Hà Nội

Người có duyên với những ca bệnh hiếm

14-01-2021 22:03 | Y tế
google news

SKĐS - Năm 2013, ông là bác sĩ người Việt Nam đầu tiên và là một trong 4 nhà khoa học châu Á cho đến nay được nhận giải thưởng danh giá dành cho các nhà khoa học xuất sắc trên thế giới - được ví như giải Nobel y học của Đức. Như một cơ duyên, các ca bệnh khó, chưa từng được ghi nhận trong lịch sử y văn trên thế giới cứ đến với ông. Ông là GS.TSKH.TTND. Nguyễn Thế Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (BVTƯQĐ 108).

Từ ca bệnh đầu tiên trên thế giới

Năm 2001, Viện Chấn thương chỉnh hình (CTCH) thuộc BVTƯQĐ 108 đã sử dụng vạt vi phẫu chủ động với cuống tĩnh mạch đơn độc được động mạch hoá điều trị thành công một khuyết hổng rất lớn và phức tạp cho bệnh nhân (BN) Trần Văn Lâm (Hải Phòng). BN Lâm bị tai nạn từ năm 7 tuổi, cẳng chân trái bị teo nhỏ, biến dạng, sẹo xấu lan rộng từ các chấn thương phẫu thuật trước đó, toàn bộ các cấu trúc phần mềm ở mặt sau cẳng chân như da, cơ, gân, mạch máu và thần kinh của Lâm đã hầu như không còn. Tổn thương phức tạp đã làm biến dạng hoàn toàn xương khớp ở vùng cổ chân và bàn chân. Gia đình đã đưa Lâm đi khắp các bệnh viện lớn trong cả nước để chữa chạy nhưng đều không thành công. 10 năm sau, Lâm đến BV 108 như là một hy vọng cuối cùng…

Kết quả sau gần 3 năm kiên trì ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhất trên thế giới, các bác sĩ của Viện CTCH thuộc BVTƯQĐ 108 đã trả lại đôi chân lành lặn, giúp Lâm thoát khỏi cuộc sống gắn liền với cây nạng suốt 12 năm. Tết này là tròn 19 năm, gia đình được đón Tết hân hoan, hạnh phúc vì Lâm đã có đôi chân khỏe mạnh, lấy vợ, sinh con và đang là trụ cột chính của gia đình nhỏ.

GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng trong phòng mổ của BVTWQĐ 108

GS.Nguyễn Thế Hoàng cho biết, Trần Đức Lâm là BN đầu tiên trên thế giới được điều trị thành công theo phương pháp này. Đây cũng là ca bệnh gợi ý cho ông phát triển những đề tài và cách thức điều trị mới trong lâm sàng dựa trên ý tưởng khoa học về lĩnh vực "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo ra các tổ chức sống mới tự thân".

Đến giải thưởng danh giá cho công trình khoa học

Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo ra các tổ chức sống mới tự thân của GS.Nguyễn Thế Hoàng là một kỹ thuật hết sức phức tạp và cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa nhiều chuyên ngành khác nhau. Theo GS.Hoàng, người ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dựa trên nguyên lý của phương pháp này, giấc mơ của người thầy thuốc và của BN trong việc tạo ra các bộ phận thay thế trên cơ thể con người bằng chính tổ chức tự thân như: tạo ra tai, mũi, một đoạn xương, đoạn khớp, hay thậm chí là cả một quả tim, quả thận, một đoạn ruột, một cánh tay, hay một bàn tay, bàn chân… sẽ có thể trở thành hiện thực trong một tương lai không xa.

Giải thưởng Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do GS-TSKH Helmut Schwarz, Chủ tịch quỹ Alexander von Humboldt trao tặng.

Có thể hiểu một cách nôm na về toàn bộ ý tưởng và giá trị của công trình khoa học này như sau: Khi sử dụng nguyên lý của phương pháp này, người ta có thể chủ động tạo ra được các cơ quan, tổ chức sống mới từ chính các tế bào tự thân của chính cơ thể mình. Giả dụ nếu BN bị mất một bộ phận nào đó trên cơ thể có hình dáng không gian ba chiều, thì người ta có thể nuôi cấy và nhân giống các tế bào tương ứng trong ống nghiệm rồi dịch chuyển chúng vào các khuôn vật liệu sinh học thích hợp để tạo ra các cấu trúc sống mới nhân tạo có hình dáng giống như bộ phận đã bị mất với các đặc tính sinh học theo mong muốn. Tiếp đó, các cấu trúc này được tân tạo tuần hoàn qua việc chủ động cấy một cuống mạch dạng trục vào đó. Sau khi quá trình tân tạo tuần hoàn trong vạt phức hợp đã đầy đủ, vạt tổ chức sống mới nhân tạo này có thể được dịch chuyển tự do ứng dụng kỹ thuật vi phẫu để phục hồi lại một cách hoàn hảo các cấu trúc đã bị mất hoặc bị tổn thương trước đó.

Đánh giá về khả năng ứng dụng công trình khoa học này trong tương lai, GS.TSKH. Schwarz, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Đức cùng Hội đồng chọn lựa đã nhất trí đánh giá rằng: Đề tài nghiên cứu này cho phép mở ra những tiềm năng ứng dụng tương lai rất lớn trong điều trị lâm sàng mà đặc biệt là trong lĩnh vực y học tái sinh.

