Tuy nhiên, nếu không được hướng dẫn đúng, việc tập luyện ở người đái tháo đường sẽ gặp nhiều nguy cơ.
Người đái tháo đường nên tập thể dục như thế nào?
Nếu tập không đúng, không phù hợp với sức khỏe thì người bệnh đái tháo đường có thể gặp các nguy cơ như: Đau ngực do gắng sức; huyết áp quá cao hay quá thấp; tăng hoặc hạ đường huyết quá mức; làm nặng hơn tổn thương đáy mắt, xuất huyết võng mạc; làm tăng tiểu đạm; loét chân, tổn thương gân, xương và khớp. Thông thường người bệnh đái tháo đường cần tập luyện, phối hợp các kiểu tập khác nhau, tập nặng tăng dần, tập đều đặn và thường xuyên. Điều lưu ý, lựa chọn thời điểm tập trong ngày: Tùy thời gian làm việc trong ngày nhưng không tập ngay sau bữa ăn chính, không tập quá xa bữa vì nguy cơ hạ đường huyết, tránh đỉnh tác dụng của insulin nếu đang dùng insulin tiêm, nếu tập ngoài trời nên tránh thời điểm quá nóng hoặc quá lạnh. Trước khi tập chính nên có giai đoạn khởi động 20-30 phút (làm nóng), tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ. Sau buổi tập cần có giai đoạn thư giãn (làm nguội) 5-10 phút, chủ yếu là tập các động tác nhẹ hay tập giãn cơ tại chỗ.
Người bệnh đái tháo đường cần tập thể dục đúng cách. Ảnh minh họa.
Khi nào người đái tháo đường không nên tập thể dục?
Không nên tập nếu đường huyết >250 mg/dl và xê-tôn niệu dương tính; đường huyết < 70 mg/dl; đang loét chân hay bàn chân nóng, đỏ, đau, nổi bóng nước; nhồi máu cơ tim cấp dưới 6 tuần, suy tim cấp, suy tim không ổn định; huyết áp tâm thu >170 mmHg hay tụt huyết áp; đang bị sốt, nhiễm trùng cấp...
Chú ý khi tập: Không tập đi trên nền đá cứng; Chọn giầy mềm, không trơn trượt; Luôn kiểm tra bàn chân sau mỗi buổi tập; Nên uống nhiều nước trước và sau khi tập; Mang theo đường, kẹo hay thức ăn ngừa hạ đường huyết... Đối với người bệnh đái tháo đường đã có biến chứng, có bệnh lý kèm theo... cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập cho phù hợp.