Người đam mê tôn tạo đền thờ các bậc thánh nhân

15-03-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Về Hải Dương, nhiều người vẫn còn nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Oanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh với sự trân trọng về một người có nhiều tâm huyết với văn hóa tỉnh nhà. Nhưng cũng chính niềm đam mê tôn tạo, xây dựng đền thờ các vị danh nhân mà cuộc đời ông đã gặp sự cố.

SKĐS - Về Hải Dương bây giờ, đến thăm đền thờ các vị danh nhân, nhiều người vẫn còn nhắc đến tên ông Nguyễn Hữu Oanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh với sự trân trọng về một người có nhiều tâm huyết với văn hóa tỉnh nhà. Nhưng cũng chính niềm đam mê tôn tạo, xây dựng đền thờ các vị danh nhân mà cuộc đời ông đã gặp sự cố.

 

Ông Nguyễn Hữu Oanh. Ảnh: Tố Lan

Ông Nguyễn Hữu Oanh. Ảnh: Tố Lan

 

- Thưa ông, được biết bây giờ ông đã nghỉ quản lý, hiện đang làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng xác lập kỷ lục gia Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thủ khoa Việt Nam, nhưng tôi lại muốn trò chuyện cùng ông về cái thời mà ông còn “làm quan” ở Hải Dương. Thời đó công việc chắc cũng vất vả?

- Công việc thì không dễ nhưng tôi chẳng có gì để than phiền cả. Từ năm 1997, tôi được phân công làm Phó Chủ tịch văn xã. Tôi nghĩ, việc đầu tiên của người làm công tác văn xã là phải làm cho người dân yêu quê hương mình. Tỉnh Hải Dương chúng tôi tự hào có nhiều trầm tích văn hóa lớn, đó là các bậc vĩ nhân của dân tộc, nhưng di tích của các ngài hầu như đã bị mai một, nhiều di tích đã trở thành phế tích. Việc khôi phục, tôn tạo các phế tích để làm tấm gương cho con cháu đời sau biết đến và noi theo là vô cùng cần thiết. Vì vậy, tôi đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

- Tôi biết, thời ông làm quản lý, ông đã trực tiếp chỉ đạo tu bổ và xây dựng hàng chục công trình văn hóa: đền thờ danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhà giáo Chu Văn An, tượng đài Đức thánh Trần, Văn miếu Mao Điền, chùa Thanh Mai, Ngũ nhạc Linh từ, đền thờ Trần Nguyên Hãn… Nhưng tại sao một trong những việc lớn đầu tiên mà ông nghĩ tới là làm đền thờ cho Đại danh y Tuệ Tĩnh?

- Có lẽ đó là vì tình yêu và lòng cảm phục của tôi đối với cụ Tuệ Tĩnh. Mồ côi cả cha lẫn mẹ từ khi 6 tuổi, ở với người bác và cụ đã thi đỗ tới Hoàng giáp tiến sĩ - một ngôi vị cao của học vị Tiến sĩ nho học ngày xưa. Đỗ đạt cao nhưng cụ không ra làm quan mà chọn nghề thầy thuốc để cứu nhân độ thế. Cụ mượn vườn chùa làm nơi trồng cây thuốc và mượn đạo Phật tu nhân tích đức để sống từ bi cứu thế. Đó là những bài học về đạo lý làm người mà đến tận hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Ngay từ thế kỷ 14, cụ đã đề cao ý thức tự lực tự cường. Cụ chủ trương: “Nam dược trị Nam nhân”. Là một đất nước còn nghèo, cụ dùng cỏ cây, con vật ngay trên chính quê hương mình để chữa trị cho dân mình. Khi nổi tiếng về nghề thuốc nam, cụ bị cống sang Trung Quốc để phục vụ triều đình nhà Minh. Mặc dù rất yêu quê hương nhưng cụ vẫn dứt áo ra đi vì nghĩa lớn với dân tộc - đó là một người có tiết tháo cao thượng. Đặc biệt, những năm tháng hành nghề ở Trung Quốc, cụ đã ghi chép các bài thuốc thành cuốn sách Hồng Nghĩa giác từ y thư (người Hồng Nghĩa tự giác viết tài liệu về y học) gửi về quê hương vì sợ các kiến thức bị mai một và sợ không còn được trở về Việt Nam. Cụ cũng đã tự tay viết một bài minh: “Minh quân Tuệ Tĩnh chi mộ”, sau được đặt lên phần mộ của cụ và trên đó còn có câu nhắn gửi: Người đời sau có ai sang đây nhớ cho hài cốt tôi về với. Điều đó thể hiện tình yêu quê hương cháy bỏng nơi cụ mặc dù biết khi chết đi cũng chỉ còn một nắm xương tàn, nhưng cụ vẫn tha thiết được nằm ở mảnh đất quê hương. Trân trọng cụ, tôi muốn thực hiện di chúc của cụ. Nhưng trong khi chưa làm được việc đó thì tu bổ ngôi đền thờ tự cho cụ.

- Vậy ông đã tiến hành công việc đó như thế nào?

