Người con nuôi của trung đoàn quả cảm

15-02-2017 13:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Chiến tranh luôn đồng nghĩa với chết chóc, hy sinh... Lịch sử cũng đã ghi khắc những tội ác tày trời mà quân viễn chinh gây nên ở lòng chảo Điện Biên Phủ năm nào...

Chiến tranh luôn đồng nghĩa với chết chóc, hy sinh... Lịch sử cũng đã ghi khắc những tội ác tày trời mà quân viễn chinh gây nên ở lòng chảo Điện Biên Phủ năm nào; có trận, bom napan do thực dân Pháp điên cuồng dội xuống đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 thường dân... Song, dường như những điều kỳ diệu, lạ lùng, tưởng như khó tin nhất đều có thể xảy ra trong thời chiến! Vụ bom napan thảm sát ấy, các anh lính Cụ Hồ của Trung đoàn Bế Văn Đàn đã cứu sống một bé gái đang trong cơn khát sữa nhất sinh thập tử. Hơn 60 năm đã trôi qua, hễ nhắc đến chuyện xưa là “đứa bé năm nào” lại khóc, khóc vì tình thương yêu của bộ đội Cụ Hồ; khóc, vì sẵn sàng đối diện và trân trọng tất cả niềm vui lẫn nỗi đau mà có lẽ số phận đã an bài...Đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm (đứng giữa) gặp lại “Em bé Mường Pồn” Lò Thị Phơi (thứ 4 từ phải sang).

Đại tá – họa sĩ Phạm Thanh Tâm (đứng giữa) gặp lại “Em bé Mường Pồn” Lò Thị Phơi (thứ 4 từ phải sang).

Sự sống nhiệm màu

Câu chuyện đẹp như cổ tích - Lò Thị Phơi là con nuôi của những anh lính Cụ Hồ xảy ra trước chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu. Khi ấy, một đại đội quân ta đang đóng giữ ở bên bờ suối cạn thuộc xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) thì bất ngờ pháo địch bắn liên tiếp vào đội hình và khắp các thôn bản xung quanh. Bản làng cháy rụi, người chết la liệt. Một anh bộ đội tên là Xương, người Tày, quê Lạng Sơn, thuộc Trung đoàn 316 - Bế Văn Đàn (trung đoàn mang tên anh Đàn vừa anh dũng hy sinh để tưởng nhớ người chiến sĩ quả cảm ấy) đã chạy vào bản để cứu người. Anh sững sờ khi trước mắt mình là đứa trẻ độ 2-3 tháng tuổi, cháu bị thương, đang nằm ôm bà mẹ chết trong vũng máu khô. Cơ thể người mẹ lạnh ngắt, mà đứa trẻ vẫn nhay bầu vú bê bết máu của mẹ. Anh Xương mang về trung đoàn và cùng đồng đội đặt tên đứa trẻ là Phơi - nghĩa là thứ nhặt được trong tiếng Thái. Phơi thành con nuôi của Trung đoàn Bế Văn Đàn. Đứa trẻ vẫn đang ẵm ngửa ấy đã được các anh bộ đội cụ Hồ mang theo suốt chặng đường hành quân để nuôi nấng, chăm sóc. Sữa từ quân lương của mình, các anh dành cả cho Phơi, những anh lính trẻ măng có khi còn chưa một lần cầm tay con gái bỗng thành cả một... “đàn gà trống nuôi con”.

