Những kỷ lục về số đơn vị máu và số người tham gia hiến máu tình nguyện (HMTN) cứ dần được phá vỡ qua 7 kỳ Lễ hội Xuân hồng, nhờ đó khắc phục được tình trạng thiếu máu điều trị cho người bệnh. GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW, người được biết đến là “cha đẻ” của các hoạt động HMTN kết nối cộng đồng ấy vẫn đang ngày đêm miệt mài, ấp ủ những sáng kiến vì người bệnh. Bàn tay và khối óc của người thầy thuốc cháy bỏng nhiệt huyết chưa khi nào cho phép ông ngừng nghỉ...
Thắp ngọn lửa nhỏ, bừng ánh thái dương
Tôi may mắn có nhiều cơ hội được tiếp xúc với GS.TS.Nguyễn Anh Trí, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW trong những sự kiện HMTN có quy mô lớn. Ấn tượng đọng lại trong tôi là một con người lúc nào cũng sốt sắng với công việc, thoắt chỗ này đã thấy ông chỗ khác. Ông luôn muốn tự tay mình làm từ những việc đơn giản nhất mà không cần nhờ đến “cấp dưới”. Có lẽ chính từ những việc tưởng như nhỏ nhặt ấy mà ông được mọi người kính mến, nể phục. Trong những câu chuyện ông nói đều khiến người đối diện cảm thấy vô cùng thân tình, cởi mở, vừa giản dị vừa trí tuệ theo phong cách rất... Nguyễn Anh Trí.
GS.TS. Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW.
GS.Trí được biết đến không chỉ giỏi ở lĩnh vực chuyên môn; ông vừa là nhà khoa học lại vừa là một nghệ sĩ. Bởi thế, những gì được cho là khô khan của khoa học, qua sức sáng tạo của ông lại thăng hoa, biến tấu thành những thứ mềm mại, thi vị. Hãy xem ông thi vị hóa việc hiến máu cứu người như thế nào qua thơ ca: “Những trái tim nhiệt huyết sục sôi/ Trong mỗi con người dù quen, dù lạ/ Hiến máu cứu người, nghĩa tình cao cả/ Niềm vui Hồng dào dạt dưới trời Xuân...”. Ngôn từ giản dị mà hết sức đẹp đẽ này trong ca khúc Lễ hội Xuân hồng được viết lên từ chính xúc cảm của GS.Trí - người thầy thuốc hàng chục năm trăn trở với chuyên ngành huyết học và truyền máu. Nhìn lại chặng đường 20 năm phát triển của công tác vận động HMTN (1994 - 2014), có thể nói, chưa khi nào sức mạnh cộng đồng được gắn kết, chung sức chung lòng lớn đến thế. Từ Lễ hội Xuân hồng đến Giọt hồng tri ân, từ Chủ nhật Đỏ hay Trái tim tình nguyện đến Hành trình Đỏ... tất cả đều cho thấy giá trị nhân văn hết sức cao đẹp của hoạt động HMTN mà trước hết phải kể đến tài năng và trí tuệ, vừa là nhà chuyên môn giỏi vừa là nhà quản lý tài ba của GS.TS.Nguyễn Anh Trí.
Đến hẹn lại lên, tháng 2 vừa qua là lần thứ 7 Lễ hội Xuân hồng hiến máu vì người bệnh được tổ chức ngay sau Tết Nguyên đán. Chương trình thành công ngoài mong đợi với những con số rất ấn tượng, 12.000 người đăng ký kiến máu và tiếp nhận gần 7.000 đơn vị máu như một món quà đầu năm mới sẻ chia với người bệnh. Đã 7 năm sức xuân không ngừng lan tỏa, Lễ hội Xuân hồng trở thành một trong những sự kiện hiến máu lớn, ghi dấu ấn trong quá trình phát triển của phong trào HMTN gắn liền với tên tuổi của GS.TS.Nguyễn Anh Trí. Nhớ lại năm 2008, từ ý tưởng tổ chức một ngày hội hiến máu khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị ngay sau Tết, Xuân hồng đầu tiên được tổ chức, đạt kỷ lục về số lượng đơn vị máu tiếp nhận trong một ngày tại thời điểm đó là 2.610 đơn vị máu. Cho đến nay, qua 7 kỳ tổ chức đã có gần 40.000 đơn vị máu được tiếp nhận, góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu kịp thời và hiệu quả ngay sau Tết. Nhờ có sức lan tỏa rộng khắp, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động HMTN đã nhân rộng mô hình này trên phạm vi toàn quốc. Tiếp tục khẳng định là điểm đến ý nghĩa vào mỗi dịp đầu xuân dành cho cộng đồng, Xuân hồng luôn tạo được sự đột phá, phong cách mới mẻ, trẻ trung như cô gái tuổi xuân căng tràn sức sống và năm nào cũng phá vỡ kỷ lục do chính mình tạo ra trước đó.