- Năm 2001, ngành y tế đã chọn cụ Hải Thượng Lãn Ông làm cụ Tổ của ngành và hàng năm lấy ngày chẵn làm ngày giỗ cụ Tổ. Thời Bộ trưởng Đỗ Nguyên Phương, chúng tôi có mời Bộ trưởng về thăm đền thờ Tuệ Tĩnh và đề xuất hai cụ đều là danh nhân lớn của ngành y: Tuệ Tĩnh là cụ Tổ về thuốc nam, Hải Thượng Lãn Ông là cụ Tổ về thuốc bắc. Chúng tôi đề nghị, ngày giỗ cụ Hải Thượng Lãn Ông đã chọn vào ngày chẵn thì ngày giỗ cụ Tuệ Tĩnh sẽ chọn vào ngày lẻ và được Bộ trưởng ủng hộ.

Với tài năng chữa bệnh, người Trung Quốc phong cụ là Đại y thiền sư. Còn người Việt Nam phục về tài năng, đức độ thì phong cụ là cụ thánh thuốc nam. Để tôn vinh cụ, năm 2001, lần đầu tiên chúng tôi tổ chức làm giỗ Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh với sự tham gia của đại diện Sở Y tế 48 tỉnh, thành trong toàn quốc. Có một sự việc kỳ lạ, hôm đó, trời mưa xối xả, sấm chớp ầm ầm. Mọi người đã tập hợp đông đủ ở chùa Giám (nơi cụ hành nghề thuốc) mà mưa mãi không dứt. Chúng tôi quyết định mặc áo mưa ra làm lễ ngoài sân. Bỗng nhiên khi bắt đầu tiến hành làm lễ thì trời tạnh. Mọi người bảo, chắc cụ giận con cháu lâu nay bỏ quên cụ đấy. Bắt đầu từ đấy, hàng năm lấy ngày lẻ (15/2 âm lịch) làm ngày giỗ cụ Tuệ Tĩnh.

Bây giờ thì ai cũng biết ở Hải Dương có 3 ngôi đền thờ ông thánh thuốc nam: làng Nghĩa Phú (nơi cụ sinh ra), chùa Giám (nơi cụ hành nghề thuốc) và đền Bia, mỗi nơi có một bức tượng bằng đồng. Thế nhưng, để có được điều đó là một cuộc hành trình trong 5 năm. Ông Nguyễn Hữu Oanh kể:

- Đề án của Bộ Y tế tôn vinh cụ Tổ ngành y nghiêng về cụ Hải Thượng Lãn Ông, chúng tôi phải tham khảo để làm đề xuất tôn vinh cụ Tuệ Tĩnh. Thế rồi để mọi người hiểu hơn về cụ, chúng tôi đã làm phóng sự phát trên truyền hình liên tục 30 ngày và gửi tư liệu cho các Sở Y tế trên toàn quốc. Nhưng vấn đề khó khăn lớn nhất là kinh phí để tu bổ và xây dựng đền thờ cụ. Không thể lấy ngân sách của Bộ Y tế để làm đền thờ. Cuối cùng thì Chính phủ đã quyết định chuyển 17 tỷ của ngành văn hóa sang ngành y tế để thực hiện công việc này.

- Việc chọn làng Nghĩa Phú (làng Xưa) và chùa Giám để đặt đền thờ cụ Tuệ Tĩnh thì đã rõ, nhưng tại sao sau này ông lại chọn đặt đền thờ cụ ở đền Bia?

- 200 năm sau khi cụ Tuệ Tĩnh mất, ông Nguyễn Danh Nho (người cùng làng Nghĩa Phú) được cử làm trưởng đoàn xứ bộ của Việt Nam sang Trung Quốc bàn việc hoạch định địa giới đất đai. Trên đường đi, ông đã tìm thấy mộ Tuệ Tĩnh ở bên sông Trường Giang. Tấm bia trên mộ vẫn còn nguyên dòng chữ: Đời sau có ai sang đây thì nhớ cho hài cốt tôi về với. Vì đang trên đường đi kinh lý nên ông không thể đưa hài cốt cụ Tuệ Tĩnh về, ông lấy tờ giấy bản ốp vào tấm bia in lại dòng chữ đó và gửi về nước để mọi người biết nguyện vọng của cụ Tuệ Tĩnh. Về Việt Nam, ông làm một tấm bia và khắc dòng chữ đó. Khi vận chuyển bằng đường thủy, đến chỗ bây giờ là đền Bia thì tấm bia rơi xuống, không thể đưa lên được. Cho rằng chắc cụ linh ứng ở đó nên ông Nguyễn Danh Nho lập thành đền Bia. Tôi chọn đền Bia làm đền thờ chính Đại y thiền sư Tuệ Tĩnh một mặt là để cảm tạ ông Nguyễn Danh Nho, mặt khác muốn nhắc nhở đời sau còn một món nợ lớn với cụ vì nơi đây mới chỉ thờ tấm bia mà thôi.

