Người cứu chuyến tàu bão tố

02-10-2008 16:13 | Thời sự
google news

Nguyễn Ngọc Tâm sinh năm 1966 tại Long Biên - Hà Nội, anh vừa tốt nghiệp đại học chuyên tu về ngành lái tàu. Hiện nay anh là lái chính (bậc 2) của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Anh là người đã có quyết định kịp thời cứu chuyến tàu LC1 giúp 1.203 hành khách khỏi cơn lũ quét kinh hoàng trong đêm 9/8/2008.

Nguyễn Ngọc Tâm sinh năm 1966 tại Long Biên - Hà Nội, anh vừa tốt nghiệp đại học chuyên tu về ngành lái tàu. Hiện nay anh là lái chính (bậc 2) của Xí nghiệp đầu máy Hà Nội. Anh là người đã có quyết định kịp thời cứu chuyến tàu LC1 giúp 1.203 hành khách khỏi cơn lũ quét kinh hoàng trong đêm 9/8/2008.

 Anh Nguyễn Ngọc Tâm.
 
Anh Nguyễn Ngọc Tâm trầm ngâm kể rằng, anh rất ít khi nằm ngủ mơ, bởi mỗi lần lái tàu trở về nhà, anh luôn có một giấc ngủ sâu và đầy thèm thuồng. Nhưng trong mấy ngày gần đây, thỉnh thoảng anh lại nằm mơ thấy ác mộng. Cơn ác mộng khủng khiếp để giành giật giữa sự sống và cái chết mong manh trong gang tấc... Anh giật mình hoảng sợ rồi tỉnh dậy, thấy mình đang nằm trong chính căn nhà thân yêu... và anh thở phào nhẹ nhõm nhưng vẫn không gạt được những nghĩ suy về chuyến tàu bão tố trong ngày được coi là đẹp nhất của năm, cũng là ngày khai mạc Thế vận hội Olympic Bắc Kinh, 8/8/2008.

1.203 là con số hành khách có mặt trên chuyến tàu đi Lào Cai LC1 mang số hiệu D12E - 626 khởi hành vào 22 giờ 05 ngày 8/8/2008 từ ga Hà Nội với 17 toa tàu và một đầu máy do anh Nguyễn Ngọc Tâm lái chính và anh Hoàng Hữu Long phụ lái. Cũng như bao lần, các anh có một sự khởi hành đúng thời gian quy định, chuyến tàu vi vu đi qua các nẻo đường thành phố và như một chiến binh hùng dũng đi trong đêm, ngoằn ngoèo, xình xịch trên đường ray quen thuộc. Đêm hôm đó, theo dự báo thời tiết, anh Tâm đã biết là có áp thấp nhiệt đới tràn về, và với ý nghĩ của một người có hơn 20 năm trong nghề, anh đã cực kỳ cẩn trọng, khi trời bắt đầu có những hạt mưa lắc rắc rơi xuống kính của đầu máy.

Anh Tâm kể lại: "Khoảng 3 giờ sáng ngày 9/8, khi tàu mới chạy qua địa bàn huyện Chấn Yên, Yên Bái, đến khúc cua km45 800, tôi nghe tiếng nước réo. Qua ánh đèn pha, tôi phát hiện có nước loang loáng xâm xấp đường ray, lúc đó, như một phản xạ, tôi cho tàu dừng lại, nhưng với lực đẩy quá lớn, cả đoàn tàu trượt trên đường ray hơn 200m mới dừng lại giữa cây cầu bắc qua ngòi Sen, chảy thẳng xuống sông Hồng cách đó không xa. Khi dừng tàu, tôi cử Long, phụ lái, xuống kiểm tra thì thấy nước sông Hồng đang dâng lên. Theo kinh nghiệm (và cũng như linh tính mách bảo), tôi gọi điện hội ý với trưởng tàu xin được lùi tàu về phía sau, vì địa bàn đã quá quen thuộc nên tôi biết chắc chắn rằng, phía sau có địa hình cao hơn chỗ tàu đang dừng. Khi tàu đang lùi ở km 145 900m thì bỗng trong nháy mắt nước lũ ở trên núi đổ úp xuống đầu máy của chúng tôi. Ngay trong giây lát, đầu máy đứt rời móc xích nối với các toa tàu và nghiêng 15 độ sau đó thì đổ 45 độ theo đường ray. Khi đó tôi hoảng hốt vô cùng, tôi nghĩ cả đầu máy chắc sẽ bị cuốn theo dòng nước lũ trôi xuống sông. Nhưng thật may mắn vì đầu máy vẫn đứng nghiêng 45 độ như thế, chúng tôi đẩy cửa tìm cách chui ra khỏi đầu máy để lên trên rìa thành tàu mặc dù lúc đó nước đã ngập đến cổ. Khi thoát khỏi đầu máy, tôi mới biết rằng, cổ tay mình, trong lúc va quệt đã bị vật gì đó cứa vào và chảy rất nhiều máu. Trong trời mưa như trút và sấm chớp liên hồi, tôi cảm tưởng mình có thể bị ngất đi vì đau và máu tóe lên vì nước mưa xối xả. Cũng may khi đó, Long đã kịp lấy hộp cứu thương và băng bó tạm thời cho tôi.

