Đại tướng về thăm nhà nghe câu Hò khoan Lệ Thủy
Những ngày nắng cuối tháng 8, chúng tôi tìm về thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ngôi nhà nhỏ nằm bên dòng sông Kiến Giang êm đềm trôi là nơi gắn bó bao kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng.
Sau khi bị giặc Pháp đốt, đến thời bình, ngôi nhà được con cháu và chính quyền địa phương trùng tu trên nền nhà cũ. Với chất liệu bằng gỗ, có 3 gian, 2 chái, cửa lợp lá.
Theo lời kể của ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông (tức bố của ông nội ông Võ Đại Hàm là anh ruột của bố Đại tướng Võ Nguyên Giáp), người vẫn ngày đêm chăm lo hương khói trên bàn thờ Đại tướng thì năm mười ba tuổi, cậu bé Võ Giáp (tên khai sinh của Đại tướng) khăn gói vào Huế học rồi đến với con đường cách mạng, đó là khoảng thời gian dài "anh Văn" xa quê hương.
Sinh thời, Đại tướng từng nói "Quảng Bình là nhà tôi, khi nào làm xong việc nước thì tôi về nhà". Chắc hẳn trong những tháng năm xa quê theo con đường cách mạng, Đại tướng vẫn luôn đau đáu nhớ nhung bến nước dòng Kiến Giang người từng tắm mát tuổi thơ, nhớ nhung giọng nói ấm tình quê Quảng Bình, nhớ làn điệu Hò khoan Lệ Thủy, nhớ không khí vui tươi của lễ hội đua thuyền truyền thống.
Theo ông Hàm, mỗi lần về thăm nhà, Đại tướng đều dừng xe tận ngoài bờ sông rồi đi bộ vào để có thể bắt tay, chào hỏi bà con hàng xóm. Sau đó vào nhà dâng hương bàn thờ tổ tiên, đi viếng mộ bố mẹ ở nghĩa trang liệt sĩ và thăm vườn nhà, bà con lối xóm.
"Mỗi lần Đại tướng về thì tổ chức Hò khoan Lệ Thủy giữa sân nhà, cả gia đình ngồi ở thềm coi, bà con tới coi rất đông, vỗ tay, hò dô theo vui lắm", ông Võ Đại Hàm cho biết.
Những người dân nơi quê nhà Đại tướng vẫn nhớ như in những kỷ niệm đẹp, những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền và cái gật đầu chào thân thiện, lời căn dặn ân cần mỗi lần Đại tướng dành cho họ.
Bà Nguyễn Thị Lý (SN 1954) trú thôn Đại Phong, xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, là người nhiều lần đến nhà chúc sức khỏe và cùng mọi người biểu diễn điệu Hò khoan Lệ Thủy trước sân nhà Đại tướng. Trong ký ức của bà Lý, đến bây giờ bà vẫn còn nhớ được cảm giác ấm áp của những cái bắt tay siết chặt, nụ cười hiền và cái gật đầu chào thân thiện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Lần đầu tiên gặp Đại tướng, lúc đó vừa mừng, vừa run. Khi ông tới bắt tay, nét mặt của ông không giống một vị tướng mà như một người cha, người ông của chúng tôi. Ánh nhìn thân thiện, tình cảm và rất thương nhân dân", bà Lý cho biết.
Lần cuối cùng Đại tướng về thăm nhà là vào năm 2004. Trong ký ức của những vị cao niên tại thôn An Xá thì ngày hôm đó có rất đông bà con trong và ngoài thôn đến nhà Đại tướng chơi, muốn được gặp và chúc sức khỏe Đại tướng. Họ cũng rất buồn vì gần 10 năm sau, Đại tướng đã về lại Quảng Bình nhưng khi đó người đã rời khỏi trần thế.
Ông Võ Đại Hàm nhớ lại, lần cuối về quê, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có trồng 2 cây thuốc Nam được lấy từ vườn nhà ngoại đem về. 2 cây thuốc này vẫn xanh tốt đến nay. Việc này cũng gợi nhớ lại kỷ niệm ngày xưa cụ thân sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm thầy thuốc Nam, thường xuyên chữa bệnh cứu người.
Nhớ lời căn dặn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Đại Hàm luôn gắn bó cùng căn nhà, chăm sóc vườn tược để khi bà con đến thăm không cảm thấy không gian này bị lạnh lẽo. Ngôi nhà lưu niệm Đại tướng tại thôn An Xá, vẫn luôn đón những đoàn khách từ khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm.