Những ngày Phơi cùng trung đoàn hành quân ấy, người lính cầm cọ - Đại tá, họa sĩ Phạm Thanh Tâm (nguyên Giám đốc xưởng Mỹ thuật Quân đội - Tổng cục Chính trị) đã bắc giá vẽ phác họa chân dung noọng Phơi (em Phơi). Những ngày dốc toàn lực cho chiến dịch Điện Biên Phủ, lường trước bao hiểm nguy, gian khó, trung đoàn đã gửi Phơi cho gia đình ông Lò Văn Pâng và bà Lò Thị Hưa ở Mường Pồn nuôi nấng, họ là đôi vợ chồng luống tuổi hiếm muộn nên yêu Phơi chẳng khác nào con đẻ. Họa sĩ Phạm Thanh Tâm còn ghi lại những dòng nhật ký về em bé Phơi mà ông rất nặng lòng: “Lúc mới được cứu sống, tình trạng của em rất thương tâm. Không có sữa cho Phơi bú, mỗi lần Phơi đói khóc là bố mẹ nuôi chỉ biết ngồi và... khóc theo. Phơi khóc suốt 7 ngày 7 đêm liền, có lẽ vì thế mà một ổ rốn thòi ra đến 1/3 gang tay, sau này phải lấy quả trứng gà mà ấn ổ rốn lồi đó vào. Mấy ngày đầu sau thảm họa, Phơi đi ngoài ra độc một thứ gì màu đỏ sậm như... máu khô. Có người bảo, có lẽ vì lúc bom đạn ập đến, ngực mẹ em loang toàn máu, mà em thì quá đói, em tưởng máu mẹ là sữa, em đã bú máu mẹ để sống. Trên đầu em cũng đầy máu và có vết thương ung mủ ở đầu gối xước xuống cổ chân bên phải, ấn vào đó mủ chảy ra. Và cả mấy mảnh đạn cũng tòi ra. Bố mẹ nuôi phải đi xin lá rừng dịt các vết thương cho Phơi...”.Chân dung noọng Phơi qua phác họa của họa sĩ Thanh Tâm trong một lần ông trở lại Mường Pồn.

Chân dung noọng Phơi qua phác họa của họa sĩ Thanh Tâm trong một lần ông trở lại Mường Pồn.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, người lính - họa sĩ ấy đã trở lại Mường Pồn tìm Phơi và hoàn thành bức tranh nổi tiếng Em bé Mường Pồn. Nhật ký của ông ghi lại: “Ngày 11/11/1960, Mường Pồn. Một thung lũng trải dài theo con suối hai bên bờ ngợp bóng cây xanh. Bản Mường Pồn dựa lưng vào quả núi cao ở phía Tây. Chiều tới, nắng quái giải vàng dọc suối và cả những đỉnh núi cao trước mặt khiến cho rừng cam trĩu quả đang kỳ chín rộ ở Mường Pồn như vàng thêm trên cái nền màu nâu của những mái rạ cũ. Thiếu úy Xương dẫn đường vốn là người Thổ ở Lạng Sơn, anh này tốt, khỏe, hoạt bát, hiểu người Thái hơn cả người Thái bản địa...”; “Ngày 13/11/1960, ở nhà em Phơi. Hồi được đơn vị bộ đội cứu sống ở Mường Pồn, Phơi mới 2-3 tháng tuổi; năm nay Phơi 6 tuổi. Nhí nhảnh vô cùng...”; “Bảo noọng (em - tiếng Thái) đứng làm mẫu vẽ, noọng thích lắm. Được một lúc mỏi chân rồi, noọng cứ ngả vào đồng chí Xương đi cùng tôi, nhưng noọng vẫn đứng. Và suốt cả một buổi chiều noọng cũng không bỏ đi chơi, chỉ quanh quẩn để cho họa sĩ vẽ. Thấy họa sĩ đánh rơi bút xuống gầm sàn là noọng chạy xuống nhặt ngay...”.

“Trải qua khổ ải để mà sống tốt”

Họa sĩ Phạm Thanh Tâm cũng là người nặng lòng với Mường Pồn, với noọng Phơi nhất. Họa sĩ Thanh Tâm khi nhắc lại chuyện noọng Phơi với chúng tôi tại nhà riêng của ông ở TP. Hồ Chí Minh, ông cười xa xót: “Ngày trước Phơi quấn tôi lắm, cứ thấy tiếng tôi là chạy lại bá vai bá cổ. Vừa rồi gặp lại, thì noọng Phơi đã thành một bà già...”. Ông xa xót cũng phải thôi, bởi noọng Phơi giờ đây đã là mế Phơi với đàn con cháu khó nghèo. Bi thương hơn, số phận đã khiến bà có một cuộc hôn nhân và một gia đình quá ư trắc trở... Bố mẹ nuôi mất, Phơi lấy chồng, sinh một đàn 7 đứa con. Chồng mế Phơi từng làm trưởng bản, tham gia dân quân xã, Nhà nước trang bị cho cả súng AK để bảo vệ Mường Pồn. Đến lúc bình bầu công điểm, hai nhóm nghi ngờ nhau biển thủ, trong trận rượu, hai bên cãi nhau. Ông chồng mế Phơi nóng máu cầm súng bắn chỉ thiên mấy phát, dọa “xử bắn” hết bọn bố láo; đến lúc kiểm tra, thanh tra thì ông bị kỷ luật rồi bị bắt tạm giam ở ngoài tỉnh. Nghe nói tòa xử, nghe nói chồng chịu án 7 năm tù dưới Thanh Xuân (Hà Nội) nhưng bà Phơi và 7 đứa con cũng chả ai xuống được lần nào. Ông ấy trở về, bất mãn, rồi nghiện ma túy suốt 10 năm trời trước khi tự vẫn.Bên vỏ quả bom treo trước cổng, mế Phơi bảo: “Mế treo nó ở đây để suốt đời mế, con cháu mế cũng không quên được. Phải biết mình đã trải qua khổ ải thế nào để mà sống tốt…”.

Bên vỏ quả bom treo trước cổng, mế Phơi bảo: “Mế treo nó ở đây để suốt đời mế, con cháu mế cũng không quên được. Phải biết mình đã trải qua khổ ải thế nào để mà sống tốt…”.

Dung - con gái bà Phơi cũng nghiện. Cô con gái nữa thì bỏ sang Trung Quốc làm nghề... không ai muốn nói. Một người con trai tên là Thông thì bị què chân từ nhỏ. Cảnh nhà tan nát, chồng con bê tha rượu chè, ma túy, bán hết đồ đạc. Rồi ông chồng quẫn trí phát điên, ông quay trở về vác dao chém cả vợ con. Hôm ấy dựng lại căn nhà sàn, ông chồng mế Phơi cãi nhau, chửi tục đòi đánh chết đứa con trai. Ông chém nó 3 nhát, ra bệnh viện, “truyền mất 6 đơn vị máu của Nhà nước, anh con nhà bác hiến cho 3 đơn vị máu nữa thì mình mới sống sót” - anh này kể lại. Mế Phơi khóc kể tiếp: “Chém con xong, ông ấy bỏ vào rừng sống như người mất hồn. Công an, biên phòng, dân quân cùng truy bắt. 3 giờ sáng ông trở về, xin lỗi mọi người và bảo rằng đang ân hận lắm, ông muốn vào thăm con trai. Vào viện, lập tức ông vác hòn đá lớn đập vỡ mặt con trai, đập vỡ đầu mế. Hòn đá ấy, sau này là tang vật vụ án, công an đem lên bàn cân, nó nặng 2kg cơ mà”. Rồi ông chồng bỏ vào rừng, xé quần áo bện làm dây, treo cổ tự tử. 3 ngày sau người ta mới tìm thấy thi thể ông, lúc ấy ông còn thoi thóp thở, đưa đến trạm y tế xã thì chết. Khi khâm liệm, mế Phơi đem hết giấy tờ, bằng khen giấy khen công trạng trong bao năm làm cán bộ xã, làm trưởng bản của ông bỏ vào quan tài; như thế muốn chấm dứt quãng đời chồng chất đau khổ bên ông chồng đòn roi đấm đá mình suốt cả một đời ấy...

Mế Phơi năm nay đã ngoài 60, mế vẫn hàng ngày cày cấy, đốc thúc đàn con chăm chỉ làm ăn. Các con mế có đứa chưa bao giờ được đi học, nhưng dựng vợ gả chồng rồi cũng có của ăn của để, đứa nghiện biết khóc xin lỗi mẹ và tự đi cai. Đàn cháu nội ngoại xinh xẻo cùng lớn lên với những gốc cam trĩu quả trong vườn. Trước nhà mế Phơi, bao năm qua, xã treo một quả bom khổng lồ để làm kẻng. Có lẽ là định mệnh, mế - đứa trẻ sơ sinh chìm vào cuộc thảm sát bởi súng ống đạn dược, bố mẹ chết thảm cùng rất nhiều người khác chết thảm; rồi mế được cứu sống bởi bộ đội, làm con nuôi của cả trung đoàn; rồi cả đời mế, nửa thế kỷ qua sống với sự góp mặt của vỏ quả bom treo trước cổng nhà. Mế bảo, tiếng kẻng vang lên mỗi ngày, nó nhắc mế về nỗi buồn, nhưng cũng gọi mế đến với niềm vui và lòng biết ơn vô hạn. Bên vỏ quả bom trước hiên nhà, mế cười bảo: “Nó là chiến tranh, đời mế bước ra từ cuộc chiến ấy, mế treo nó ở đây để suốt đời mế, con cháu mế cũng không quên được. Phải biết mình đã trải qua khổ ải thế nào để mà sống tốt...”.


Bài và ảnh: Minh Tâm
Ý kiến của bạn