 
Trong suốt hơn 20 năm theo nghề lái tàu, và hơn 40 tuổi đời, tôi đã được chứng kiến nhiều chuyện xảy ra, có chuyện của chính tôi, có chuyện của bạn bè tôi, nhưng tôi chưa bao giờ thấy chuyện gì khủng khiếp như thế trong đời. Lần đầu tiên tôi được biết thế nào là lũ quét thì chính tôi lại là một con người đang phải đương đầu với nó, có thể bị nó cuốn trôi đi mà không thể làm được gì. Mà nếu chúng tôi không chết vì lũ thì cũng có thể chết vì sét đánh, sấm sét rạch ngang bầu trời mà chúng tôi lại đang đứng trên đầu tàu toàn sắt là sắt. Lúc đó cảm giác thật đáng sợ. Cái cảm giác mình quá bé nhỏ, mong manh trước thiên nhiên. Cái cảm giác mong manh quá đỗi để giành giật lấy sự sống của một con người khỏe mạnh mà lại bó tay bất lực nhìn dòng nước lũ đang sục sôi réo cuộn xung quanh mình, rình mò mình như một miếng mồi béo bở. Mặc dù đoàn tàu cách chỗ chúng tôi ngồi chỉ khoảng 7m nhưng cái khoảng cách đó lại chính là chỗ tạo thành khe cho dòng nước cuồn cuộn đổ về. Lúc đó, tôi không hiểu tại sao nước ở đâu lại có thể đổ về nhiều đến thế, mạnh đến thế. Tất cả ngập trong nước mênh mông trắng xóa, bọt xoáy tung tóe. Tôi cũng không hiểu tại sao cái đầu tàu lại có thể đứng vững ở mép nghiêng của đường ray mà không bị đổ ụp xuống dòng sông, hay phải chăng, trời đất thương tình run rủi mà giữ thăng bằng cho hai mạng sống. Quả thật lúc đó, chúng tôi hoàn toàn phó thác bản thân cho số phận. Sau khi nước rút, tôi mới biết rằng, chính dòng nước lũ đã đẩy hết đá dăm dưới đường ray tạo thành một ụ đá đỡ cho đầu máy đứng vững để cho chúng tôi được sống. Đó thực sự cũng là một điều diệu kỳ mà chỉ có thể lý giải là do may mắn".
Tôi hỏi anh Tâm: "Lúc đứng trong cơn mưa lũ, anh nghĩ tới điều gì?". "Tôi chẳng thể nghĩ được gì cụ thể - Anh Tâm nói - Cảm giác sợ hãi vẫn chưa hoàn hồn. Dưới cơn mưa xối xả, toàn thân tôi tê lạnh và đau rát buốt nơi cổ tay, tôi mệt lả người vì mất nhiều máu. Cái áo mưa dùng một lần từ hành khách ném qua cho chúng tôi chỉ đủ che chắn được vài phút rồi nó cũng thành một vật vứt đi vì mưa lũ quá to không thể che nổi. Lúc đó tôi chỉ ước ao trời chóng sáng và cầu trời cái đầu tàu sẽ cầm cự được cho tới khi nước rút và mọi người đến cứu chúng tôi".
 
Đến 6 giờ sáng, nhân dân địa phương và bộ đội trong vùng đã đến chỗ tàu gặp nạn. Những người dân tốt bụng, người thì chặt cây chắn nước, người thì chuẩn bị dây thừng, có người còn mang cả thuyền thúng ra để chở các anh về tàu nhưng hoàn toàn bất lực bởi vì nước còn chảy quá mạnh. Đến 8 giờ mọi người mới kéo các anh sang bằng cách buộc dây thừng quanh người và ở phía các toa tàu những người cứu hộ kéo bằng đầu dây còn lại. Mặc dù nước chỉ còn ngập đến thắt lưng nhưng khi anh Long sang trước vẫn bị nước chảy xiết cuốn vào tận bụi tre cách đó khoảng 5m.

 Công tác cứu hộ nhanh chóng được triển khai.

