Thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội, hầu hết các đại biểu (ĐB) đánh giá cao những kết quả mà chúng ta đã đạt được trong năm 2014, những tháng đầu năm 2015. Theo các ĐB, kinh tế đất nước đã và đang phục hồi rõ nét hơn song chưa bền vững, nhiều bài toán về công nghiệp, thương mại, đặc biệt là nông nghiệp vẫn chưa có lời giải, đời sống bà con nông dân vẫn hết sức khó khăn. Các ĐB cho rằng, hội nhập càng sâu, thách thức mới càng trở nên quyết liệt thì những thành tựu và cả yếu kém của nền kinh tế càng cần phải được phân tích, mổ xẻ thẳng thắn, thực chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang).
Nhà nước là “bà đỡ” nhằm đột phá tăng trưởng kinh tế
Có lẽ chưa bao giờ tại hội trường Quốc hội, phiên thảo luận về KT-XH lại có nhiều ĐB phát biểu tập trung nhiều về vấn đề nông nghiệp nông thôn, tìm đầu ra cho nông sản đến như vậy. Theo ĐB Đỗ Văn Đương (TP.HCM), trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã có những biện pháp quyết liệt để kinh tế tăng trưởng so với nhiều năm trước, an ninh trật tự được giữ vững. Tuy nhiên, những khó khăn hạn chế cơ bản vẫn còn kéo dài nhiều năm. Đặt ra hàng loạt câu hỏi như: Vì sao sản xuất nông nghiệp tăng trưởng thấp, có phải do thị trường tiêu thụ hạn chế, hay chất lượng nông sản thấp? Vai trò định hướng của các bộ, ngành, chính quyền địa phương ở đâu, mà để lúc thì khoai lang, khi thì hành tím, dưa hấu bị ế ẩm? Bây giờ là cây mắc-ca đang trồng ồ ạt ở nhiều nơi, nhưng đầu ra sẽ ở đâu? Liệu có rơi vào tình trạng như khoai lang, hành tím, nữa không? Gần như năm nào Chính phủ cũng ứng tiền ra để thu mua tạm trữ lúa, gạo. Nhưng đến nay chúng ta đã đánh giá hiệu quả, tác động của giải pháp tình thế này đến đâu? Bà con nông dân được hưởng lợi như thế nào? Có ý kiến cử tri phản ánh rằng, khi có chủ trương này, hầu như bà con nông dân đã bán hết thóc, để trang trải nợ nần, chi phí sản xuất, chỉ còn thương lái đã thu gom mua trước đó. Vậy có phải chúng ta mua lại của thương lái hay không? ĐB Đương đề nghị đối với từng hạn chế, khó khăn của từng lĩnh vực, báo cáo lần sau cần phải nêu ra để ĐB phân tích, mổ xẻ nguyên nhân, góp phần cùng Chính phủ đề ra giải pháp thiết thực, cụ thể, nhất là giải pháp phát huy tiềm năng, lợi thế to lớn của chúng ta về kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, kinh tế du lịch. Người dân đang ngóng chờ những cú hích mạnh mẽ về chính sách, sự đầu tư thật thỏa đáng của Nhà nước, Nhà nước là “bà đỡ” trong lĩnh vực này nhằm tạo bước đột phá tăng trưởng về kinh tế và phát triển bền vững.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) nhận định, sản xuất nông nghiệp hiện nay còn mang tính tự phát, chưa liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, chưa gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ. Đề nghị ngành nông nghiệp và các ngành chức năng hãy vào cuộc một cách quyết liệt hơn để tháo gỡ những khó khăn cho nông nghiệp, hỗ trợ nông dân. Đừng để cảnh các đoàn viên, thanh niên phải đi vận động người dân mua từng cân khoai, cân hành, trái dưa hấu để cứu nông dân. Đó không phải là giải pháp bền vững.
Chênh lệch số liệu là do cách tính
Cũng tại phiên thảo luận về tình hình KT-XH, ĐB Mai Hữu Tín (Bình Dương) đã đưa ra một loạt số liệu gây chú ý về chênh lệch quá lớn về số liệu thống kê xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc. Theo ĐB Mai Hữu Tín, chúng ta vẫn tiếp tục nhập siêu trong hơn 20 năm qua với con số nhập siêu riêng cho năm 2014 lên đến khoảng 13 tỷ USD. Theo chúng tôi biết, con số nhập siêu không chính thức này tiếp tục tăng rất nhanh trong những tháng đầu năm 2015. Ngoài việc gây khó khăn, thiệt hại to lớn cho nền kinh tế Việt Nam thì số lượng hàng nhập khẩu khổng lồ này chắc chắn gây áp lực lớn lên tỷ giá VND mà chúng ta đang hết sức cố gắng giữ ổn định. Đại biểu Mai Hữu Tín cho rằng, về nhập khẩu, số liệu nhập khẩu Việt Nam ghi nhận lại thấp hơn số liệu từ phía Trung Quốc khoảng 20 tỷ USD chỉ tính riêng trong năm 2014. Việt Nam đã có hơn 20 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào nội địa mà không qua ghi nhận của các cơ quan chức năng.
Liên quan tới con số nhập siêu 20 tỷ USD của Việt Nam từ Trung Quốc được ĐB Mai Hữu Tín nêu ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết: “Đúng là có số liệu chênh lệch về thống kê giữa Việt Nam và Trung Quốc. Chênh lệch số liệu là do ngành hải quan quản lý chưa tốt về ngăn chặn gian lận thương mại”. Bộ trưởng Vinh cho rằng, hầu hết các nước đều gặp tình trạng không “khớp” về số liệu thống kê, chứ không riêng gì Việt Nam. Đơn cử, như năm 2014 xuất nhập khẩu từ Việt Nam sang Singapore theo số liệu thống kê của Việt Nam là 9,8 tỷ USD, nhưng số liệu của Singapore là 16,1 tỷ USD; hay số liệu xuất khẩu của Việt Nam sang Bồ Đào Nha, theo thống kê của Bồ Đào Nha là 340 triệu USD, nhưng thống kê phía Việt Nam chỉ là 280 triệu USD, chênh nhau gần 30%...
Đi vào phân tích cụ thể, Bộ trưởng Vinh đưa ra 3 nguyên nhân. Thứ nhất, do cách thống kê mỗi nước là khác nhau. Thứ hai, hàng hóa của chúng ta đưa vào mỗi nước không tính giá trị xuất khẩu qua đường tiểu ngạnh, không phải là buôn lậu mà có qua hải quan, nhưng phía Trung Quốc lại không tính con số đó. Lý do thứ 3 được Bộ trưởng Vinh nêu ra, là do cách tính thuế khác nhau nên cách tính giá trị giá hải quan giữa các nước cũng khác nhau, không trùng khớp.
Năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp
Báo cáo trước Quốc hội sáng 9/6, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, năm 2016, Quốc hội sẽ tiến hành 3 kỳ họp. Cụ thể, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra khoảng 10 ngày, vào cuối tháng 3/2016, tập trung tổng kết cả nhiệm kỳ, thực hiện giám sát công tác bầu cử đại biểu nhiệm kỳ 2016-2021 và dự kiến không tổ chức chất vấn và giám sát chuyên đề.
Tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV - kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới, diễn ra khoảng 20 ngày, vào cuối tháng 7/2016, chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước...
Sang kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối tháng 10/2016, Quốc hội tập trung vào các nội dung chính là kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật...
Cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015 (với 86,26% đại biểu tán thành); thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi) với 85,25% đại biểu tán thành.
PV
Anh Tuấn - Hoàng Dương