Người có thẻ BHYT hết hạn cần làm gì để được đảm bảo quyền lợi khi khám chữa bệnh?

05-12-2017 08:57 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đại diện của BHXH Việt Nam đã đưa ra lưu ý về tình trạng bệnh nhân khám, chữa bệnh thẻ BHYT không được Quỹ BHYT tiếp tục chi trả, do thẻ BHYT hết hạn sử dụng.

 

Ông Lê Văn Phúc - Phó Trưởng ban Phụ trách Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) của BHXH Việt Nam cho hay, người có thẻ BHYT hết hạn khi đang khám chữa bệnh không nhiều, tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người lao động đã hết hợp đồng lao động hoặc cơ quan chậm đóng BHYT và rơi vào thời điểm chuyển giao giữa các năm.

Trên thực tế, nhiều người đã chấm dứt hợp đồng lao động và không tiếp tục tham gia BHYT, hay doanh nghiệp trốn đóng BHYT cho người lao động. Ngoài ra, nhóm đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình có thể không theo năm tài chính nên khi hết hạn thì quên hoặc không tham gia tiếp. 

Trong khi đó, về góc độ pháp lý, nguyên tắc của BHYT là có đóng, có hưởng. Khoản 4, Điều 16 Luật BHYT quy định, thẻ BHYT không còn giá trị sử dụng khi hết hạn. Quyền lợi của người có thẻ BHYT được bảo đảm khi họ còn tham gia BHYT. Điều đó có nghĩa, khi hết hạn thì người tham gia BHYT sẽ hết quyền lợi.

Trước câu hỏi về việc BHXH Việt Nam từng chấp nhận duy trì quyền lợi BHYT của người hết hạn thẻ BHYT, khi đang điều trị, ông Lê Văn Phúc nói: “Theo Điều khoản chuyển tiếp tại Nghị định 105/2014/NĐ-CP và Công văn 5276/BHXH-CSYT, việc duy trì quyền lợi BHYT chỉ áp dụng cho trường hợp thẻ BHYT hết hạn sử dụng vào cuối năm tài chính, do nguyên nhân khách quan nên chưa thể cấp kịp thẻ mới”.

Những trường hợp này như hộ gia đình nghèo hoặc cận nghèo, cần được ngành lao động thương binh xã hội lập danh sách và chuyển sang cơ quan BHXH để cấp, vì lý do chậm lập danh sách hoặc đã cấp thẻ BHYT nhưng chưa chuyển kịp đến người sử dụng nên cần có thời gian chuyển tiếp.

Khi gần hết hạn thẻ BHYT, người lao động cần tiếp tục mua ngay thẻ BHYT để được đảm bảo quyền lợi

Vậy làm sao để đối tượng có thẻ BHYT hết hạn được đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh theo thẻ BHYT? Ông Lê Văn Phúc khuyến cáo, với nhóm đối tượng hộ gia đình khi gần hết hạn thẻ BHYT, cần tiếp tục mua ngay thẻ BHYT, giá trị sử dụng thẻ sẽ nối tiếp với thẻ cũ và quyền lợi BHYT của họ được liên thông. Với người lao động đóng BHYT, họ cần đề nghị ngay với cơ quan của mình xem đã mua tiếp BHYT hay chưa? Nếu đã tham gia rồi nhưng chưa đến thời hạn được nhận thẻ BHYT thì yêu cầu cơ quan BHXH xác nhận đã gia BHYT để để đảm bảo quyền lợi BHYT.

“Trừ trường hợp người tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu thì thẻ BHYT mới có giá trị sau 30 ngày; còn lại, với các đối tượng đã và đang tham gia BHYT thì khi tham gia BHYT sẽ được hưởng quyền lợi ngay. Đối với các nhóm đối tượng phải lập danh sách chuyển cơ quan BHXH mới được cấp thẻ thì quyền lợi được bảo đảm đến hết đợt điều trị”- ông Lê Văn Phúc nói

Đối với các nhóm đối tượng phải lập danh sách chuyển cơ quan BHXH mới được cấp thẻ (như người nghèo, bảo trợ xã hội, người có công, người sống ở xã đảo, huyện đảo…) thì vẫn được đảm bảo quyền lợi đến hết đợt điều trị.

Khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào tờ khai và nộp tiền cho đại lý mà không cần các giấy tờ chứng minh.

Trong thời gian vừa qua, tại nhiều địa phương triển khai chương trình bán thẻ BHYT cho hộ gia đình. Tuy nhiên, khi các hộ gia đình tới đại lý mua thẻ BHYT thường được yêu cầu xuất trình chứng minh thư cùng bản sao thẻ BHYT của các thành viên khác trong gia đình (đã mua tại nơi khác như trường học, cơ quan) gây phiền hà cho người dân.

Trả lời điều này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, căn cứ các quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014, hướng dẫn tại Điểm 1.1 Khoản 1 Điều 25 và Khoản 3 Điều 31 quy định quản lý thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2014 của BHXH Việt Nam thì từ ngày 1/7/2017, khi tham gia BHYT theo hộ gia đình, người tham gia chỉ cần điền đầy đủ thông tin vào tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS), nộp tiền đóng BHYT cho Đại lý thu hoặc cơ quan BHXH mà không phải cung cấp thêm bất cứ giấy tờ nào khác.


Thái Bình
Ý kiến của bạn