Xem ra đối với công dân khuyết tật Philippe Croizon (sinh năm 1968 ở Chatterault, Pháp) không có việc gì là không thể. Cho dù đã mất cả 2 tay và 2 chân, song anh vẫn kiên cường tham gia bộ môn thể thao nhảy dù, bơi vượt eo biển Manche (nối cực Bắc nước Pháp với Vương quốc Anh, dài 34km). Bước vào năm 2017, Croizon thực hiện giấc mơ tiếp theo - tham gia cuộc đua xe đường trường xuyên sa mạc, khắc nghiệt nhất hành tinh Dakar 2017.
Tai họa điện giật
Tháng 3/1994, chưa đầy 26 tuổi, cuộc đời Croizon gần như sụp đổ hoàn toàn. Trong lúc tự mình loay hoay trên mái nhà lắp đặt cần ăng-ten thu sóng truyền hình vệ tinh, anh không may vướng tay vào đường cao thế điện áp 20.000V. Bất ngờ bị điện giật, Croizon ngã xuống đất. Mãi hơn 10 phút sau nạn nhân mới may mắn được hàng xóm phát hiện. Croizon lập tức được đưa đến bệnh viện tỉnh Vienne, tại đó các bác sĩ quyết định lần lượt phải tháo bỏ tứ chi: trước tiên là cánh tay trái, đoạn từ trên cổ tay, sau đó tay phải tại cùng vị trí. Tiếp theo tháo bỏ chân phải, từ trên đầu gối. Thoạt đầu các bác sĩ dự đoán có thể cứu chân trái, nhưng cuối cùng cũng phải cắt bỏ vì tình trạng hoại tử nghiêm trọng.
Đang khỏe mạnh, lành lặn, trở thành người tàn tật, với gánh nặng vợ mang bầu và con nhỏ, Croizon thoắt rơi xuống vực thẳm thất vọng. Nhưng rồi sau thời gian chữa trị, xuất viện trở về nhà, cuộc sống ấm áp trong vòng tay người thân cùng bà con láng giềng giàu lòng nhân ái đã khiến Croizon dần cảm thấy cuộc đời thật đáng yêu.
Đến một ngày anh tình cờ xem chương trình phóng sự trên truyền hình về nữ vận động viên bơi lội vượt eo biển Manche. Sự kiện, như Croizon khẳng định, đã tạo bước ngoặt trong cuộc đời anh. “Nó đã găm lại thời gian dài trong trí nhớ của tôi. Cuối cùng tôi đã hạ quyết tâm, mình phải thử sức” - Croizon thuật lại trong bài trả lời phỏng vấn nhật báo Le Telegramme, năm 2009.
Philippe Croizon vượt qua mọi rào cản khuyết tật trong chiếc xe đua của mình.
Vượt eo biển Manche và 4 eo biển nối các châu lục thế giới
Nói là làm, con người thiếu tứ chi, nhưng thừa nghị lực bắt đầu tập luyện 6 giờ/ngày trong bể bơi. Đến khi đã thành thạo, Croizon làm quen với nước biển tại vịnh Biscay (miền Tây nước Pháp). Để chinh phục sóng biển, vận động viên không chuyên thiếu tứ chi buộc phải sử dụng bộ chân tay giả bằng vật liệu carbon-titan. Sau 2 năm kiên trì, liên tục tập luyện, Croizon quyết định thực hiện kỳ tích như nữ vận động viên anh tình cờ chứng kiến trên màn ảnh nhỏ, tháng 7/2007. Ngày 18/9/2010, với sự chứng kiến và động viên nhiệt tình của hàng nghìn người sở tại yêu thể thao, Croizon đã một mình bơi qua eo biển Manche (dài 34km) với thời gian hơn 13 giờ.
Chinh phục eo biển Manche mới là khởi đầu những ý tưởng táo bạo của người khuyết tật nổi tiếng nước Pháp. Dự án tiếp theo của Croizon là bơi qua 4 eo biển kết nối các châu lục thế giới. Anh bắt đầu từ quy ước giữa châu Á và Australia. Croizon coi hòn đảo New Gwinea như giới hạn của châu Á. Bởi một phần của New Gwinea thuộc vùng biển Indonesia, phần còn lại thuộc nhà nước Papua New Gwinea. Croizon đã bơi 20km dọc bờ biển. Sau đó người hùng vượt biển Đỏ 10km từ Ai Cập đến Jordan (châu Phi - châu Á), chinh phục eo biển Gibraltar (14km; châu Âu - châu Phi) và cuối cùng là eo biển ngắn nhất, nhưng nguy hiểm nhất. Chinh phục eo biển Bering, Croizon muốn gắn Bắc Mỹ với châu Á. Cho dù khoảng cách chỉ xấp xỉ 4km, song nhiệt độ nước biển lạnh khoảng 4oC. “Cá kình” không chuyên buộc phải tập luyện cả tháng tại hồ nước trên đỉnh núi cao, để làm quen với điều kiện giá lạnh khắc nghiệt. Và Croizon đã vượt eo biển Bering suôn sẻ. Gộp lại, với nghị lực phi thường của bản thân, trong thời gian 3 tháng (từ tháng 5 đến tháng 8/2012), anh đã chinh phục 4 eo biển thế giới.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa thử thách tiếp theo đã không tùy thuộc vào ý chí của người khuyết tật nổi tiếng người Pháp. Lần này Croizon khao khát chinh phục cuộc đua Dakar 2017, tức đường đua xuyên sa mạc khó nhất thế giới. “Một buổi sáng, vợ tôi phát hiện, đã lâu anh ngồi nhà. Chẳng lẽ, Croizon đã cạn ý tưởng? Không hiểu sao, tôi đã trả lời vợ: Anh sẽ vượt Dakar!”.