Ký ức về 10 năm lái xe phục vụ Đại tướng
Cựu chiến binh Nguyễn Duy Khoa (SN 1954) trú xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), người vinh dự có 10 năm gắn bó, lái xe phục vụ Đại tướng cho biết, quãng thời gian lái xe phục vụ Đại tướng là ký ức ông không bao giờ quên.
Kể câu chuyện của mình, ông Khoa cho biết bản thân sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 1978, sau khi tốt nghiệp trường Trung học Thủy lợi 1 Trung ương, ông Khoa lên đường nhập ngũ. Ông tham gia huấn luyện tại Tiểu đoàn 32, Trung đoàn 542, Quân khu 3 (Ninh Bình). Sau đó, được cử đi đào tạo lái xe tại Trường lái Quân khu 3 (ở Côn Sơn, Chí Linh, Hải Dương).
Tháng 5/1979, ông Khoa về công tác tại Đại đội 3, Cục quản lý Giáo dục Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng. Đến tháng 7/1979, ông được giao nhiệm vụ lái xe phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại số nhà 30 Hoàng Diệu, Hà Nội.
Nhớ về ngày được nhận nhiệm vụ là lái xe phục vụ Đại tướng, ông Khoa kể: "Tôi nhớ mãi cái ngày đầu tiên được đại đội trưởng gọi lên, giao nhiệm vụ lái xe phục vụ nhà 30 Hoàng Diệu. Lúc đó còn trẻ, tôi cũng không biết số nhà 30 là nơi ở của Đại tướng. Khi đến nơi mới vỡ òa, vừa mừng vì vinh dự được phục vụ Đại tướng nhưng cũng vừa hồi hộp và run.
Một lúc sau thì tôi được Đại tướng cho gọi lên gặp mặt, khi biết tôi là người Lệ Ninh, Bình Trị Thiên, Đại tướng tươi cười nói chúng ta là đồng hương, rồi dặn dò tôi là cố gắng làm việc thật tốt".
Ông Khoa cho biết thêm, bản thân ông cảm nhận được cảm giác rất gần gũi của một vị Đại tướng là khi "anh Văn" nói với ông Khoa đừng gọi ông là thủ trưởng, mà hãy gọi là anh xưng em, như thế cho dễ nghe, dễ làm việc. Vậy là, suốt 10 năm (từ 1979-1989), ông Khoa được Tướng Giáp xem như người thân, gắn bó với bao kỷ niệm.
Kể về 10 năm được phục vụ Đại tướng, ông Khoa thấy đó là điều vô cùng may mắn mà ông được làm. Trong thời gian ấy, ông Khoa thấy "anh Văn" luôn luôn gần gũi với mọi người, không có sự phân biệt, không có khoảng cách. Ông Khoa chưa bao giờ thấy Đại tướng mắng giận hay quát nạt một ai, nếu có thiếu sót gì thì ân cần nhắc nhở, chỉ bảo nhẹ nhàng.
Dẫu lo lắng và bận rộn nhiều công việc của đất nước, nhưng Đại tướng không bao giờ để những người xung quanh mình thiệt thòi. Với anh em phục vụ, Đại tướng còn quan tâm đến việc ăn uống nghỉ ngơi như thế nào, dặn dò nhà bếp, nấu thêm thức ăn bồi dưỡng cho anh em phục vụ.
Sau 10 năm gắn bó phục vụ Đại tướng, 1989, do hoàn cảnh gia đình, bố tuổi già, đau yếu, con thơ, ông Khoa đã xin phép Đại tướng được chuyển về quê công tác. Ông Khoa tâm sự rằng, ngày chuẩn bị rời Hà Nội, Đại tướng đã gặp ông và dặn rằng, hãy xem nhà Đại tướng là gia đình thứ hai, khi nào có dịp ra Hà Nội công tác thì cứ tự nhiên vào nhà, không phải báo cáo. Vì vậy, mỗi lần có công chuyện ra Hà Nội, ông Khoa đều dành thời gian đến thăm gia đình Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu.
Giờ đây, Đại tướng đi xa, thế nhưng hình bóng, những câu chuyện và ký ức về Đại tướng vẫn sẽ mãi ở trong tim của cựu binh Nguyễn Duy Khoa. Thỉnh thoảng ông lại lật lại từng bức ảnh chụp chung cùng Đại tướng, những kỷ vật rồi rưng rưng xúc động.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Giành giật từng giây hồi sinh sự sống ở Trung tâm Hồi sức COVID-19 Bình Dương.