Không chỉ góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu dịp sau Tết, GS.Trí cho rằng, Xuân hồng còn mang ý nghĩa sâu sắc trong việc thay đổi nhận thức của cộng đồng về việc hiến máu dịp đầu năm là “đen đủi”, là “không may mắn”... Chính vì vậy, đã trở thành thông lệ, khi dư âm ngày Tết vẫn còn đọng lại với nhiều người thì các cán bộ nhân viên Viện Huyết học - Truyền máu TW cùng hàng nghìn tình nguyện viên lại tất tả chuẩn bị chu đáo phục vụ lễ hội với các trang thiết bị, máy móc xét nghiệm, sàng lọc và sản xuất các chế phẩm máu. Vào mỗi kỳ lễ hội như vậy, nhân viên y tế của Viện hầu như phải thức thâu đêm suốt sáng để kịp thời tách chiết các chế phẩm máu an toàn cho bệnh nhân (BN), thậm chí họ phải làm việc đến 300 - 400% sức lực của mình. Công việc vất vả là thế nhưng họ luôn đồng lòng nhất trí với người “thuyền trưởng” của mình bởi chính ông đã tạo cho họ niềm đam mê, nhiệt huyết cháy bỏng trong công việc. Đến nay, Xuân hồng đã đi được chặng đường 7 năm, 7 năm ấy chưa phải quá dài nhưng cũng đủ để thấu hiểu sự cố gắng không ngừng nghỉ vì cộng đồng của GS.Trí cùng đội ngũ cán bộ y tế đầy tài năng và nhiệt huyết. Hoạt động HMTN từng bước đã đi vào nề nếp, quy củ với quy mô lớn chưa từng có. Bài toán khắc phục tình trạng hiến máu đã tìm được lời giải để bác sĩ có máu truyền cho người cần máu, để không còn những cái chết đáng thương vì không có máu điều trị. Với ông “Thắp từng ngọn lửa nhỏ để ngày mai bừng ánh thái dương” là vì vậy.
Tâm huyết với Xuân hồng bao nhiêu, GS.Trí cùng đồng nghiệp càng không ngừng phát triển và sáng tạo thêm nhiều ý tưởng mới, làm phong phú thêm hoạt động HMTN. Lần đầu tiên, một Hành trình Đỏ vận động hiến máu xuyên Việt được tổ chức đạt kết quả vang dội. Với rất nhiều hoạt động tình nguyện vận động hiến máu, tuyên truyền về bệnh tan máu bẩm sinh tại 15 tỉnh, thành trên cả nước, hành trình đã tiếp nhận 17.516 đơn vị máu, góp phần hiệu quả trong công tác điều phối máu trên toàn quốc. Cũng nhờ sự lan tỏa của Hành trình Đỏ mà năm 2013 đã có đủ máu dùng tại các BV cho đến tận tháng 11. Đây là điều rất hiếm trong những năm trước đó.
