Người con đi xa của làng Sar Luk

06-02-2016 14:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Một ngày đầu năm 1990, tôi đến làng Sar Luk, chuyến đi ngoài dự kiến trong lần công tác ấy. Con đường kết hợp kinh tế - quốc phòng do Sư đoàn 470 mở chạy qua núi Chư Yang Sin cao 2.406 mét, phía Nam tỉnh Ðăk Lăk.

Một ngày đầu năm 1990, tôi đến làng Sar Luk, chuyến đi ngoài dự kiến trong lần công tác ấy. Con đường kết hợp kinh tế - quốc phòng do Sư đoàn 470 mở chạy qua núi Chư Yang Sin cao 2.406 mét, phía Nam tỉnh Ðăk Lăk. Hôm đó vào đầu giờ chiều. Thượng úy Nam, một kỹ sư cầu đường trẻ của Sư 470 đứng giữa đường đất đỏ au vừa được xe máy san ủi, bảo tôi: “Chính chỗ này, 41 năm trước, đã có một phát hiện dân tộc học chấn động thế giới, tìm thấy bộ đàn đá 3.000 năm tuổi!”. Tôi cứ nghĩ anh nói cho vui. Nhưng anh nhìn thẳng vào mắt tôi, như muốn hỏi lại: Nhà báo không tin ư? Muốn biết thì đến làng Sar Luk cách đây 10 cây số.

Làng Sar Luk vài chục mái nhà tranh soi bóng xuống dòng sông Krông Nô hùng vĩ. Mái nhà Mnông Gar ở đây thật độc đáo, chỗ cửa ra vào uốn cong như tổ tò vò. Anh Nam giới thiệu tôi với Y Oăn Rơ Tun. Ông trạc 50 tuổi, rắn rỏi, nước da đồng hun. Ông có may mắn 41 năm về trước đã chứng kiến việc tìm thấy bộ đàn đá. Ông kể: “Lúc đó mình mới 9 tuổi thôi, theo các anh chị mở con đường qua làng Nduk Liêng Krak mà lúc nãy anh và Nam đến đó. Đang san một mô đất lớn, bất ngờ lưỡi cuốc bị khựng lại. Bới ra, thấy toàn các thanh đá dẹt màu xám. Được cả thảy 11 thanh, ngắn nửa mét; dài hơn 1 mét; dày từ 4 đến 6 phân. Ai cũng nghĩ vật thiêng của người Chàm, nên gọi là “Mau Prun”, tức Đá Chàm. Sáng hôm sau, Yoo Condo được tin, đến liền.

Condominas (bên trái) và nhà văn Nguyên Ngọc (năm 2007).

Đúng một năm trước ngày tìm thấy Đá Chàm, vào đầu năm 1948, Yoo Condo về làng mình. Hôm đó có một ông Tây cao lớn, đeo balô bự sau lưng, đi giày da cao cổ. Ông đội mũ dạ rộng vành, mặc bộ âu phục cũ màu vàng nhạt. Ông cười rất lành khi đứng trước cửa nhà mình và nói với mẹ mình bằng tiếng Mnông Gar trọ trẹ: “Tôi người Pháp, tên là George Condominas, muốn ở lại đây”. Mẹ mình gật đầu, đưa ông đến nhà già làng. Về sau mới biết, trong ông có dòng máu Việt, cha Pháp, mẹ Việt, thời nhỏ sống ở Việt Nam, rồi về Paris theo học ngành dân tộc học. Từ hôm đó ông ở  lại hẳn, đi rẫy, bắt cá, uống rượu cần, dự các lễ hội và mẹ mình còn dạy thêm cho tiếng Mông Gar. Ông thành dân làng Sar Luk. Mọi người gọi tên ông Yoo Condo, có thêm “Yoo”, tức là đã coi ông như người nhà. Đến giờ mình vẫn nhớ rõ buổi sáng ấy ở Nduk Liêng Krak. Yoo Condo ào đến như một cơn gió, quỳ gối bên các thanh đá, sờ và ngắm nghía hồi lâu. Ông bảo dựng từng thanh lên, lấy cái búa nhỏ trong túi gõ nhẹ, phát ra những tiếng lạ tai, trong và vang. Rồi ông nói chuyện với già làng, dân làng, xin phép được đóng các thanh đá vào hòm cẩn thận, gửi về Pháp để tìm hiểu xem là cái gì, dùng làm việc gì...”.

