thối rễ sẽ xảy ra nếu trên vườn không có hệ thống thoát nước tốt.

Một điều quan trọng là sau khi nước rút, bà con hạn chế đi lại trong vườn vì điều này làm cho đất bị lèn chặt, ảnh hưởng đến bộ rễ cây và khả năng phục hồi của cây sau mưa lũ.

Cam rụng, dân khóc ròngCam rụng, dân khóc ròng

SKĐS - Gần đây, những “ống kính phóng viên” ghi lại cảnh cam sành rụng chất đầy đường tại Hà Giang đã thu hút sự quan tâm lớn trên mạng xã hội. Hình ảnh hàng ngàn, hàng vạn quả cam rụng thành “suối” vàng dập nát dưới gốc, bên vệ đường khiến nhiều người không khỏi thương cảm, xót xa cho người nông dân.



Nguyễn Sơn
Ý kiến của bạn