Tiếc rằng khí thế phấn chấn sau khi gửi thư yêu cầu tham dự cuộc so tài của Croizon nhanh chóng bị giội gáo nước lạnh. “Tôi biết cậu và rất rõ những gì cậu đã thực hiện trong những cuộc vượt biển. Song, cậu không thể cùng chúng tôi tham dự cuộc đua Dakar” - lời từ chối của ông Etienne Lavigne, Giám đốc giải đua Dakar 2017, qua đường e-mail đã làm Croizon bạc nhược và mất ngủ nhiều đêm.
Quyết chí vượt sa mạc
Tuy nhiên Croizon vẫn không nhụt bản lĩnh “cứng đầu”. Thoạt tiên anh tìm cách tiếp cận trực tiếp với sếp Lavigne. Cuối cùng nguyện vọng cháy bỏng của anh đã được chấp nhận với điều kiện: Croizon phải làm tất cả để đảm bảo an toàn cho chính mình. Tay đua xe thể thao đường trường nổi tiếng Pháp và thế giới Yves Tartarin, VĐV đã 17 lần tham gia đường đua Dakar tự nguyện nhận giúp Croizon thỏa mãn giấc mơ. Anh có thời gian 17 tháng để chuẩn bị cho chiến dịch Dakar 2017. Về tài chính, tay đua thiếu tứ chi lần đầu tham gia cuộc so tài phải gom đủ khoảng 700 nghìn euro. “Đó là yêu cầu cực khó, nhất là trong hoàn cảnh tôi không hề có tiền tiết kiệm. Dứt khoát phải tìm nhà tài trợ” - nhật báo Le Figaro dẫn lời người trong cuộc.
Xe hơi chuyên dụng dành cho người điều khiển thiếu tứ chi là thách đố tiếp theo. “Cũng may, công nghệ hiện nay dễ dàng giải quyết hiệu quả không ít vấn đề kỹ thuật theo ý muốn. Nhờ tài trợ và tài năng của đội ngũ kỹ sư của một hãng xe, tôi đã có chiếc xe thích hợp” - Croizon phấn khởi bộc lộ với phóng viên tờ Le Parisien.
Ngoài việc thiết kế chế tạo xe hơi đặc biệt, trong đó có nhiều cải tiến, như thiết bị joystick (cần gạt điều khiển) thay thế vô lăng truyền thống, tay đua xe đường trường tương lai 49 tuổi còn phải chuẩn bị về tâm lý và thể lực. Croizon phải học những phương pháp phản xạ được các phi công máy bay tiêm kích sử dụng. “Để tối thiểu, tôi có thể kiểm soát tinh thần của bản thân. Tôi vẫn không biết, cơ thể mình sẽ phản ứng thế nào ở những cung đường nằm trên địa bàn cao trên 3.500m so với mực nước biển. Tôi cũng rất sợ cái nóng oi bức của sa mạc” - tay đua nghiệp dư chia sẻ trên tờ Le Figaro.
Trên trang Facebook của mình Croizon đã viết: “Tương tự như các lần trước, lần này 99% bạn quan tâm cũng cho rằng, Croizon không thể vượt qua thách đố”.
Trước tiên Croizon phải xuất phát trong những đường đua nhỏ hơn, trong đó có cuộc đua vòng quanh Maroco. Tại đường đua “trình làng” anh đã nhận được lời khen của chính Naszer Al-Attiyaha, tay đua từng 2 lần giành chiến thắng cuộc đua Dakar. Ý chí phi thường vượt qua mọi rào cản của tay đua người Pháp thiếu tứ chi này đã để lại ấn tượng mạnh với nhà vô địch xứ Catalan (Tây Ban Nha) đến mức, anh đã tặng 100 nghìn euro còn thiếu, để Croizon tham gia cuộc đua ở Nam Mỹ, trước giải Dakar 2017.
Cho dù không giành chiến thắng chung cuộc, sự tham gia đến cùng Dakar 2017 của Philippe Croizon đã trở thành sự kiện độc nhất vô nhị của giải thi đấu này. Lần đầu tiên trong lịch sử 38 năm giải đua xe đường trường khắc nghiệt nhất hành tinh ghi nhận sự hiện diện của VĐV nghiệp dư thiếu cả tứ chi, nhưng thừa nghị lực và ý chí vượt lên mọi rào cản.