Vào mùa lạnh, người bệnh đái tháo đường có các biến chứng như tim mạch, thần kinh sẽ dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn. Nếu thời tiết lạnh khiến huyết áp tăng có thể gây ảnh hưởng tới quá trình lưu thông máu khiến chân tay đau mỏi.
Thời tiết lạnh ảnh hưởng như thế nào đến đường huyết?
Khi nhiệt độ giảm, khả năng miễn dịch của bệnh nhân đái tháo đường cũng bị suy giảm. Trời lạnh rất dễ khiến bệnh nhân đái tháo đường bị cảm lạnh. Do vậy tình trạng của bệnh nhân có thể sẽ tồi tệ hơn.
Với những bệnh nhân đái tháo đường nhưng ít vận động việc thay đổi thời tiết đột ngột có thể là yếu tố làm gia tăng việc phơi nhiễm đường hô hấp và sức đề kháng của cơ thể. Do vậy, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính trên nền bệnh đái tháo đường và thường người bệnh có thể trạng béo phì dễ làm gia tăng các đợt cấp COPD, gia tăng đợt cấp nhiễm trùng hô hấp. Khi sức đề kháng giảm, tình trạng bệnh không chỉ nặng hơn mà còn làm gia tăng các đợt cấp và suy hô hấp nhiều hơn.
Bên cạnh đó, vào mùa đông, yếu tố tác động của thời tiết thường là lý do khiến bệnh nhân ít vận động và có lối sống tĩnh tại nhiều hơn. Hơn nữa trời lạnh, quá trình trao đổi chất được tăng cường sẽ khiến cơ thể cố gắng đốt cháy nhiều năng lượng hơn nhằm ổn định thân nhiệt và giữ ấm.
Điều này cũng là lý do khiến chúng ta tăng cường ăn uống để tăng năng lượng cho việc chống rét. Việc ăn nhiều hơn và ít vận động là nguyên nhân làm tăng đường huyết cao. Và cũng chính việc tăng tỷ lệ đường huyết cao sẽ gây ra bất lợi cho sức khỏe người bệnh.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái tháo đường là cả một quá trình bao gồm bởi nhiều yếu tố. Tuy nhiên khi có những tác động cấp như việc đường máu cao tăng liên tục sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức đề kháng của cơ thể. Điều này làm giảm sức đề kháng đồng thời gia tăng các tác nhân bội nhiễm, đặc biệt là bội nhiễm liên quan đến đường hô hấp.
Thời tiết lạnh cũng có thể gây co mạch và làm máu chảy chậm hơn. Đây là nguyên nhân quan trọng gây ra các biến chứng tim mạch và mạch máu não ở bệnh đái tháo đường.
5 lưu ý cho người đái tháo đường khi trời lạnh
- Giữ ấm cơ thể khi hoạt động ngoài trời
Nếu phải ra ngoài, người bệnh nên lưu ý mặc ấm để tránh tình trạng sốc nhiệt. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột có thể khiến các mạch máu co lại dẫn tới thiếu oxy – là nguy cơ gây ra các tai biến. Do vậy người bệnh cần giữ ấm cơ thể, bàn tay, bàn chân và vùng đầu.
- Vận động nhẹ nhàng
Người bệnh đái tháo đường cần duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng và nên lựa chọn tập luyện trong nhà, không gian thông thoáng. Khi thời tiết lạnh, người bệnh có thể chia thời gian tập luyện vào cả sáng và chiều.
Người bệnh nên lưu ý khởi động kỹ trước khi tập luyện. Thậm chí thời gian khởi động có thể gấp đôi so với trước kia để cơ thể được làm ấm. Lúc này, cơ bắp sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiệt độ.
- Tập luyện các động tác hít thở
Thời tiết lạnh, khô, độ ẩm thấp thường là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh lý hô hấp nếu phải tập luyện, hoạt động lâu ngoài trời. Các bài tập thở vào mùa lạnh sẽ giúp hệ hô hấp làm quen với sự thay đổi của nhiệt độ. Người bệnh có thể học cách hít thở sâu: hít sâu căng phình bụng bằng đường mũi sau đó thở ra thật chậm.
- Duy trì thói quen ăn uống lành mạnh
Vào mùa đông, dinh dưỡng cần được đảm bảo cân bằng để bù đắp lại thói quen ít vận động. Người bệnh không nên quá lạm dụng việc tăng khẩu phần ăn với mục đích tăng năng lượng. Bên cạnh đó cần lưu ý uống đủ nước, bổ sung đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể nhằm tăng sức đề kháng.
- Theo dõi đường huyết thường xuyên
Bất kể thời điểm nào, không chỉ riêng trời lanh, người đái tháo đường vẫn cần duy trì thói quen theo dõi đường huyết. Tuy nhiên khi trời lạnh, người đái tháo đường nhận thấy thói quen ít vận động và ăn nhiều hơn thì nên tăng số lần thử đường huyết để nắm rõ đường huyết của bản thân hơn.
Xem thêm video được quan tâm:
Đái tháo đường: Nhận biết bệnh sớm qua những dấu hiệu nào? I SKĐS