- Việc tu bổ và lập đền thờ Đại thiền sư là những việc làm rất ý nghĩa, nhưng còn món nợ lớn với cụ thì bản thân ông có dự định gì không?

- Các đời Bộ trưởng Bộ Y tế trước đây cũng đã cử những đoàn sang Trung Quốc để tìm mộ cụ, nhưng không đủ tư liệu để xác định mộ cụ nằm ở đâu. Việc xác định cụ đi xứ năm nào, hình dạng ra sao, làm việc ở vùng đất nào... đều không có cứ liệu chính xác. Trong ngày giỗ cụ 15/2/2001 âm lịch, tôi có nói rằng, chừng nào người Việt Nam chúng ta chưa đưa được hài cốt cụ về thì chúng ta còn một món nợ lớn vì chưa thực hiện được lời di chúc của cụ. Việc xây ngôi đền âu cũng là nén tâm hương để bày tỏ lòng tôn kính của chúng ta với cụ mà thôi. Tôi vẫn mong việc đi tìm phần mộ cụ phải được đặt thành việc lớn của Nhà nước, không làm được việc đó, mãi mãi chúng ta vẫn còn canh cánh một món nợ với tiền nhân.

- Có một điều gì đó chăng mà ông có tình cảm đặc biệt với cụ Tuệ Tĩnh, không chỉ tu bổ và lập đền thờ cụ ở Hải Dương, ông còn góp phần nhân rộng việc tôn vinh hình tượng cụ ở nhiều vùng đất khác?

- Hiện nay, có nhiều người đi theo ngành nam dược còn lưu giữ 360 phương thuốc gia giảm của cụ Tuệ Tĩnh để lại. Khí hậu nước ta thuận lợi cho việc trồng các cây thuốc nam. Ở những nơi phát triển nghề thuốc nam, nên tôn vinh ông Tổ của nghề mình. Khi tôi vào vườn dược liệu của ông Ba Bé ở huyện Mộc Hóa (Long An), nhìn ông say sưa trên cánh đồng thuốc, tôi cảm giác như cụ Tuệ Tĩnh sống lại. Tôi đã gợi ý ông Ba Bé nên lập đền thờ cụ và bây giờ cụ Tuệ Tĩnh đã có mặt ở đồng bằng sông Cửu Long. Rồi BS. Nguyễn Hữu Trọng bỏ nhà cửa phố thị lên Sơn Tây phát triển nghề dược liệu và ông cũng đã lập đền thờ Tuệ Tĩnh. Đất nước ta còn nghèo, bài học Nam dược trị Nam dân cần được áp dụng rộng rãi.

- Ông có vẻ là người có sở thích tu bổ, xây dựng các công trình văn hóa. Nhưng cũng vì “hăng hái” quá mà đã có lúc gặp “tai nạn”?

- Tôi đã phải trả giá khi tu bổ Văn miếu Mao Điền. Công trình lúc đó bị hư hỏng, tôi bàn với lãnh đạo xã cho chặt mấy cây xà cừ để tu bổ nơi đổ nát. Thế là xã làm đơn kiện cho rằng tôi mê tín dị đoan. Tôi bị đưa khỏi huyện. Những tưởng sự nghiệp chính trị chấm dứt từ đây vì đi học về suýt bị giáng chức. Nhưng ở Đại hội Đảng bộ huyện năm 1987, tôi lại được bầu vào Ban thường vụ Huyện ủy, rồi sau đó làm Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương. Văn miếu chính là nơi tôn vinh sự học vấn, là biểu tượng văn hóa của tỉnh. Khi làm Phó Chủ tịch tỉnh, tôi đặt vấn đề này ra và lãnh đạo tỉnh được ủng hộ. Năm 2004, Văn miếu Mao Điền đã hoàn thành việc tu bổ, trở thành một công trình văn hóa có ý nghĩa lớn về khuyến học khuyến tài.

Rời nhiệm sở tỉnh Hải Dương, gia đình ông lên sống ở Hà Nội. Cuộc viếng thăm đột ngột của tôi trong một chiều mưa tầm tã buộc ông phải nhìn lại quãng đời mà ông đã đi qua. Cuộc đời ấy từ năm này sang năm khác, thật đầy ý nghĩa, tên của ông được người dân Hải Dương nhắc đến với một sự tôn kính vì ông đã để nhiều công trình văn hóa của tỉnh. Bước ra khỏi ngôi nhà, bỏ lại không khí ấm cúng sau cánh cửa, trong tôi còn ám ảnh bài thơ chữ Hán trên giấy hồng điều mà nhà thơ Trần Nhuận Minh tặng ông:

Nhất sinh linh từ phục

Bắc Hà chân sĩ danh

Minh tâm thiên địa chứng

Hiền nhân Nguyễn Hữu Oanh

(Cả đời chăm lo phục dựng đền thờ

Đây là một sĩ phu chân chính của Bắc Hà

Trời đất chứng giám tâm sáng của ông

Đó là hiền nhân Nguyễn Hữu Oanh).

Tố Lan (thực hiện)

 

 

 

 


Ý kiến của bạn