Hà Nội

Người con của làng phong

09-08-2014 06:46 | Văn hóa – Giải trí
google news

Người làng phong vậy đấy em, dường như đến đứa trẻ non nớt cũng đã mang chút mặc cảm về thân phận mình

Khoa Lão khoa, Bệnh viện Phong Quy Hòa là nơi mà gần 100 người bệnh không bao giờ xuất viện và sẽ gắn bó với nơi đây cho đến hơi thở cuối cùng. Họ được coi là những người vô gia cư dù đa phần trong số họ đều có gia đình ruột thịt. Ðối với họ, những bệnh nhân trong khoa và các bác sĩ, hộ lý mới chính là người thân, trong số đó có nữ hộ lý Nguyễn Thị Ðào.

Sinh ra từ làng phong

Con đường dẫn đến làng phong trong mắt tôi có chút lạ lùng, từ đường chính dẫn đến làng dài chừng 4km, quanh co, hai bên đường là những hàng cây xanh mướt. Thời tiết đẹp, cảnh cũng đẹp mà thấy con đường buồn da diết, chẳng có mấy người xe qua lại. Trên đường vào BV Phong Quy Hòa, chúng tôi đi qua chợ, chợ của những người phong, cảnh mua bán cũng diễn ra lặng lẽ, không có chút ầm ào, ồn ĩ đặc trưng của chợ. Bỗng dưng thấy chút ngậm ngùi...

Được BS. Nguyễn Khánh Hòa, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến bệnh viện giới thiệu về nữ hộ lý Nguyễn Thị Đào đã công tác tại Khoa Lão khoa suốt gần 30 năm qua, tôi nhờ anh đưa đến gặp chị. Có lẽ hiếm có ngôi làng nào trên thế giới này có riêng một bệnh viện như nơi đây, và ở bệnh viện ấy có muôn mảnh đời thiếu may mắn đang lặng lẽ sống. Chị Đào sinh ra và lớn lên từ ngôi làng ấy. Chúng tôi ngồi trò chuyện dưới bậc tam cấp của khoa. Con đường dẫn vào khoa sạch sẽ, cây xanh tỏa bóng mát, những giàn hoa giấy đỏ rực trong nắng chiều. Khá nhiều người trong làng phong ngồi trên xe lăn, trên ghế đá, bọn trẻ con cũng chạy nhảy quanh đấy nhưng không gian vẫn không một chút ồn ào. Từ người lớn đến trẻ con đều tỏ ý thân thiện với khách đến làng nhưng vẫn giữ một khoảng cách qua thái độ rụt rè. Như hiểu sự thắc mắc của tôi, chị Đào nhỏ nhẹ nói: Người làng phong vậy đấy em, dường như đến đứa trẻ non nớt cũng đã mang chút mặc cảm về thân phận mình dù bây giờ cộng đồng đã xóa bỏ cái nhìn kỳ thị với người bệnh phong, đã nhiều sẻ chia đến với làng phong hơn...

Chị Đào với bệnh nhân phong.

Cha mẹ đẻ và cha mẹ chồng chị đều là bệnh nhân phong, chồng chị cũng là người con của làng phong. Anh chị cùng lớn lên trong ngôi làng đặc biệt, nên càng yêu thương, gắn bó và đồng cảm, chia sẻ với nhau. Hiện anh làm công tác hành chính tại BV Phong, con trai lớn của anh chị tốt nghiệp trung cấp y, làm điều dưỡng trong BV, con gái nhỏ năm nay vào lớp 9. Kể về gia đình nhỏ của mình, ánh mắt chị ngập tràn hạnh phúc. Những người sống ở làng phong sống chan hòa và yêu thương nhau hết mực. Những ngôi nhà làng phong là chốn yên bình cho bao thế hệ, ở đó có những tiếng cười nói của con trẻ, có ánh nhìn trìu mến và nụ cười rạng rỡ của người chồng, người vợ. Chị bảo hạnh phúc này dù đơn sơ nhưng vô cùng quý giá, là cả một sự khát khao, mong chờ mà gần 100 bệnh nhân của Khoa Lão khoa, BV Phong không bao giờ chạm tay tới được. Vì lẽ ấy, chị càng thêm thương cảm với họ, hết lòng chăm sóc họ như người thân, như họ hàng ruột thịt...

Hiện nay, Khoa Lão khoa có 91 bệnh nhân từ khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, có những cụ đã sống ở đây mấy chục năm, nhiều bệnh nhân phong được gia đình đưa đến cổng bệnh viện bỏ họ lại và không quay trở lại chăm nom, thăm hỏi nữa và tất cả những bệnh nhân ở Khoa Lão khoa trở thành người vô gia cư. Khoa đã trở thành nhà của họ, các hộ lý thay nhau chăm sóc, tắm rửa, vệ sinh, nấu ăn cho các cụ, tiêu chuẩn ăn được trợ cấp là 200.000 đồng/tháng, nghĩa là hơn 6.000 đồng cho 3 bữa ăn/ngày bao gồm cả chi phí chất đốt... Theo chân chị Đào xuống khu bếp mới được tu sửa từ nguồn đóng góp của các nhà hảo tâm, tôi lặng đi khi tận mắt nhìn thấy rổ rau to để nấu canh cho 91 con người được nấu thêm với chừng 1,5 lạng thịt sốt cà chua, 91 suất ăn chỉ có cơm trắng và canh cải, hơn 1 lạng thịt băm nhỏ cho vào nồi canh mà 91 người sẽ ăn. Chị bảo đấy là hôm nay nồi canh có thêm chút thịt chứ bình thường không có đâu em. Khu bếp gọn gàng, từng bàn ăn, dụng cụ bát đũa cho người bệnh cũng được rửa sạch sẽ, úp ngay ngắn trên bàn. Trong câu chuyện giữa chị em tôi, chị nói rất ít về mình nhưng lại nói, lại kể rất nhiều về những bệnh nhân mà hằng ngày chị và các đồng nghiệp tận tình chăm sóc.