Vừa làm chuyên môn vừa là “thuyền trưởng” cầm lái vững chắc, GS.Trí có vai trò quan trọng trong việc phát triển mạng lưới huyết học và truyền máu trên toàn quốc. Ông là người đi nhiều, hiểu rộng, chính vì thế ông luôn coi trọng yếu tố con người, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có tay nghề để tạo dựng mạng lưới huyết học và truyền máu rộng khắp các tỉnh, thành. Ban đầu chỉ có 4 trung tâm truyền máu khu vực tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Cần Thơ... bao phủ 21 tỉnh, thành phố và gần 30 triệu dân; tiếp đó mở rộng nhiều vùng như Điện Biên, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Bình Định, Kiên Giang... Viện Huyết học - Truyền máu TW giống như một trái tim và hệ thống huyết mạch đã và đang dần lan tỏa khắp vùng miền tạo nên một mạng lưới chuyên ngành hoàn chỉnh và hiệu quả. Hiện, Viện đảm bảo cung cấp máu và chế phẩm máu an toàn cho 122 BV ở các tỉnh thuộc miền Bắc. Nhân dịp tổng kết 5 năm thực hiện Lễ hội Xuân hồng, GS.TS. Nguyễn Anh Trí đã vinh dự được trao danh hiệu Anh hùng Lao động cho những cống hiến to lớn của ông trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo cán bộ, triển khai phong trào hiến máu mà đỉnh cao là Lễ hội Xuân hồng.
Đột phá bằng công nghệ tế bào gốc
Không chỉ được biết đến như một “kho máu” cứu sống người bệnh, Viện Huyết học - Truyền máu TW còn là nơi ứng dụng thành công công nghệ ghép tế bào gốc (TBG) tạo máu điều trị các bệnh lý huyết học. Đây là một lĩnh vực khá mới mẻ, song Viện đã nhanh chóng nắm vững và trở thành bước đột phá nhờ đưa được TBG - một loại “thần dược” để điều trị cho nhiều bệnh nan y, đặc biệt là các bệnh lý về máu như ung thư máu, suy tủy xương... Ở Việt Nam, những ca ghép TBG đầu tiên được thực hiện tại BV Huyết học - Truyền máu TP.HCM từ năm 1995, từ đó đến nay đã có nhiều BV dần thực hiện và làm chủ được kỹ thuật này. Hiện cả nước đã ghép khoảng 250 ca TBG, riêng tại Viện Huyết học - Truyền máu TW đã bắt đầu thực hiện những ca ghép đầu tiên từ năm 2006. Bước đột phá ghép TBG thành công cho bệnh nhân Hoàng Thị Diệu Thuần bị ung thư máu giai đoạn cuối đã làm cho công nghệ này thực sự thăng hoa và được công nhận là một trong 10 sự kiện khoa học công nghệ trong năm 2012. Đó cũng là một trong những niềm tự hào của y học Việt Nam.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, mới đây, Viện Huyết học - Truyền máu TW chính thức công bố thành công ca ghép TBG tạo máu thứ 100. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều BN mắc các bệnh lý về máu đã được được cứu sống. Nhớ lại quá trình chuẩn bị ghép cho những BN đầu tiên, GS. Trí chia sẻ: “Ban đầu, do cơ sở vật chất chật hẹp chúng tôi cũng đã cố gắng rất nhiều nhưng sau 4 năm cũng chỉ có 5 ca TBG được ghép thành công. Sau này nhờ Nhà nước, Bộ Y tế đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị nên đã có bước tiến rõ rệt và đến nay đã vượt trên 100 ca. Tại thời điểm này có trên 20 ca bệnh đang nằm để chờ ghép. BV cũng đã tiến hành chuyển giao công nghệ ghép TBG cho nhiều cơ sở khác. Tôi cho rằng đây là những đầu tư hết sức cần thiết và có ý nghĩa trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn. Cũng nhờ đầu tư mà nhiều BN nghèo đã được cứu sống bằng những kỹ thuật hiện đại ngang tầm thế giới. Đây có thể coi là một trong những ưu việt của ngành y tế Việt Nam trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân”.