Nhiều năm trôi qua. Bỗng hôm nay tôi được nghe nhắc đến “George Condominas”. Chả là, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, trên đường Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội khai mạc cuộc trưng bày “Chúng tôi ăn rừng; George Condominas ở Sar Luk”. Tôi đến ngay. Phải chen mãi mới được gần ông. Đúng như tôi hình dung qua lời kể của Y Oăn Rơ Tun ngày ấy, ông mặc bộ âu phục vải mềm đã tàng, ánh mắt hiền từ. Giờ ông đã ngót 90 tuổi, lưng hơi còng. Đứng cạnh là người bạn lâu năm, cũng có tình yêu Tây Nguyên cháy bỏng như ông - nhà văn Nguyên Ngọc. Ông cao lớn, còn nhà văn thì thấp đậm, mọi người dự cuộc trưng bày đều biết, đây mới là một “cặp đôi hoàn hảo”. Ông giám đốc bảo tàng nói lời khai mạc: “George Condominas, nhà dân tộc học lớn không chỉ của nước Pháp mà của cả thế giới. Cuộc đời, sự nghiệp hơn nửa thế kỷ cống hiến của ông đã nói lên điều đó. Các tác phẩm như: Chúng tôi ăn rừng; Cái xa lạ là cái hằng ngày; Không gian xã hội vùng Đông Nam Á... được đánh giá, đã khuấy động lý thuyết về dân tộc học, xếp vào hàng sách kinh điển. Đặc biệt, ông là người đầu tiên phát hiện bộ đàn đá Tây Nguyên 3.000 năm tuổi, loại nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người”.

Chơi đàn đá.

Đến lượt nhà văn Nguyên Ngọc. Ông nói rằng, rất may bộ đàn đá G.Condominas phát hiện vào mùa xuân năm 1949, không phải là duy nhất, sau ngày nước nhà thống nhất còn tìm thấy nhiều bộ đàn đá nữa ở Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Đồng Nai, Sông Bé. Qua các nghiên cứu công phu, người ta nhận ra cấu trúc chính của tất cả bộ đàn đá đều dựa trên nhóm cơ bản gồm 3 thanh, hoặc tiếp nối giữa các nhóm tạo thành những bộ 6 thanh, 9 thanh (Như vậy bộ đàn đá tìm thấy ở Nduk Liêng Krak bị thiếu mất 1 thanh). Và cấu trúc này hoàn toàn phù hợp với cấu trúc phổ biến của những dàn chinh chiêng Tây Nguyên. Khởi nguyên nhạc đá, chuyển sang nhạc đồng của cồng chiêng, mà vẫn giữ được cái hồn người thuần phác, phóng khoáng. Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, trở thành của quý của toàn nhân loại.

Nhà dân tộc học đã dành cả cuộc đời cho văn hóa Tây Nguyên, người con của làng Sar Luk bên bờ Krông Nô phát biểu. Ông kể lại những kỷ niệm, những ấn tượng không thể nào quên với mảnh đất, con người nơi ông đã có những năm tháng đẹp nhất của đời mình...

Bên ngoài khu trưng bày trồng những cây đào phai, nụ hoa trên cành đều nhất loạt nở bừng. Xuân đang về. Khi Yoo Condo vừa dứt lời, một cô gái xinh xắn trong trang phục Tây Nguyên, rẽ mọi người bước lên, trao ông bó hoa tươi thắm và nói: “Bác là người Mnông Gar của dân tộc cháu. Dân làng cháu mong đón bác về lại” Nhà dân tộc học có phần bất ngờ. Ánh mắt xúc động, ông cúi xuống nhận hoa, hôn nhẹ vào trán cô gái trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của những người đang vây quanh.


Nhà văn Phạm Quang Đẩu
Ý kiến của bạn