Luôn học tập theo tấm gương Bác Hồ
Thời tuổi trẻ, ông Phước đã chiến đấu trong biên chế của Sư đoàn 305. Sau ngày giải phóng ông trở về tỉnh Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũ) làm nhân viên bảo tàng, rồi giám đốc Bảo tàng Phú Khánh.
Được may mắn hàng ngày tiếp xúc, bảo quản các kỷ vật quý liên quan đến các danh nhân, lãnh tụ…nên ông Phước đã nảy ra ý tưởng khi về hưu sẽ xây dựng một Khu tưởng niệm về Bác Hồ trong khu đất của gia đình mà ông đã tích cóp mua được ở xã Phước Đồng.
Ý nghĩ thôi thúc ngày càng mạnh mẽ nên cứ vào mỗi dịp cuối tuần, ông Phước lại khăn gói rong ruổi tìm đến những nơi lưu giữ kỷ vật, tư liệu quý về Bác Hồ để xin sao, chụp lại mang về bảo quản tại gia đình mình. Đối với khu nhà sàn nơi Bác Hồ từng ở, làm việc ông Phước phục dựng lại một cách cẩn trọng, tỉ mỉ nhất. Biết việc làm cao cả của ông Phước, nhiều bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh ở mọi miền đất nước còn tặng cho ông một số kỷ vật liên quan đến Bác Hồ.
Chia sẻ về việc làm và hành động của mình, ông Bùi Xuân Phước bộc bạch: "Bác Hồ là người lãnh tụ mà tôi kính trọng nhất trong suốt cuộc đời. Từ thời thanh niên, tôi đã luôn học tập theo tấm gương của Bác Hồ. Khi đã sưu tầm, phục dựng được kha khá các tư liệu, kỷ vật về Bác Hồ, năm 1997, tôi quyết định xây dựng Khu tưởng niệm Bác Hồ tại nhà mình. Khu tưởng niệm được phân chia rất bài bản, khoa học gồm: gian trưng bày các lá thư, tư liệu về Bác Hồ; gian trưng bày những bộ quần áo, chiếc mũ Bác Hồ hay đội; gian sách báo viết về Bác Hồ…
Trải qua thời gian, đến năm 2023, Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Phước có khoảng hơn 100 kỷ vật về Bác Hồ. Các kỷ vật này hàng ngày được ông Phước bảo quản cẩn thận, nhiều trang tư liệu quý về Bác Hồ đã cũ được ông Phước phục chế, ép lại để bảo quản được mãi mãi về sau. Cùng với việc bảo quản các kỷ vật, tại bàn thờ Bác Hồ, hàng ngày gia đình ông Phước đều thắp hương tưởng nhớ đến Bác.
Phía trước Khu tưởng niệm Bác Hồ, ông Phước còn cho xây một Đài tưởng niệm các liệt sĩ của Sư đoàn 305 đã hy sinh vì sự nghiệp chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc. "Nhiều đồng đội của tôi đã hy sinh cho cuộc sống hòa bình hôm nay. Thế nên mỗi ngày tôi đều nghĩ về họ, tưởng nhớ về họ"- ông Phước tâm tình.
Hình ảnh Bác Hồ luôn ghi nhớ trong tim
Từ ngày Khu tưởng niệm Bác Hồ được xây dựng, ngày càng nhiều người ở nhiều lứa tuổi, tầng lớp trên địa bàn xã Phước Đồng cũng như TP. Nha Trang và các huyện lân cận trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tìm đến để được nghe ông Phước kể chuyện về Bác Hồ, được trực tiếp nhìn các kỷ vật về Bác.
Bà Tuyết Trinh là giáo viên ở TP. Nha Trang thường xuyên đưa học sinh đến thăm Khu tưởng niệm Bác Hồ của ông Bùi Xuân Phước cho biết, đến thăm khu tưởng niệm này, các học sinh đều xúc động khi nghe những câu chuyện về Bác Hồ. Nhiều em học sinh, trong những dịp cuối tuần hay những khi rảnh rỗi còn tìm đến để ngồi đọc sách, báo viết về Bác.
Theo ông Bùi Xuân Phước, người dân cũng như cán bộ, du khách đến tham quan Khu tưởng niệm Bác Hồ đông nhất là vào ngày lễ như: Ngày Quốc khánh; ngày sinh nhật Bác Hồ; ngày Tết… Bất kể ai đến khu tưởng niệm cũng được đón tiếp chu đáo, tận tình.
Điều khiến cho nhiều người cảm kích là bản thân ông Phước cũng như người thân trong gia đình ông thống nhất, khi ông Phước mất đi, các thế hệ sau trong gia đình ông vẫn một lòng gìn giữ Khu tưởng niệm Bác Hồ cho tất cả mọi người đến tham quan.
Với hành trình bền bỉ học tập theo gương Bác Hồ cũng như việc dốc trọn tâm sức chăm chút cho Khu tưởng niệm Bác Hồ, ông Bùi Xuân Phước đã được nhiều cấp, ngành tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, năm 2021, ông Bùi Xuân Phước còn được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khu tưởng niệm Bác Hồ được ông Phước đầu tư xây dựng bài bản