Vui vì các y, bác sĩ của Viện đã làm chủ được kỹ thuật khó, song điều GS.Trí trăn trở là làm sao để BN có cơ hội tiếp cận với kỹ thuật hiện đại trong khi nguồn TBG rất khan hiếm và không phải TBG nào của người cho cũng phù hợp với người nhận. Để giải bài toán này, ông và đồng nghiệp đã cùng nghiên cứu thành lập một Trung tâm TBG tại Viện để huy động nguồn TBG trong cộng đồng cứu chữa BN. Việc này cũng tương tự như hoạt động vận động HMTN đã tạo hiệu ứng xã hội lớn trong suốt thời gian qua. Đặc biệt, qua học tập kinh nghiệm của các đồng nghiệp Nhật Bản, Viện đang tích cực triển khai Ngân hàng TBG máu cuống rốn cộng đồng, nhờ đó sẽ có được nguồn TBG dồi dào và sử dụng cho nhiều BN hơn. Hiện, chi phí ghép một ca TBG ở Viện từ 130 - 300 triệu đồng, người bệnh được BHYT phối hợp chi trả nên theo GS.Trí, BN nghèo có thể an tâm điều trị. Trong khi đó, một ca ghép TBG ở nước ngoài chi phí đắt đỏ lên tới 75.000 - 100.000USD.
“Nghề y cho tôi nhiều may mắn…”
Nói về những thành công của mình, GS. Trí vẫn luôn tâm niệm, có được thành công ngày hôm nay một phần là do ông có được những may mắn lớn trong cuộc đời. Song những người biết ông, hiểu ông thì lại thấy rằng đó là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực, say mê, tâm huyết, trăn trở với nghề mà nên. Ông vẫn thường tâm sự có được ngày hôm nay ông phải tri ân rất nhiều người, trong đó quê hương, đất nước đã nâng cánh cho ước mơ, khát vọng, cho con đường phấn đấu của ông. Sinh năm 1957 tại miền quê Lệ Thủy, Quảng Bình đầy nắng và gió, miền quê có nhiều gian khó của miền Trung và cũng là mảnh đất bị bắn phá nặng nề nhất trong chiến tranh, nhưng cũng chính mảnh đất anh dũng, kiên cường ấy đã tôi luyện cho ông ý chí, sức chịu đựng gian khổ để vượt qua mọi trở ngại. Vì vậy với ông, trong cuộc sống, ông ít khi sợ hãi, ít khi chùn bước, vì những cái khó khăn nhất, gian khổ nhất, ông đều đã trải qua.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đến thăm khu hiến máu tại Lễ hội Xuân hồng 2013. Ảnh: Vương Tuấn
Lớn lên, được học tập dưới mái trường Đại học Y Hà Nội là may mắn thứ hai của GS. Trí. Thời đó, rất nhiều giáo sư tên tuổi của nền y học Việt Nam đã giảng dạy trực tiếp cho ông như GS.Tôn Thất Tùng, GS.Đặng Văn Chung, GS.Phạm Khuê, GS.Bạch Quốc Tuyên... Cậu nam sinh Trường Y Nguyễn Anh Trí lúc bấy giờ đã được tiếp thu từ các thầy những kiến thức, những kinh nghiệm quý báu làm hành trang cho con đường trở thành bác sĩ chuyên khoa về huyết học và truyền máu cũng như nghiên cứu khoa học và vai trò quản lý sau này. Với GS.Trí, được học, được làm việc là hạnh phúc. Ông luôn ý thức được rằng nghề y là nghề rất khó và là nghề phải học suốt đời.
Giai đoạn từ năm 1985 - 2003, GS.Trí công tác tại BV Hữu Nghị. 18 năm làm việc tại đây đã rèn giũa cho ông rất nhiều tác phong trong công việc, sự tận tâm với người bệnh và ông đã gìn giữ tác phong ấy cho đến bây giờ. Hiện nay với vai trò là một Viện trưởng, ông may mắn có một tập thể cán bộ công nhân viên đoàn kết, thống nhất, đồng tâm hiệp lực. Chính điều này đã tiếp thêm cho ông sức mạnh lớn lao để ông có thể hoàn thành xuất sắc bộn bề công việc khác nhau. Tính đến nay, GS.Trí có trên 220 công trình nghiên cứu khoa học các cấp đã được công bố ở trong và ngoài nước. Ông cũng đã viết 16 quyển sách về lĩnh vực huyết học và truyền máu.
