Theo Bộ Tài chính, cả nước hiện có hơn 31.200 di tích lịch sử - văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê di tích của địa phương. Các di tích này cơ bản đều có người đại diện hoặc ban quản lý chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hoạt động. Hiện, Bộ Tài chính mới có Thông tư hướng dẫn về quản lý tiền công đức.
Trước đó, một số địa phương chỉ có quy định với di tích trên địa bàn cấp tỉnh, hoặc di tích giao đơn vị sự nghiệp công lập quản lý. Còn lại đa số quản lý chủ yếu theo thông lệ, truyền thống, đặc điểm riêng của mỗi cơ sở.
Theo báo cáo của địa phương, trong gần 31.600 di tích thành phần, gần một nửa có số liệu thu, chi. Số còn lại chủ yếu là di tích tư nhân, nhà thờ dòng họ không báo cáo.
Tổng tiền thực thu trong năm 2023 của các cơ sở trên đạt 4.100 tỷ đồng, không gồm các khoản công đức, tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng.
Trong đó, số thu tại các cơ sở tín ngưỡng hơn 3.060 tỷ đồng, chiếm 75%. Một số nơi có số thu lớn như: Miếu Bà Chúa Xứ - An Giang 220 tỷ đồng; Đền Bảo Hà - Lào Cai 71 tỷ đồng; Nhà tù Côn Đảo - Bà Rịa-Vũng Tàu 34 tỷ đồng; Đền Sòng Sơn - Thanh Hóa 28 tỷ đồng; Đền Hùng - Phú Thọ 26 tỷ đồng, Đình La Khê và Đền trình Ngũ Nhạc ở Hà Nội lần lượt 28,3 tỷ đồng.
Còn lại số thu tại cơ sở tôn giáo gần 1.040 tỷ đồng. Bốn di tích trong nhóm này thu trên 10 tỷ đồng, gồm: Chùa Tranh - Hải Dương 10,2 tỷ đồng; Chùa Tàm Xá - Hà Nội hơn 10 tỷ đồng; Chùa Ông - Đồng Nai 14,2 tỷ đồng; Ban Đại diện Phật giáo Hòa Hảo tỉnh Cà Mau 14,4 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, có 7 tỉnh thành có số thu trên 200 tỷ đồng như Hà Nội, Hải Dương, An Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Nam Định 215 tỷ đồng. Quảng Ninh, địa phương thí điểm kiểm tra, có số thu 4 tháng đầu năm 2023 trên 67 tỷ đồng, ước cả năm hơn 200 tỷ đồng.
Tổng số chi trong năm 2023 hơn 3.610 tỷ đồng cho các hoạt động như quản lý, lễ hội, tu bổ, tôn tạo, tuyên truyền, an ninh trật tự, từ thiện.
Bộ Tài chính đánh giá, trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước còn khó khăn, chi cho lĩnh vực văn hóa khiêm tốn, tiền công đức, tài trợ này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, đa số báo cáo của địa phương cho rằng số liệu thu, chi tiền này mới chỉ phản ánh một phần, chưa đầy đủ. Với các cơ sở tôn giáo cơ bản đều có hoạt động thu, chi nhưng còn khoảng 31%, tương ứng 1.771 cơ sở không báo cáo.
Bộ Tài chính cho rằng, việc quản lý tiền công đức, tài trợ tại không ít di tích chưa chặt chẽ, tiềm ẩn rủi ro, thất thoát, trộm cắp. Một số nơi giao tiền cho cá nhân giữ, đứng tên gửi tiết kiệm, cho các cá nhân vay, có trường hợp bị lừa nhiều tỷ đồng.
Trong khi đó, một số nơi có thói quen giữ tiền mặt, không gửi vào tài khoản bị kẻ gian lấy trộm. Cá biệt, có trường hợp nhân viên Ban quản lý di tích lấy trộm tiền công đức bị nhiều người phát hiện.
Xem thêm video được quan tâm:
Ngân hàng xiết nợ chủ Dự án bà Trương Mỹ Lan từng chuyển 14,5 triệu USD để thâu tóm | SKĐS