Người đã hưởng BHXH một lần có thể tham gia hoặc quay lại đóng để hưởng lương hưu

02-11-2023 15:47 | Thời sự

SKĐS - Chiều 2/11, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và thảo luận tại Tổ về dự án luật này.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh bày tỏ đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc đối với một số nhóm đối tượng nêu tại tờ trình của Chính phủ. 

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đây không phải là "chìa khóa" để đạt mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH mà phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình cụ thể hơn.

Liên quan đến vấn đề điều kiện hưởng lương hưu, Ủy ban Xã hội cho rằng, quy định về việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm như dự thảo là phù hợp với quan điểm định hướng của Nghị quyết số 28 và tạo điều kiện, thu hút nhóm người lao động (NLĐ) cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi).

Rút BHXH một lần là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng tới quyền lợi của người lao động - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Đề xuất này cũng giúp một số nhóm đối tượng đã hưởng chế độ BHXH một lần cũng có thể tham gia hoặc quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu. Đồng thời khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian, chờ nhận lương hưu khi đến tuổi quy định, tạo cơ hội giữ NLĐ ở lại trong hệ thống BHXH. Việc giảm điều kiện về thời gian tối thiểu đóng BHXH để hưởng chế độ hưu trí sẽ góp phần thúc đẩy tính liên kết đa tầng, linh hoạt của hệ thống.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, khi hưởng mức lương hưu tương ứng với thời gian đóng BHXH tối thiểu sẽ ít hơn những người có thời gian đóng dài và đầy đủ. Tuy nhiên, với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được nhà nước điều chỉnh theo chỉ số giá tiêu dùng, được quỹ BHXH đóng BHYT, khi mất có chế độ tiền tuất thì sẽ góp phần bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già của NLĐ.

Tuy nhiên, để có cơ sở vững chắc giúp Quốc hội xem xét, quyết định, bà Nguyễn Thúy Anh đề nghị Cơ quan soạn thảo giải trình kỹ lưỡng, thuyết phục về việc thay đổi này ở cả khía cạnh nguyên tắc đóng - hưởng, chia sẻ của BHXH, khía cạnh kinh tế của vấn đề hay việc thay đổi quan điểm về mức sàn an sinh xã hội tối thiểu khi sửa đổi luật lần này.

Liên quan đến quy định rút BHXH một lần, bà Nguyễn Thúy Anh nêu quan điểm, đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, có ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ và vấn đề an sinh xã hội lâu dài, tác động nhất định đến tâm lý xã hội, NLĐ.

Vì vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn để tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, tham vấn, lấy ý kiến công chúng, đối tượng chịu tác động trực tiếp, đặc biệt là quy định về BHXH một lần. Tiếp tục rà soát, cân nhắc tính toán thêm các lựa chọn, làm căn cứ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến theo hướng bảo đảm tốt nhất quyền lợi lâu dài của NLĐ nhưng cũng hài hòa với nguyên tắc đóng - hưởng, có chia sẻ của BHXH.

Chính thức trình phương án đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưuChính thức trình phương án đóng BHXH đủ 15 năm được hưởng lương hưu

SKĐS - Chiều 2/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình dự án Luật BHXH (sửa đổi).


Lê Bảo
Ý kiến của bạn