Quảng Bình: Người dân bất an với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng

25-12-2024 09:04 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình trạng xâm thực, sạt lở bờ biển tại xã Thanh Trạch (Quảng Bình) đã kéo dài 3 năm, ngày càng thêm nghiêm trọng. Mỗi ngày, nhìn biển 'ngoạm' bờ, người dân thêm bất an.

Người dân ven biển xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) lo lắng trước tình trạng xâm thực, sạt lở những năm gần đây, khi biển ăn sâu vào khu dân cư và đất sản xuất.

Quảng Bình: Người dân bất an với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng- Ảnh 1.

Bờ biển xã Thanh Trạch đang sạt lở nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Trạch cho biết, tình trạng xâm thực, sạt lở bắt đầu từ 3 năm trước. Hơn 2 km bờ biển tại địa phương đã bị sạt lở, đặc biệt nghiêm trọng ở thôn Thanh Xuân, nơi có 450 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu nằm trong vùng bị ảnh hưởng.

"Khoảng 3 năm trước chúng tôi nhận thấy bờ biển bị xâm thực, sạt lở rõ rệt. Tình trạng này càng nghiêm trọng sau ảnh hưởng cơn bão số 6 năm 2024. Chỉ mới 3 năm mà biển ăn sâu vào đất liền khoảng hơn 150m, chiều dài hơn 1km", ông Tuấn cho biết.

Quảng Bình: Người dân bất an với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng- Ảnh 2.

Hơn 1km đường bờ biển bị ăn sâu vào bờ khoảng 150m.

Tình trạng biển xâm thực, sạt lở không chỉ đe dọa nơi định cư của người dân mà còn làm mất đi diện tích lớn đất sản xuất, khu vực tâm linh của xã này. Ngôi nhà ông Nguyễn Văn Tình có cửa hướng ra biển. Mỗi ngày nhìn sóng biển "ngoạm" thêm một ít bờ, ông cùng xóm giềng không khỏi bất an.

"Nếu không sớm có biện pháp sớm thì tình trạng biển xâm thực, sạt lở sẽ uy hiếp khu dân cư và nghĩa trang gần đó, ảnh hưởng rất xấu đến đời sống của người dân chúng tôi", ông Tình chia sẻ.

Một số hồ tôm được người dân đầu tư tiền tỷ, sản xuất chưa thu hồi vốn thì nay phải bỏ hoang vì sóng cuốn trôi bờ be. Hàng cây phi lao chắn sóng 7 – 8 năm tuổi, bảo vệ các hồ tôm, nay cũng bị sóng đánh tan hoang, chỉ còn trơ trọi một ít gốc.

Quảng Bình: Người dân bất an với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng- Ảnh 3.

Tình trạng sạt lở gây thiệt hại khu sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân.

Ông Hoàng Văn Hải, Trưởng thôn Thanh Xuân cho biết, các hồ nuôi tôm tại đây được xây dựng từ trước năm 2020, khi tình trạng sạt lở chưa xảy ra. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm, biển ăn sâu vào bờ khiến việc sản xuất đình trệ. Người dân đã dùng bao cát đắp đê chắn sóng để bảo vệ hồ tôm, nhưng không thể chống chịu trước những đợt sóng lớn vào ngày biển động.

Người dân địa phương cho biết thêm, nhiều năm trước, cư dân vùng biển xã Thanh Trạch góp công, góp sức xây dựng lại khu đền thờ cá Ông khá bề thế. Đây địa điểm tâm linh của bà con ngư dân cầu mong những chuyến đánh bắt an toàn và đầy khoang. Hiện biển đã ăn sâu vào tận hàng cây phi lao trước sân đền khiến người dân rất lo lắng.

Quảng Bình: Người dân bất an với tình trạng sạt lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng- Ảnh 4.

Các biện pháp ứng phó tạm thời chưa đạt hiệu quả cao.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, tình trạng sạt lở tại vùng biển xã Thanh Trạch được xác định là hậu quả của biến đổi khí hậu. Sở đã tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra các giải pháp tình thế, như vận động người dân ngừng sản xuất và nuôi trồng tại khu vực sạt lở để tránh thiệt hại về tài sản. Đồng thời, xã Thanh Trạch được chỉ đạo tổ chức trồng cây phi lao nhằm khôi phục rừng phòng hộ chắn sóng, hạn chế sạt lở tiếp tục ăn sâu vào đất liền.

Về giải pháp lâu dài, cần nguồn kinh phí lớn để xây dựng hệ thống kè biển tại khu vực sạt lở, gia cố các vị trí bị ảnh hưởng, nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống cho người dân.

Thừa Thiên Huế công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biểnThừa Thiên Huế công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển

SKĐS - Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, phạm vi sạt lở đang tiếp tục phát triển nhanh, ăn sâu vào đất liền, đe dọa cuốn trôi tuyến đường nội bộ bãi tắm và có nguy cơ rất lớn ảnh hưởng các cơ sở kinh doanh.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn