Bình luận về các hành động của Trung Quốc khi ngang nhiên đưa vào hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, ông Hoàng Việt - giảng viên Trường ĐH Luật TP HCM, thành viên Ban Nghiên cứu Luật Biển của Liên đoàn Luật sư Việt Nam - khẳng định hành động đó đã vi phạm các quyền của Việt Nam được thăm dò và khai thác các tài nguyên sinh vật và không sinh vật biển quy định trong của Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Trung Quốc giăng bẫy
Theo ông Hoàng Việt, Việt Nam có quyền bảo vệ quyền thăm dò, khai thác mang tính đặc quyền được UNCLOS quy định trên vùng biển thuộc của Việt Nam. Trung Quốc xịt vòi rồng, đâm vào tàu Việt Nam là “hành động sử dụng vũ lực”, vi phạm các quy định của công ước này trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; vi phạm tinh thần Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp, nghĩa vụ kiềm chế của các bên được quy định trong công ước.
Tàu của lực lượng Cảnh sát biển bị tàu Trung Quốc đâm hỏng được đưa về Đà Nẵng sửa chữa Ảnh: BÍCH VÂN
Ông Hoàng Việt nhận định các hành động gây hấn của Trung Quốc chính là một cái bẫy. Họ cố tình giăng ra để tạo cái cớ gây chuyện với Việt Nam. “Quan trọng nhất là làm sao đẩy được giàn khoan ra mà không phải nổ súng trước. Tuy nhiên, trong trường hợp Trung Quốc nổ súng, Việt Nam cũng phải nổ súng để đáp trả” - ông Việt nhìn nhận.
Chúng ta đã đáp trả chính đáng
Hiện nay có 161 thành viên tham gia UNCLOS 1982, trong đó có các nước ven là Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Indonesia, Singapore và Brunei. Công ước quy định các quốc gia ven biển có các vùng biển là nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Chiều rộng của các vùng biển này được tính từ đường cơ sở dùng để tính lãnh hải của quốc gia ven biển. Công ước quy định rất rõ quy chế pháp lý của từng vùng biển.
Về vùng đặc quyền kinh tế, đó là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải và có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (vì lãnh hải 12 hải lý nên thực chất vùng đặc quyền kinh tế có 188 hải lý). Đây là một chế định pháp lý hoàn toàn mới vì theo Luật Biển quốc tế cho đến những năm 50 của thế kỷ XX, các quốc gia ven biển không có vùng biển này.
Theo điều 56 của UNCLOS, trong vùng đặc quyền kinh tế của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Cho đến nay, tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế mà các quốc gia ven biển đang khai thác chủ yếu là tôm, cá. Quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió.
Quốc gia ven biển có quyền tài phán đối với việc lắp đặt và sử dụng các đảo nhân tạo, các thiết bị, công trình; nghiên cứu khoa học biển; bảo vệ và giữ gìn môi trường biển. Công ước quy định các quốc gia khác, bất kể là quốc gia có biển hay không có biển, được hưởng một số quyền nhất định ở trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển như quyền tự do hàng hải, quyền tự do hàng không.
Điều 76 của UNCLOS quy định rất rõ thềm lục địa của quốc gia ven biển rộng tối thiểu 200 hải lý (kể cả khi thềm lục địa thực tế hẹp hơn 200 hải lý). Điều 77 quy định trong thềm lục địa của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với việc thăm dò, khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay, các nước ven biển đang khai thác dầu và khí để phục vụ phát triển đất nước. Sau này, khi các nguồn tài nguyên ở trên đất liền khan hiếm thì các quốc gia ven biển sẽ khai thác các tài nguyên khác ở thềm lục địa của mình. Cần lưu ý là quyền chủ quyền đối với thềm lục địa mang tính đặc quyền ở chỗ nếu quốc gia đó không thăm dò, khai thác thì cũng không ai có quyền khai thác tại đây nếu không được sự đồng ý của quốc gia ven biển.
Điều cần nhấn mạnh là một mặt các quốc gia ven biển được hưởng các quyền tương ứng như đã nêu trên đối với các vùng biển của mình nhưng mặt khác họ có nghĩa vụ tôn trọng quyền của các quốc gia ven biển khác. Như vậy, việc Việt Nam đẩy đuổi phía nước ngoài đã vi phạm UNCLOS ngay trên thềm lục địa của mình, thậm chí đáp trả khi họ có hành vi gây hấn, là hành động chính đáng, đúng luật.
Ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:
Người dân biểu thị tinh thần yêu nước là đúng đắn
Ngày 8-5, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về việc hiện nay có nhiều người dân đang kêu gọi biểu thị tinh thần yêu nước, phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, ông Vũ Trọng Kim - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam - cho rằng việc người dân biểu thị tinh thần yêu nước, đồng lòng là rất đúng đắn. MTTQ sẽ sớm cùng nhau bàn bạc về vụ Trung Quốc xâm phạm vùng biển Việt Nam. “Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam rồi. Việc này hai năm rõ mười. Bây giờ là thái độ của mình. Chắc chắn là Đảng, nhà nước cũng như tất cả người dân đều đồng lòng phản đối việc này và quyết tâm bảo vệ chủ quyền” - ông Kim nói.
Ông khẳng định: “Dù Trung ương MTTQ chưa ra lời kêu gọi hay lên tiếng chính thức về việc này song về cá nhân, tôi suy nghĩ cũng giống mọi người dân Việt Nam, đồng thuận việc bảo vệ chủ quyền từ trước tới nay và từ nay về sau cũng rõ như thế. Lập trường này không bao giờ thay đổi”.
Theo Nguoi Lao dong