"Thế là mình sống rồi!" đó là ý nghĩ đầu tiên của anh Tâm khi bước chân lên được đến tàu. Cho dù thế, anh Tâm nói, sự sung sướng vẫn chỉ có trong giây lát và nhường chỗ cho cảm giác hoảng sợ xâm chiếm lấy cơ thể "chưa hoàn hồn" khi nghĩ về những điều đã qua. Nhưng dẫu sao, cũng phải cảm ơn số phận, bởi vì đã cho các anh sống, cũng như đã run rủi cho 1.203 hành khách thoát khỏi cơn lũ quét khủng khiếp. Một cách trực tiếp Nguyễn Ngọc Tâm đã có một quyết định đúng đắn, kịp thời cứu sống cả hơn một nghìn con người trên chuyến tàu LC1 đó.

Khi trở về tàu, anh Tâm đã được đưa đến bệnh viện ở Lào Cai để băng bó vết thương ở tay, anh bị khâu 8 mũi và phải nằm lại Lào Cai 3 ngày sau mới về được Hà Nội vì các tuyến đường đã bị lũ làm hư hại. Anh Tâm và anh Long luôn bị ám ảnh về chuyến tàu. Có lúc các anh tự giễu mình khi tưởng tượng rằng nếu lúc đó đầu máy đổ ụp xuống sông Hồng thì giờ này các anh đang phiêu dạt đâu đó từ thượng nguồn tới hạ nguồn hoặc tan biến lẫn vào phù sa của dòng sông... Nhưng các anh vẫn tự hào rằng, mình đã làm hết khả năng và nhiệm vụ của một người lái tàu bảo vệ sự an toàn của hành khách.

Tôi gặp anh Nguyễn Ngọc Tâm sau khi anh được lãnh đạo trao bằng khen vì đã xả thân cứu đoàn tàu, anh trông già hơn so với tuổi 42, tôi nhận thấy trên khuôn mặt và đôi mắt đỏ ửng vì thiếu ngủ của anh vẫn còn những nét xanh xao, nhưng nụ cười luôn thường trực trên môi. Tôi hỏi "Liệu qua cú sốc này, anh còn muốn đi lái tàu trên chặng đường quen thuộc không?", anh cười rất tươi "Đã có những lúc tôi buồn vì phải đón giao thừa trên tàu, ở một ga nào đó bất kỳ trên chặng đường của mình, vì giao thừa phải xa nhà, xa vợ và hai cậu con trai yêu quý, nhưng bây giờ tôi thấy nỗi buồn đó thật nhỏ nhoi so với những gì tôi vừa trải qua trong đợt lũ quét này. Bởi vì, giao thừa xa nhà rồi lại được trở về, nó là chuyện bình thường của bất cứ một người lái tàu nào. Nhưng trong cơn lũ, tôi đã nghĩ mình không được gặp lại gia đình, không được gặp lại những người thân yêu, bè bạn... Điều đó thật khủng khiếp nhưng cũng đã và sẽ qua đi theo thời gian. Sau đợt nghỉ phép, ngày 20/8, tôi lại tiếp tục công việc của mình, lại nhận nhiệm vụ trên chuyến tàu Hà Nội - Lào Cai quen thuộc, phải đi làm thì mới có tiền nuôi gia đình, đó là lẽ đương nhiên thôi. Nghề lái tàu cần tình yêu nghề và sự kiên trì bền bỉ rất lớn. Tôi đã lựa chọn nghề này ngay khi còn là một cậu thiếu niên lần đầu tiên nhìn đoàn tàu vi vu như một con tuấn mã đầy hiển hách trên đường ray, từ khi đó, tôi đã quyết tâm học nghề để được trở thành một trong số những người ngồi trên đầu máy kia và tôi đã làm được điều đó".

Tạm biệt anh Tâm ra về, lòng tôi dâng lên những cảm xúc thật khó tả khi nhớ lại lời anh kể về giây phút gặp gia đình sau ngày đại hạn, khi anh xúc động nghẹn ngào vì lại được ôm những đứa con bé bỏng trong vòng tay. Tôi cũng nghĩ đến những hành khách trên chuyến tàu đó. Bây giờ họ đã mỗi người một nơi, yên ấm trong gia đình mình, hoặc đâu đó trong thế giới này, nhưng tôi chắc rằng họ sẽ không bao giờ quên nghĩ về ngày 8/8/2008 định mệnh và họ không quên nghĩ về anh, cảm ơn anh, cho dù họ không biết anh là ai, anh tên gì, nhưng có lẽ trong lòng họ, anh là một vị anh hùng đã cứu họ trong chuyến tàu bão tố.

Trần Hoàng Thiên Kim


Ý kiến của bạn