Với GS.Trí - một con người cháy hết mình cho công việc, ông đã phải hy sinh niềm riêng rất nhiều, song ông cũng thấy mình may mắn có một người bạn đời là điểm tựa, là hậu phương vững chắc giúp ông toàn tâm toàn ý cống hiến cho sự nghiệp y khoa. Hai vợ chồng công tác trong ngành y nên có cái nhìn đồng cảm, thấu hiểu sâu sắc những khó khăn vất vả để cùng bước tiếp. Người con trai của GS.Trí tuy không theo nghiệp bố mẹ nhưng ông vẫn luôn tôn trọng quyết định của con và động viên rằng, ở bất cứ nghề nào cũng cần đến sự đam mê, chính điều đó sẽ chắp cánh, nâng bước để con người đi đến thành công.
Tự nhận mình là người có nhiều may mắn, GS.Trí càng tâm niệm phải dồn tâm - trí - lực của mình vì người bệnh kém may mắn hơn. Do đó, đã từ lâu, Viện Huyết học - Truyền máu TW luôn quan tâm chăm sóc đời sống BN và xây dựng văn minh bệnh viện. Nơi đây đã trở thành địa chỉ tiên phong thực hiện cải cách thủ tục hành chính tránh phiền hà cho người bệnh và nói lời cảm ơn thân thiện với BN. Lúc đầu, là người phát động phong trào “Nói lời cảm ơn thân thiện với người bệnh”, đã có không ít câu hỏi đặt ra với GS. Trí rằng tại sao phải cảm ơn BN? Cảm ơn họ vì điều gì? Không ngần ngại, ông đã lần lượt phân tích, giảng giải thân tình cho cán bộ của mình hiểu rõ và giúp họ cảm thấy thoải mái khi thực hiện. Ông cho rằng, thái độ ứng xử của nhân viên y tế là một trong những điều BN phàn nàn nhiều nhất. Đến bệnh viện, nhiều người tỏ ra hoang mang, lo lắng. Do đó, thái độ nhã nhặn của nhân viên y tế sẽ như một liều thuốc tinh thần giúp họ yên tâm, tin tưởng và hợp tác với các bác sĩ. Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào này nhanh chóng trở thành nét đẹp văn hóa giữa thầy thuốc với người bệnh, tạo nên không khí gần gũi, môi trường văn minh lịch sự trong bệnh viện. Nếu ai đã một lần đặt chân đến Viện Huyết học - Truyền máu TW sẽ thấy nơi đây ấm áp, thân tình chẳng khác gì ngôi nhà của mình vậy. Với GS.Trí, xây dựng nét văn minh, văn hóa ứng xử trong bệnh viện không phải hô hào hình thức mà từ chính tấm chân tình của người cán bộ y tế.
Không chỉ có thế, Viện Huyết học - Truyền máu TW còn mở một “cửa hàng cắt tóc” vào thứ 5 hàng tuần ngay tại bệnh viện. Nói là “cửa hàng cắt tóc” nhưng những BN đến đây đều được cắt tóc miễn phí. Bất ngờ hơn, chính nhân viên y tế là những “thợ tóc” tài ba. BN hầu hết là những người mắc ung thư, quá trình điều trị lâu dài và kiểu tóc thông dụng là cạo trọc. Thoạt nghe tưởng chừng đơn giản nhưng có những nữ y tá, điều dưỡng chưa một lần cầm đến chiếc kéo, chiếc máy cạo song vì người bệnh, họ sẵn sàng học hỏi và tình nguyện phục vụ “khách hàng” của mình. Nhờ đó BN ung thư máu ở đây dễ hòa nhập với cộng đồng, vui sống và yên tâm điều trị hơn.
“Luôn lấy người bệnh làm trung tâm. BN là khách hàng, chúng tôi là người phục vụ”. Đó là kim chỉ nam trong mọi hoạt động của GS.Trí và ông cũng truyền “lửa nghề” ấy cho gần 700 nhân viên của mình. Đã từ lâu, cán bộ y tế của Viện đã quen với phong cách làm việc này của ông, với họ, ông là một tượng đài hùng vĩ, một người “thuyền trưởng” đã vượt qua sóng gió để đưa Viện Huyết học - Truyền máu TW nói riêng, ngành huyết học truyền máu nói chung trở thành thương hiệu vươn lên tầm cao mới, là địa chỉ tin cậy của người bệnh.