Đau đáu với hành trình tìm danh tính cho các đồng đội đã khuất
Những ngày tháng 7 này với ông Sính càng đặc biệt khi lòng ông luôn nghĩ đến những đồng đội đã hy sinh, những liệt sĩ còn chưa rõ danh tính, chưa tìm được người thân.
Đến tháng 7/2022, ông Đào Thiện Sính (thị trấn Khánh Vĩnh, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) bước vào tuổi 76 nhưng sức khỏe vẫn còn dẻo dai và miệt mài đi tìm thân nhân và xác định danh tính cho các liệt sĩ.
Ông tâm sự rằng, tháng 7/2022 này tôi đã có nhiều năm đi xác định danh tính cho các đồng đội là liệt sĩ. Công việc của tôi luôn nhận được sự ủng hộ của vợ con và người thân.
Các tỉnh như Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk…đều có dấu chân của ông Sính.
Sinh ra ở tỉnh Hải Dương đến năm 1967, ông Sính đi bộ đội và vào chiến trường miền Nam.
Sau đó được điều động lên mặt trận Tây Nguyên rồi Đông Nam Bộ. Cho đến ngày giải phóng đất nước, ông Sính được đi học ngành thông tin-liên lạc rồi về công tác tại Bưu điện huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) cho đến ngày nghỉ hưu.
Khi còn làm việc, ông Sính luôn suy nghĩ những đồng đội của mình ở nhiều chiến trường đã ngã xuống vì bình yên đất nước nhưng vẫn còn chưa kết nối được với thân nhân.
Có liệt sĩ được quy tập về các nghĩa trang nhưng chưa xác định được danh tính.
Từ khi nghỉ hưu, việc tìm kiếm của ông thường xuyên hơn. Để xác định được danh tính ông viết thư về tỉnh hoặc huyện được ghi trên bia để nhờ kiểm tra, rà soát xem ngày/tháng/năm đó có liệt sĩ nào hy sinh mà chưa tìm được hài cốt…
Ông Sính thổ lộ rằng, có những hài cốt đồng đội phải viết đến hàng trăm lá thư mới có thể xác định được chính xác. Có bia mộ chỉ còn mỗi cái tên liệt sĩ và tên huyện- nơi liệt sĩ đã sinh ra. Thế là về huyện đó nhờ địa phương kiểm tra, rà soát… lần từng đầu mối nhỏ rất kỳ công cho đến khi xác định được chính xác hài cốt của ai mới thôi. Càng làm việc này càng thấy hạnh phúc, thấy mình đóng góp chút công sức cho gia đình đồng đội.
Viết gần 41.000 lá thư tìm thân nhân cho liệt sĩ
Trong hành trình đi tìm hài cốt đồng đội của mình, mỗi lần mệt ông Sính lại nhớ về những khoảng khắc ý nghĩa sát cánh bên các đồng đội ngày xưa để tiếp tục làm công việc ý nghĩa của mình.
Ông Sính bộc bạch rằng: "Trong Đại hội Hội cựu chiến binh Khánh Vĩnh vừa diễn ra, tôi được chọn là điển hình làm việc ý nghĩa vì đồng đội để lên báo cáo. Lúc đó nỗi nhớ về các liệt sĩ đã hy sinh lại cứ trỗi dậy trong tâm trí tôi. Tôi đã đi đến hơn 230 nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước. Đã viết và gửi gần 41.000 lá thư.
Qua đó đã có khoảng 5.000 gia đình liệt sĩ đã nhận được thông tin, thư của tôi và đến xác minh liệt sĩ là người thân của mình… Hiện nay, nhiều ngôi mộ chỉ có tên mà không có quê. Lại có một chỉ có tên mà không có họ nhưng tôi đã chắp nối các thông tin, các tư liệu mình có được để viết thư tìm kiếm người thân cho liệt sĩ".
Có nhiều trường hợp rất đặc biệt. Điển hình như mới đây có một liệt sĩ quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, được quy tập về Khánh Vĩnh, Khánh Hòa gần 40 năm nhưng vẫn chưa tìm được thân nhân.
Trên bia mộ ghi tên là Nguyễn Ngọc Quỳnh nhưng thực tế liệt sĩ này tên là Nguyễn Ngọc Trình.
Sau khi ông Sính viết thư và đưa tin, gửi các thông tin rất nhiều về huyện Đức Thọ đã xác định được chính xác đó là liệt sĩ Nguyễn Ngọc Trình. Người thân của liệt sĩ này đã đến nhận.
Nghĩ về những ngày tháng tiếp theo của mình, ông Sính tâm tình rằng, việc đi chắp nối thông tin, xác định danh tính cho đồng đội hay viết thư tìm thân nhân cho liệt sĩ rất vất vả. Nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp chính quyền cho hành động của mình tựa như những lời động viên. Còn sức khỏe là ông vẫn thực hiện công việc này chứ không nề hà bất cứ điều gì.