Hà Nội

Người có thẻ BHYT được chi trả khi điều trị COVID-19

20-11-2023 06:17 |
google news

SKĐS - Từ ngày 20/10/2023, bệnh COVID-19 được chuyển từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang bệnh truyền nhiễm nhóm B theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Sự thay đổi này có ảnh hưởng gì tới việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam hay không?

Tại Việt Nam, số ca mắc và tỉ lệ tử vong giảm mạnh, tương đương hoặc thấp hơn tỉ lệ tử vong của một số bệnh truyền nhiễm nhóm B trong 5 năm gần đây như: Sốt xuất huyết, sốt rét, bạch hầu, ho gà... Đồng thời Việt Nam đã định rõ tác nhân gây bệnh COVID-19 là virus SARS-CoV-2. Vì những lý do này nên Việt Nam xác định, bệnh COVID-19 hiện nay đáp ứng các tiêu chí thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B.

COVID-19 thuộc nhóm B đã giảm cấp độ dịch bệnh so với trước. Nếu trước đây COVID-19 thuộc bệnh nhóm A là bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm, lây lan nhanh và có tỷ lệ tử vong cao, thì nay khi chuyển sang nhóm B, COVID-19 chỉ còn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan và có tỷ lệ tử vong, ở đây mức độ đã khác nhau nhiều. Về việc cách ly, nhóm B sẽ tùy trường hợp. Ở cấp độ dịch thuộc nhóm B, người bệnh khi điều trị phải trả phí, nhưng phí này đã do BHYT chi trả.

Người có thẻ BHYT được chi trả khi điều trị COVID-19- Ảnh 1.

Người có thẻ BHYT khi khám chữa bệnh COVID-19 sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định.

Khi chuyển COVID-19 từ nhóm A sang B người dân sẽ không được miễn phí điều trị. Người có thẻ BHYT sẽ được quỹ BHYT chi trả theo quy định, với mức đồng chi trả từ 0% đến 20%.

Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Hiện nay, hầu hết các chi phí khám điều trị COVID-19 đều đã được BHYT thanh toán. Nên người dân không nên lo ngại về vấn đề này".

Trong công tác điều trị, dù bệnh COVID-19 ở nhóm A hay nhóm B phương pháp điều trị bệnh vẫn không thay đổi. Chủ yếu bác sĩ điều trị bệnh COVID-19 dựa trên diễn biến lâm sàng của bệnh nhân. "Khi có những phát minh mới về thuốc hay các biện pháp điều trị mới, hội đồng chuyên môn sẽ cập nhật, xem xét để đưa vào điều trị COVID-19, đảm bảo hiệu quả điều trị cao nhất cho bệnh nhân", TS Nguyễn Trọng Khoa nói.

Người có thẻ BHYT được chi trả khi điều trị COVID-19- Ảnh 2.

Bác sĩ điều trị bệnh COVID-19 dựa trên diễn biến lâm sàng của bệnh nhân.

Một số lưu ý đối với bệnh nhân COVID-19:

Đối với ca bệnh COVID-19 xác định: 

- Thu dung, quản lý điều trị; phòng chống lây nhiễm trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Bộ Y tế.

- Người mắc COVID-19 điều trị ngoại trú cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm như sau:

  • Người mắc COVID-19 phải đeo khẩu trang. Khuyến khích tự cách ly tại nơi lưu trú ít nhất 5 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên hoặc từ khi có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 dương tính và nên đeo khẩu trang hết ngày thứ 10 để tránh lây nhiễm cho người khác. Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên khử khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
  • Người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người bệnh phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh; hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
  • Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, các thiết bị cầm tay, bồn cầu, bồn rửa... hàng ngày và khi dây bẩn.
  •  Giữ thông thoáng, vệ sinh nơi lưu trú.

- Trường hợp người mắc COVID-19 tử vong: Xử lý thi hài theo Thông tư số 21/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về vệ sinh trong mai táng, hỏa táng.

Theo Quyết định số 3985/QĐ-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2023 của Bộ Y tế về Hướng dẫn Giám sát và phòng chống bệnh COVID-19, một người được xác định mắc COVID-19 và là ca bệnh xác định trong số các trường hợp sau:

a) Là người có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 bằng phương pháp phát hiện vật liệu di truyền của vi rút (Realtime RT-PCR).

b) Là ca bệnh nghi ngờ và có kết quả xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.


Trần Hải
Ý kiến của bạn