Người có “hai cuộc đời”

08-05-2020 04:32 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi tuổi trên 70, cũng khó tránh những bệnh lặt vặt thường gặp, nhưng dịch giả - TS. Lê Đăng Hoan có bí quyết là “quên nó đi”.

Ông giữ thói quen tập thể dục đều đặn từ khi còn là sinh viên cho đến nay. Thói quen tốt này cho ông sức khỏe ổn định. Bên cạnh đó, việc dịch văn học và giao lưu tích cực với bạn thơ Hàn Quốc là phương thuốc tinh thần trẻ mãi của ông.

Trong thời gian tổ chức sự kiện ngoại giao văn học giữa Việt Nam-Hàn Quốc, tôi có cơ hội làm việc với dịch giả - TS. Lê Đăng Hoan. Lúc đầu thì ngạc nhiên về sức làm việc như thanh niên của ông, sau đó tôi nghiễm nhiên coi ông là một thanh niên và cứ thế “nã” việc. Đến khi ông thốt lên câu “Em ơi, anh trên 70 tuổi rồi em ạ!” thì tôi mới giật mình. Một lần nữa thán phục sức trẻ trai trong công việc của ông. Và ông hình như đã biết “nhân đôi chính mình”.

Dịch giả Lê Đăng Hoan.

Dịch giả Lê Đăng Hoan.

TS. Lê Đăng Hoan vốn là tiến sĩ ngành luyện kim, nhưng ông thích thơ và văn học từ lúc còn học phổ thông. Năm 1996, cơ duyên đã đến, ông được Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội mời làm giảng viên thỉnh giảng tiếng Hàn cho sinh viên Khoa Đông Phương học, Bộ môn Hàn Quốc học. Năm 2002, ông được trường cử đi nghiên cứu về “Hàn Quốc học” theo lời mời của Quỹ giao lưu Quốc tế Hàn Quốc (Korean Foundation). Trong thời gian đó, ông bắt đầu nghiên cứu và có kế hoạch dịch văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt. Ông được các giáo sư ở Hàn Quốc giúp đỡ (GS. Kim Ki-tae - nhà Việt Nam học đầu tiên ở Hàn Quốc và GS. Park Hee-pyung - giáo sư văn học cổ điển, người đã dịch nhiều tác phẩm văn học cổ Việt Nam sang tiếng Hàn, Trường đại học Yon-se). Ông lên kế hoạch cùng GS. Kim Ki-tae dịch tập thơ Hoa Chin-tal-le của nhà thơ nổi tiếng Kim so-wol. Tập thơ được NXB Văn học phát hành vào năm 2004, được Trường ĐH Khoa học nhân văn Hà Nội tổ chức giới thiệu như là một sự kiện hợp tác văn học giữa Hàn Quốc và Khoa Đông Phương học của trường.

Đó là một khởi đầu thật hạnh phúc của ông với văn học Hàn Quốc và ông cũng bắt đầu cuộc đời văn học - cuộc đời thứ hai của mình đầy vui thú, sáng tạo. Đến nay, Lê Đăng Hoan đã dịch được 7 tập thơ và 2 tiểu thuyết văn học Hàn Quốc sang tiếng Việt.

Ở “cuộc đời thứ hai” này, việc dịch tác phẩm văn học và viết sách giáo khoa đã trao ông nhiều ân huệ. Đó là được tiếp xúc với những nhà thơ, văn và các nhà giáo dục nổi tiếng của Hàn Quốc cũng như có điều kiện tham gia các sự kiện văn học lớn ở Hàn Quốc, dần đã nâng cao kiến thức văn học cho ông. Qua trao đổi dịch thuật, TS. Lê Đăng Hoan đã trở thành người bạn thân thiết đặc biệt với nhà thơ Ko-Un. Nhà thơ, nhà văn hoá Ko-Un là một người đã ảnh hưởng nhiều nhất đến ông về tư duy văn học và nhìn nhận cuộc sống. Đó là sự kết hợp giữa văn học và đời sống, là sự khiêm nhường, say mê tận tụy, trung thực trong sáng tác và đối nhân xử thế giữa con người với con người, dù ở bất cứ cương vị nào, có công lao đóng góp cho xã hội lớn đến đâu.

Dịch giả Lê Đăng Hoan (bên trái) thăm nhà thơ Ko-Un tại Hàn Quốc.

Dịch giả Lê Đăng Hoan (bên trái) thăm nhà thơ Ko-Un tại Hàn Quốc.

Có một điều thú vị, đó là dịch thuật văn học đến với ông một cách tự nhiên, khi ông thích và thấy cần làm việc này, bắt tay làm và đã làm được, từ đó nảy sinh tình yêu với dịch văn học. Bằng tất cả năng lực của mình, ông tập trung cao độ làm tròn trách nhiệm của mình và dịch văn học đã giúp ông có sự bình yên, thấy mình vẫn có ích cho mọi người khi tuổi không còn trẻ. Không coi đó là công việc kiếm sống nên ông dịch văn học với tư tưởng thoải mái (có tác phẩm ông dịch hoàn toàn không cần kinh phí) nhưng việc làm của ông lại được các cơ quan văn học Hàn Quốc rất quan tâm nên cũng giúp đỡ để ông yên tâm hơn với công việc của mình. Năm 2020, ông chuẩn bị tài liệu cho cuộc giao lưu thơ giữa Hội Nhà văn Việt Nam và Hiệp hội nhà thơ hiện đại Hàn Quốc. Ông cũng đang dịch tập thơ Từ ba giờ đến năm giờ chiều của nhà thơ hiện đại Hàn Quốc Do-Jong-hwan.

Khi tuổi trên 70, cũng khó tránh những bệnh lặt vặt nhưng TS. Lê Đăng Hoan có bí quyết là “quên nó đi”. Ông giữ thói quen tập thể dục đều đặn từ khi còn sinh viên cho đến nay. Thói quen tốt này cho ông sức khỏe ổn định.

Trong thời gian thế giới chiến đấu với đại dịch Covid-19, TS. Lê Đăng Hoan khá tâm đắc với những lời bài hát:

“Dù phú quý vinh hoa

Dù sông vàng núi bạc

Nếu đau yếu bệnh tật

Chỉ bánh vẽ mà thôi”

“Dù vợ yêu vợ đẹp

Nếu đau yếu bệnh tật

Cũng vô dụng mà thôi

Sức khỏe là trên hết”

(Một đoạn trong bài hát Sức khỏe là trên hết của nhạc sĩ Hàn Quốc vừa sáng tác trong dịp Covid-19).

Ông cho rằng, căn bệnh đáng lo nhất trong xã hội hiện đại là sự vô cảm, suy giảm đạo đức. Không chỉ thơ ca mà văn học nói chung là lĩnh vực có khả năng khơi dậy cảm xúc trái tim con người, văn học giúp con người sống nhân văn hơn.


Kiều Bích Hậu
Ý kiến của bạn