Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu nhận thấy ở những người trên 65 tuổi, hệ miễn dịch suy giảm khiến khả năng tái phát cao hơn.
Báo cáo được đăng tải trên tờ The Lancet của một nhóm các nhà khoa học Đan Mạch đã tiến hành nghiên cứu về tỷ lệ tái nhiễm trong làn sóng COVID-19 thứ 2 và so sánh tỷ lệ này với đợt đầu tiên. Kết quả cho thấy, trong số 11.068 người có kết quả dương tính của đợt 1 chỉ có 72 người có kết quả tái dương tính lần thứ 2.
Người cao tuổi là đối tượng dễ bị tổn thương
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng những người từ 65 tuổi trở lên chỉ có 47% khả năng bảo vệ để tránh bị tái nhiễm COVID-19 sau lần mắc bệnh đầu tiên. Điều này có thể được giải thích bởi những thay đổi tự nhiên liên quan đến tuổi tác trong hệ miễn dịch của người cao tuổi, còn được gọi là lão hóa miễn dịch.
Phát hiện này không hoàn toàn gây bất ngờ, nhưng TS. Steen Ethelberg, tác giả của nghiên cứu cho rằng, kết quả này càng khẳng định tầm quan trọng của việc người cao tuổi cần tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang để giữ an toàn cho bản thân ngay cả khi trước đó đã được chẩn đoán mắc COVID-19; đồng thời khẳng định: tiêm phòng chính là vũ khí tốt nhất để chống lại sự lây lan của COVID-19. Đây cũng là lý do tại sao những người trên 60 tuổi cần phải tiêm thêm vắc-xin để tăng cường khả năng miễn dịch bởi chúng ta đều nhận thức được rằng hệ miễn dịch bắt đầu suy yếu theo tuổi tác. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh vai trò của các biện pháp nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần và ưu tiên tiêm vắc-xin, ngay cả đối với những người đã khỏi bệnh, để bảo vệ người cao tuổi trong đại dịch.
Người cao tuổi là đối tượng ưu tiên tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
Cần đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Hầu hết các loại vắc-xin hiện nay có thể khắc phục được một số lo ngại về khả năng miễn dịch ở người lớn tuổi vì chúng tạo ra sự bảo vệ tương đối hiệu quả. Tuy nhiên hạn chế của nghiên cứu là chỉ xem xét được các trường hợp nhiễm trùng trước khi có rất nhiều biến thể được lưu hành, vì vậy không rõ tác động nào tới tỷ lệ tái nhiễm trong tương lai. Đó là điều mà các nhà khoa học còn cần phải tiếp tục nghiên cứu. Nhưng với sự gia tăng của các biến thể, đặc biệt là B117, không chỉ có khả năng lây nhiễm cao hơn mà còn gây tử vong, chúng ta cần phải ưu tiên đẩy nhanh tốc độ tục tiêm chủng, đặc biệt với nhóm đối tượng là người cao tuổi.
65,4 % người cao tuổi tại Mỹ đã nhận được ít nhất 1 liều vắc-xin
Tại Mỹ, theo số liệu mới nhất từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vào tháng 12, Chính phủ liên bang đã chuyển hơn 147,6 triệu liều vắc-xin đến các bang và vùng lãnh thổ và hơn 77% đã được quản lý. Trung bình có khoảng 2,4 triệu người được tiêm chủng mỗi ngày, so với mức dưới 1 triệu vào tháng giêng. Hiện 65,4 % người cao tuổi tại Mỹ đã nhận được ít nhất 1 liều vắc-xin, với 37,6% được tiêm chủng đầy đủ. Đồng thời, các trường hợp mắc, tử vong và nhập viện do SARS-CoV-2 cũng có xu hướng giảm đáng kể so với mức cao nhất được báo cáo vào tháng 1.
Thống kê từ các nhà nghiên cứu thuộc Trường đại học Oxford (Anh) cũng cho thấy, các chương trình tiêm chủng vắc-xin ngừa COVID-19 đã được thực hiện trong phạm vi ít nhất 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, việc tiêm chủng mới chỉ được thực hiện trên tổng số 1% dân số thế giới.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres cũng kêu gọi thế giới cần xây dựng kế hoạch tiêm chủng toàn cầu. Chúng ta đã cùng nhau tạo ra cơ chế COVAX - một công cụ toàn cầu để sản xuất và phân phối vắc-xin cho các nước thu nhập trung bình và thấp. Cho dù cơ chế COVAX vẫn đang cần tới sự hỗ trợ tài chính đầy đủ, thì chúng ta cũng phải hành động nhiều hơn nữa. Bởi, đến nay chỉ 10 nước đã tiêm được 75% số liều vắc-xin ngừa COVID-19, trong khi 130 nước và vùng lãnh thổ chưa triển khai chương trình tiêm chủng vắc-xin loại này.