Không ngừng hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế và nhân lực chuyên sâu từ thành phố đến cơ sở
Nhờ sự hoàn thiện của hệ thống y tế từ tuyến thành phố đến phường, xã, người dân Đà Nẵng được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe khép kín. Theo đó, người dân vừa được tiếp cận thông tin sức khỏe, các dịch vụ dự phòng bệnh tật, vừa được điều trị khi mắc bệnh và phục hồi chức năng.
Mạng lưới y tế Đà Nẵng hiện nay gồm 10 bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến thành phố, 5 đơn vị chuyên ngành, 1 chi cục và 7 trung tâm y tế quận, huyện với 56 trạm y tế phường, xã. Trong đó, có 3 bệnh viện tuyến thành phố xếp hạng 1; 11 bệnh viện tuyến thành phố và quận, huyện xếp hạng 2; 2 bệnh viện xếp hạng 3. Ngoài ra, Sở Y tế còn phối hợp và thực hiện quản lý chuyên môn, nghiệp vụ 5 bệnh viện thuộc bộ, ngành Trung ương, 5 bệnh viện và 1.853 cơ sở hành nghề y tế tư nhân. Tổng số giường bệnh hiện nay của toàn thành phố là 9.036 giường, ước đạt 77,26 giường bệnh/10.000 dân, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình toàn quốc (toàn quốc là 26,5 giường bệnh/10.000 dân).
Hiện, 100% bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện đều sử dụng phần mềm quản lý bệnh viện điện tử và 100% trạm y tế phường, xã sử dụng phần mềm dùng chung hỗ trợ cho công tác quản lý khám, chữa bệnh, quản lý bệnh nhân, quản lý điều trị nội trú, ngoại trú, quản lý xét nghiệm, quản lý dược, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, nhân lực y tế thành phố phát triển mạnh mẽ về số lượng và tăng về chất lượng. Tính đến tháng 11/2021, tổng nhân lực tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Y tế và bệnh viện ngoài công lập là 9.134 người (tăng 232,15% so với năm 1997). Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân năm 2020 đạt 17,94 (toàn quốc là 8,6 bác sĩ/vạn dân). Ngoài ra, thành phố duy trì đội ngũ 1.089 cộng tác viên dân số - y tế tại 56 phường, xã và 119 nhân viên y tế thôn tại huyện Hòa Vang. Trong số 7.191 người tại các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đến tháng 11/2021, có 5.743 lao động giữ chức danh y tế (tăng 174,65% so với năm 1997), gồm: 1.462 bác sĩ; 436 dược sĩ, dược tá; 2.366 điều dưỡng và 1.479 lao động có trình độ chuyên môn y tế khác.
Thời gian qua, ngành y tế Đà Nẵng không ngừng hoàn thiện hệ thống mạng lưới y tế và nhân lực chuyên sâu từ thành phố đến cơ sở. Đặc biệt, việc ứng dụng các kỹ thuật y khoa chuyên sâu góp phần khẳng định vai trò, vị trí vững chắc của y tế Đà Nẵng đối với khu vực và cả nước.
Giai đoạn 2015-2020, với các mô hình bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, đào tạo ekip, đào tạo chuyên môn sâu y tế, các đơn vị trong ngành y tế thành phố đã thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu phù hợp với phân tuyến kỹ thuật. Bệnh viện Đà Nẵng đã triển khai thành công ca ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống đầu tiên vào năm 2016.
Đến nay đã tiến hành thành công 26 ca ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu… đã cứu sống kịp thời nhiều bệnh nhân rất nặng như sốc phản vệ, viêm cơ tim...
Công tác y tế dự phòng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ
Bằng những sự nỗ lực của ngành y tế, công tác y tế dự phòng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là đã ngăn chặn có hiệu quả các dịch bệnh mới nổi như Ebola, Cúm A (H7N9), Mers-CoV..., đặc biệt là đại dịch COVID-19 kể từ năm 2020 đến nay.
Theo ThS.BS. Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết, hiện nay, CDC Đà Nẵng hoàn thành việc xây dựng phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn an toàn sinh học cấp 2 và đang tiếp tục củng cố, duy trì phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005; đồng thời triển khai nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm. Hiện nay, tại thành phố có 7 quận, huyện được công nhận loại trừ bệnh sốt rét và 5 quận, huyện được công nhận loại trừ bệnh phong ở quy mô cấp quận, huyện.
Theo đó, kể từ năm 2015, các chỉ tiêu thiên niên kỷ của Đà Nẵng đã đạt vượt xa so với toàn quốc. Cụ thể, tỷ số giới tính khi sinh 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2015), giảm còn 105,5 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (năm 2020); chất lượng dân số ngày một nâng cao, tuổi thọ trung bình đạt 75,8 (năm 2015), tăng lên 76,3 tuổi (năm 2020); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi về cân nặng theo độ tuổi luôn thấp nhất cả nước 3,5% (năm 2019); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi về chiều cao theo tuổi luôn thấp thứ hai cả nước 13% (năm 2019).
Theo Sở Y tế Đà Nẵng, với các mô hình bệnh viện vệ tinh, và thực hiện đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" của Bộ Y tế, đào tạo ekip, đào tạo chuyên môn sâu y tế, các bệnh viện trên địa bàn thành phố thực hiện chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu phù hợp với phân tuyến kỹ thuật.
Bên cạnh hệ thống y tế dự phòng, mạng lưới điều trị cũng không ngừng phát triển theo hướng "đa khoa mạnh, chuyên khoa sâu". Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến khẳng định: "Với sự đầu tư từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế và đặc biệt là việc đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế, cơ sở hạ tầng của các bệnh viện được nâng cấp và xây mới, trang thiết bị y tế ngày càng được trang bị đầy đủ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế ngày càng được nâng cao. Người dân Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên ngày càng có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, không còn phải chuyển viện đi xa như trước. Không những góp phần giảm tải bệnh viện mà còn giảm chi phí khám, chữa bệnh cho người dân, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân".