Những việc cần làm ngay sau mưa lũ để phòng bệnh

19-09-2024 18:22 | Phòng mạch online

SKĐS - Mưa lũ, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc trong thời gian qua.

Khi lũ đi qua do nguồn nước sinh hoạt, nguồn nước ăn uống, lương thực, thực phẩm bị ô nhiễm bởi các vi sinh vật gây bệnh (vi khuẩn, virus, nấm, đơn bào) nên phát sinh một số bệnh như:

- Các bệnh ngoài da: Viêm da, mụn, nhọt, viêm lỗ chân lông, hắc lào, lang ben, ghẻ lở...

- Các bệnh về mắt: Đau mắt đỏ, viêm bờ mi, viêm tuyến lệ...

- Bệnh đường hô hấp: Cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp...

- Các bệnh do muỗi truyền: Sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản…

Những việc cần làm ngay sau mưa lũ để phòng bệnh- Ảnh 1.
Những việc cần làm ngay sau mưa lũ để phòng bệnh- Ảnh 2.
Những việc cần làm ngay sau mưa lũ để phòng bệnh- Ảnh 3.
Những việc cần làm ngay sau mưa lũ để phòng bệnh- Ảnh 4.

Hình ảnh thực tế tại Thôn Thịnh Bình, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh Hoàng Yến.

Những việc người dân cần làm sau mùa mưa lũ:

1. Sau khi nước rút nếu dùng nước giếng khoan thì để sau ít ngày mới sử dụng lại. Cần thau rửa bể nước, dụng cụ chứa nước; lọc nước sinh hoạt ăn uống bằng cát sạch hoặc đánh phèn để lắng.

2. Phun khử khuẩn nền nhà, vệ sinh, thanh khiết môi trường tại các khu vực công sở, công cộng (ủy ban, thành ủy, trường học, chợ...) và các tuyến đường xung quanh thành phố.

3. Lựa chọn thực phẩm sạch và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện "ăn chín, uống sôi", không ăn thức ăn cũ, ôi thiu.

4. Thường xuyên rửa tay với xà phòng khử khuẩn trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

5. Vệ sinh cá nhân hằng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn, không mặc quần áo ẩm ướt. Nếu trường hợp tay chân bị xây xát, dẫm vào đinh hoặc vật sắc nhọn cần vệ sinh rửa sạch sẽ nhằm loại bỏ dị vật, ngăn ngừa nhiễm trùng.

6. Hạn chế bơi lội vào chỗ nước bẩn tù đọng. Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn cần rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

7. Khi nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy tránh để bùn đọng, thu gom, xử lý và chôn xác súc vật.

8. Tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô... chỗ nước đọng để không cho muỗi đẻ trứng.

9. Mắc màn khi ngủ để tránh muỗi đốt.

10. Luôn giữ ấm cơ thể, nhất là người già và trẻ em; ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, bổ sung vitamin, khoáng chất.

11. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Mời bạn đọc xem tiếp video:

Ra nhiều mồ hôi có phải là bệnh? | SKĐS

Hoàng Yến
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương
Ý kiến của bạn