Chỗ dựa của người bệnh phong

“Chị ơi, ở những bệnh viện khác, các bác sĩ, điều dưỡng thường được nhận những lời cảm ơn từ bệnh nhân và người nhà. Còn ở đây, các chị cứ lặng lẽ chăm lo sức khỏe, bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh thay cho người thân của họ, các chị thương họ lắm phải không?”. Không trả lời ngay câu hỏi của tôi, đôi mắt chị ầng ậc nước rồi nghẹn ngào. Chị bảo, suốt 46 năm qua, chị lớn lên và sinh sống ở làng phong này, trong số những bệnh nhân ấy có người đã biết chị từ tấm bé, đối với chị, họ cũng là người thân rồi. Năm 17 tuổi, cô gái trẻ Nguyễn Thị Đào xin vào làm hộ lý tại Khoa Lão khoa, BV Phong Quy Hòa. Một phần là cần có công việc để sinh sống, phần khác là nỗi xót xa cho những người bệnh ở đây đã khiến chị gắn bó công việc này suốt gần 30 năm qua. Mặc dù với đồng lương ít ỏi, hơn 3 triệu đồng/tháng nhưng chị và các đồng nghiệp khác vẫn tận tụy với người bệnh. Tuy là nơi lưu trú của gần 100 bệnh nhân nhưng vệ sinh cảnh quan, phòng bệnh của khoa rất sạch sẽ. Sàn nhà, giường chiếu được vệ sinh thường xuyên. Để có một môi trường tốt nhất cho bệnh nhân, chị Đào và các chị hộ lý trong khoa rất vất vả. Đa phần họ không thể tự chăm sóc mình, có những người đã cụt cả chân, tay, đi lại bằng xe lăn. Có cụ nằm liệt giường, tất cả mọi sinh hoạt đều trông chờ vào các chị. Chị Đào và đồng nghiệp đã trở thành đôi mắt, đôi tay và đôi chân của những người bệnh đáng thương ấy.

Những bệnh nhân phong cao tuổi của BV Phong Quy Hòa.

Cùng chị đi đến một căn phòng cuối dãy, vừa thấy bóng chị, một cụ đã cụt cả chân tay đang ngồi trên giường đã kêu đói lắm. Xung quanh chiếc giường của cụ được đóng thêm thanh gỗ dài chắn ngang, chị bảo không làm thế các cụ có thể ngã bất cứ lúc nào. Cụ cất giọng méo mó kêu khát nước, chị vội rót ca nước bưng lên cho cụ uống, uống hết nước, cụ lại kêu đói, chị mở tủ lấy hộp sữa cho cụ uống. Uống hết hộp sữa, cụ kêu ngứa, đôi tay chị lại nhẹ nhàng xoa lưng, gãi tay cho cụ. Với bệnh nhân nào, chị cũng nhẹ nhàng, ân cần chăm sóc như thế mà không một chút than phiền vì chị nghĩ cha mẹ chị lúc còn sống may mắn có con cái chăm sóc, chứ những người bệnh bị bỏ rơi biết trông cậy vào ai. Chị kể, có mấy bệnh nhân cao tuổi bệnh nặng hơn, chỉ nằm một chỗ, mọi nhu cầu cá nhân, ăn uống, tắm rửa đều do các chị đảm nhiệm, nhưng mấy ngày nay do bệnh trở nặng, các cụ đã được đưa ra điều trị nội trú trong bệnh viện. Khoa Lão khoa có thể hiểu là khu nhà chung của các bệnh nhân phong cao tuổi vô gia cư, các cụ bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú, khi nào bệnh nặng thì các chị phải đưa họ ra bệnh viện. Đối với người bệnh ở đây, chị và đồng nghiệp không chỉ có trách nhiệm chăm sóc mà còn là chỗ dựa tâm tình với người bệnh. Hàng trăm hoàn cảnh, hàng trăm số phận mà định mệnh run rủi họ đến đây, ở lại đây gần như phải trông chờ vào đôi tay của chị Đào và các y bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý. Và chị Đào cùng đồng nghiệp đã chăm sóc, nâng đỡ những mảnh đời thiếu may mắn ấy. Bệnh viện trong làng, làng trong bệnh viện, cứ thế những con người thiếu may mắn ấy dựa vào nhau làm thành một đại gia đình và tất cả họ lại dựa vào những bác sĩ, y tá, hộ lý như chị Đào để sống hết cuộc đời này.

Chị nói, chị không có mong ước gì nhiều, chỉ mong ước các con chị trưởng thành, mong xã hội thực sự không còn chút kỳ thị với bệnh phong, với người làng phong để ngôi làng nhỏ bé với những con người hiền lành, bình dị hòa với cuộc sống sôi động ngoài kia. Còn chị sẽ tiếp tục gắn bó với công việc này bởi chăm sóc người bệnh phong đã trở thành một trách nhiệm lớn lao với những ràng buộc vô hình từ trái tim chị. Câu thơ xưa của Hàn Mặc Tử “Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Ai biết tình ai có đậm đà...” đã có lời đáp, làng phong thơ mộng, bé nhỏ nằm xa khuất giờ bừng lên khao khát một sức sống mãnh liệt nhờ những trái tim chan chứa tình yêu thương như chị Đào và những người thầy thuốc của BV Phong Quy Hòa!

Bài và ảnh: Vân Trang


Ý kiến của bạn