Hà Nội

Người dân ‘bất an’ qua cầu treo dân sinh xuống cấp

14-11-2024 09:06 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhiều cầu treo hàng chục năm tuổi ở huyện Bá Thước hiện xuống cấp nghiêm trọng. Vào mùa mưa bão, người dân lưu thông trên các cây cầu này không khỏi bất an.

Cầu treo bắc qua sông, suối được xem là giải pháp thiết yếu, giúp người dân miền núi Thanh Hóa rút ngắn thời gian lưu thông, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, đến nay những cây cầu treo già cỗi, xuống cấp lại trở thành ẩn họa của người dân nơi đây.

Thống kê của huyện Bá Thước (Thanh Hóa) cho thấy, địa phương này hiện có 10 cầu treo. Đến nay, nhiều cây cầu đã xuống cấp không còn đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện tham gia giao thông.

Xã Ban Công hiện có 3 cây cầu treo bắc qua suối đang bị xuống cấp khá nghiêm trọng, nhưng vẫn chưa được gia cố hoặc làm mới. Điều này khiến người dân địa phương hết sức lo lắng mỗi khi phải lưu thông qua đây, đặc biệt là vào mùa mưa lũ.

Người dân ‘bất an’ qua cầu treo dân sinh xuống cấp- Ảnh 1.

Người dân lo lắng mỗi lần đi qua cầu treo dân sinh xuống cấp.

Được xây dựng từ những năm 1970 của thế kỷ trước, cầu treo bắc qua suối Nủa, thôn Ba, xã Ban Công có chiều dài 68m, bề rộng mặt cầu 2m và tải trọng 0,3 tấn. Đây là cây cầu dân sinh quan trọng, kết nối gần 700 hộ dân thuộc 3 thôn (thôn Ba, Chiềng Lau và thôn Phát) với trung tâm xã.

Tính đến nay, cầu này có tuổi đời trên 50 năm, sau nhiều năm sử dụng, các hạng mục của cây cầu xuống cấp, hư hỏng. Các cấu kiện cầu như dầm, mặt sàn, dây cáp,... có dấu hiệu bị mục nát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Anh Lò Văn Tùng, người dân trú tại bản Phát, xã Ban Công cho biết, cầu được xây dựng từ hàng chục năm trước đến nay bị xuống cấp nghiêm trọng. "Mỗi lần đi qua, thân cầu rung lắc mạnh, rất nguy hiểm cho người và phương tiện. Mong các cơ quan chức năng sớm sửa chữa lại cầu để người dân yên tâm", anh Tùng nói.

Ông Nguyễn Thế Nghị, Chủ tịch UBND xã Ban Công cho biết, trên địa bàn xã hiện có 3 cầu treo dân sinh. Cả 3 cầu được xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp. Chính quyền địa phương trích ngân sách và kêu gọi, vận động nhân dân đóng góp tu bổ, nâng cấp cầu. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra độ an toàn của cầu nhằm phát hiện, xử lý sự cố kịp thời.

"Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng 2 cây cầu mới bằng bê tông, thay thế cho 2 cây cầu tạm ở thôn Ba và thôn Chiềng Lau. Mong cả 2 cầu này sớm được khởi công xây dựng. Đối với cầu Na Tảng, xã đang đề xuất được đầu tư cứng hóa chậm nhất là vào năm 2025", ông Nghị cho biết thêm.

Được xây dựng năm 2015, cầu treo Tả Na Kha, thôn Nà Khà, xã Cổ Lũng cũng rơi vào tình trạng tương tự. Với mặt sàn làm bằng tre luồng, dây cáp và dây néo được làm bằng thép. Cầu Tả Na Kha có nhiệm vụ kết nối gần 250 hộ dân thuộc 2 thôn Nà Khà và thôn Đốc với trung tâm xã.

Hiện tại, dây cáp và dây néo cầu bị hoen gỉ, đầu dây bị bung mối hàn, mặt cầu bằng gỗ đã mục nát, nguy hiểm cho người và phương tiện khi tham gia lưu thông trên cầu. Bất đắc dĩ, xã Cổ Lũng phải rào chắn 2 bên đầu cầu không cho người dân lưu thông qua.

Người dân ‘bất an’ qua cầu treo dân sinh xuống cấp- Ảnh 2.

Mong muốn của người dân cũng như chính quyền nơi đây sớm làm cầu mới thay thế những cây cầu treo đã xuống cấp.

Ông Lương Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng cho biết, xã có 4/5 cầu treo dân sinh nằm trong danh sách được đầu tư bê tông hóa và các cầu này vừa được khởi công xây dựng.

"Cầu Tả Na Kha không nằm trong danh mục đầu tư năm 2024, do nằm cách đó không xa đã có một ngầm tràn. Tuy nhiên, ngầm tràn này chỉ được sử dụng vào mùa khô. Người dân trong xã, nhất là người dân thôn Nà Khà và thôn Đốc rất mong cấp trên tạo điều kiện thay thế cầu treo Tả Na Kha bằng cầu cứng", ông Kiên nói.

Ông Trần Duy Tiến, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bá Thước cho hay, trong số 10 cầu treo dân sinh trên địa bàn, hiện có 2 cầu lưu thông bình thường, 2 cầu hư hỏng nặng và 6 cầu vẫn có thể sử dụng tạm. Hiện tại, có 4 cầu được cứng hóa đã khởi công, còn lại 4 cầu chưa nằm trong danh mục đầu tư do cầu đang tạm sử dụng được và nằm cạnh cầu cứng đang xây dựng.

"Để đảm bảo an toàn cho nhân dân khi qua cầu treo, trước khi các cây cầu được cứng hóa và đưa vào vận hành, huyện yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra các bộ phận chịu lực của cầu cũ. Khi phát hiện hư hỏng phải sửa chữa ngay. Trường hợp hư hỏng nặng, không đảm bảo an toàn phải kịp thời làm rào chắn, không cho các phương tiện lưu thông qua", ông Tiến cho biết thêm.

Người dân lo sợ đi trên cầu treo 23 năm tuổi xuống cấpNgười dân lo sợ đi trên cầu treo 23 năm tuổi xuống cấp

SKĐS - Mỗi khi có ô tô đi qua, cầu treo Bình Thành 23 năm tuổi ở Thừa Thiên Huế lại rung lắc. Việc công trình xuống cấp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng, tài sản của người dân.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn