1. Bị sởi rồi có thể bị lại không?
Theo BS. Nguyễn Ngọc Chìu, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện 19-8, sởi là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus sởi. Các triệu chứng điển hình khi mắc sởi bao gồm sốt cao, sổ mũi, ho khan, đau họng, viêm kết mạc, chảy máu cam... Ban sởi xuất hiện tuần tự từ đầu - mặt - cổ đến ngực - lưng - bụng, rồi tới các chi.
Bệnh sởi rất dễ lây nên dễ bùng phát thành dịch. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, như viêm phổi nặng, viêm não - màng não, thậm chí là tử vong. Đối với phụ nữ đang mang thai, có thể gây sảy thai, sinh non hoặc dị dạng thai nhi, mù lòa ở trẻ sơ sinh.
Phần lớn mọi người chỉ mắc bệnh sởi một lần trong đời. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng bị sởi rồi thì chắc chắn sẽ không bị lại. Miễn dịch cơ thể đối với virus sởi có thể suy giảm sau 20 năm. Người đã từng mắc sởi từ hồi bé vẫn có khả năng mắc lại khi miễn dịch của cơ thể đối với virus sởi suy yếu.
2. Người đã từng mắc sởi có cần tiêm vaccine sởi?
Tiêm vaccine sởi là biện pháp an toàn và hiệu quả nhằm phòng tránh bệnh sởi cũng như hạn chế nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm. Tất cả những người chưa có miễn dịch đối với virus sởi đều có nguy cơ mắc bệnh, do đó cần tiêm vaccine sởi để tạo miễn dịch chủ động, đặc biệt là những đối tượng sau có nguy cơ cao:
- Trẻ nhỏ không còn miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vaccine.
- Trẻ đã tiêm vaccine phòng sởi nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch.
- Thanh niên, người trưởng thành chưa từng mắc bệnh sởi hoặc chưa tiêm vaccine trước đây.
- Người lớn tuổi có bệnh mạn tính như tim mạch, cao huyết áp, phổi, đái tháo đường…
- Bệnh nhân suy giảm miễn dịch (Nghiện rượu, bệnh HIV/AIDS…)
Có nên tiêm vaccine sởi đối với người đã từng mắc sởi?
Như đã nói ở trên, người đã từng mắc sởi vẫn có khả năng bị lại nếu miễn dịch cơ thể suy yếu.Trên thực tế ghi nhận không ít trường hợp nghi ngờ mắc sởi, nhưng khi lấy huyết thanh để tìm kháng thể IgM đối với virus sởi lại cho kết quả âm tính (không có). Nghĩa là người bệnh này mắc bệnh sốt phát ban khác mà không phải sởi hoặc đã từng mắc bệnh sởi nhưng cơ thể không sinh ra được kháng thể chống lại virus sởi hoặc kháng thể suy yếu sau nhiều năm không được củng cố.
Vì vậy, tất cả mọi người không có kháng thể kháng virus sởi trong máu đều nên tiêm vaccine sởi để phòng bệnh và tránh nguy cơ bùng phát dịch sởi, đặc biệt là phụ nữ có dự kiến sinh con, cần tiêm phòng sởi trước 3 tháng. Chủ động tiêm vaccine phòng bệnh sởi đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn của cán bộ y tế tại các cơ sở tiêm chủng, BS. Nguyễn Ngọc Chìu khuyến cáo.
3. Tiêm vaccine sởi có gây tác dụng phụ gì không?
Một số phản ứng sau tiêm tương tự như các loại vaccine dịch vụ khác như sưng, nóng, đỏ, đau tại vị trí tiêm hoặc có thể sốt nhẹ, mệt mỏi. Hầu hết các tác dụng phụ này sẽ hết trong khoảng 1-2 ngày mà không cần điều trị.
Phản ứng nghiêm trọng sau tiêm vaccine sởi rất hiếm gặp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, người được tiêm chủng sẽ được giữ lại theo dõi 30 phút sau tiêm tại cơ sở y tế, đảm bảo có thể xử trí kịp thời nếu có vấn đề xảy ra.
Lịch tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay gồm 2 mũi, mũi 1 khi trẻ được 9 tháng tuổi, mũi 2 tiêm khi trẻ 18 tháng tuổi. Ngoài vaccine sởi đơn thì vaccine dạng phối hợp sởi - quai bị - rubella cũng là một lựa chọn tốt cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn, giúp tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa cả 3 bệnh nói trên.
4. Một số điều cần lưu ý khi tiêm phòng sởi
Cũng giống như bất kỳ loại thuốc hay vaccine nào, người tiêm chủng cần lưu ý một số điều sau đây khi tiêm vaccine phòng sởi:
- Kiêng dùng các loại thuốc gây ức chế, làm suy yếu hệ miễn dịch như thuốc điều trị sốt rét, thuốc chữa ung thư hay corticoid. Vì khi hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm chức năng, cơ thể sẽ không có khả năng sản xuất lượng kháng thể vừa đủ để duy trì sự ổn định của cơ thể sau khi tiêm phòng sởi.
- Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất.
- Kiêng các loại đồ uống có cồn như rượu bia, không sử dụng các chất kích thích như thuốc lá…
- Hạn chế vận động cường độ cao, làm việc nặng nhọc.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, uống nhiều nước, có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn trong trường hợp gặp các tác dụng phụ như đau nhức, mẩn đỏ, sưng tấy ở chỗ tiêm, sốt nhẹ...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sởi: Một trong những căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất được phát hiện thế nào? | SKĐS