GS.TSKH E. Biemer, nguyên Chủ tịch Hội Vi phẫu thuật và phẫu thuật tạo hình của CHLB Đức, cũng  cho rằng: “Vi tuần hoàn và nuôi cấy tế bào chính là tương lai của y học hiện đại, mà đặc biệt là đối với chuyên ngành ngoại khoa và lĩnh vực ghép tạng”.

Vì thế, công trình khoa học đầu tiên trên thế giới "Tân tạo tuần hoàn và nuôi cấy tế bào để tạo các tổ chức sống mới có cấu trúc không gian ba chiều" của GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng đã nhận được Giải thưởng khoa học cao quý Friedrich Wilhelm Bessel-Forschungspreis do quỹ học bổng danh giá Alexander von Humboldt (CHLB Đức) trao tặng và được trực tiếp vinh danh bởi Tổng thống Đức Joachim Gauck năm 2013.

Và những ca phẫu thuật kỳ tích đi vào lịch sử

Tháng 7.2008, GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng là 1 trong 5 phẫu thuật viên chính tham gia thực hiện ca mổ có một không hai trên thế giới tại Bệnh viện Ngoại khoa Rechts der Isar ở Munich (CHLB Đức). Ca mổ đã thu hút sự quan tâm, theo dõi rộng rãi của các phương tiện truyền thông đại chúng quốc tế. Đó là ca phẫu thuật ghép hai cánh tay đồng loại đầu tiên trên thế giới cho một công dân Đức bị mất cả hai cánh tay trong một tai nạn lao động. Ca phẫu thuật thành công đó đã cứu cả cuộc đời bệnh nhân bởi sau khi cấy ghép cả 2 cánh tay, BN người Đức vẫn có thể tiếp tục làm được công việc lái xe gặt đập của mình.

Sau thành công của ca mổ mà cả thế giới biết đến đó, ông trở về Việt Nam, mang theo một ấp ủ: Giúp những bệnh nhân người Việt Nam không may bị cụt chân/tay tìm lại được sự toàn vẹn của cơ thể và sự vận động lành lặn của chi thể thông qua phép màu ghép tạng.

Hàng chục năm qua, mặc dù BVTƯQĐ 108 đã thực hiện hàng ngàn ca trồng lại chi thể đứt rời tự thân, ghép chi thể thực sự vẫn là một thách thức chưa thể vượt qua do quá nhiều rào cản, đặc biệt là nguồn từ người hiến.

Tháng 1/2020, cơ hội ghép chi thể lần đầu tiên mới đến với các thầy thuốc của BVTWQĐ 108. Đó là trường hợp BN Phạm Văn Vương, 31 tuổi (Thanh Trì - Hà Nội). Tai nạn năm 2016 do máy đột dập đã khiến anh mất đi toàn bộ 1/3 dưới cẳng tay và bàn tay trái. Sau 3 năm chờ đợi, BN đã được ghép lại phần cẳng tay và bàn tay bị mất đi đó. Đây là ca ghép chi thể đầu tiên ở Đông Nam Á được thực hiện thành công và cũng là ca ghép chi thể đầu tiên trên thế giới lấy từ người cho sống theo nghĩa: Sử dụng phần thừa còn nguyên lành của một đoạn chi thể đã bị dập nát, bắt buộc phải cắt cụt để ghép vào phần chi thể tương ứng bị cụt của BN.

Tiếp đó, ca ghép chi thể thứ hai tại bệnh viện được thực hiện vào tháng 9/2020 từ một người cho chết não. Người được ghép là một bệnh nhân nam, 18 tuổi bị cụt cả 2 cẳng tay sau một tai nạn do hỏa khí từ 3 năm trước. Đến nay, cả 2 BN được ghép chi đều đã có thể vận động được chi ghép và sử dụng tương đối tốt trong một số hoạt động hàng ngày. Ước mơ có lại đôi tay để lao động, giúp đỡ gia đình, nuôi vợ con của BN Vương, cũng như giấc mơ được trở lại trường học của chàng trai 18 tuổi đang trở thành hiện thực.

Và ca ghép tay này đã lọt vào trong top 5 kỷ lục ngành y Việt Nam năm 2020.

Nói về những ca phẫu thuật đi vào lịch sử y văn, không thể không nhắc đến trường hợp BN Nguyễn Mạnh Hùng, 28 tuổi (Nam Định). Ca phẫu thuật này đã “lột xác”, biến Hùng từ “hoàng tử ếch” thành một chàng trai khỏe mạnh và cả một tương lai tươi sáng đã đến bên em cùng gia đình.

Có biệt danh là “hoàng tử ếch”, vì từ khi sinh ra Hùng đã phải mang trên mình đôi chân biến dạng. Hùng càng lớn thì sự biến dạng càng nặng, đôi chân phát triển ngoằn ngoèo như rễ cây. Hùng phải dùng đôi tay để di chuyển nên chỉ có một khát khao được đứng thẳng trên chính đôi chân của mình. Nhưng tất cả các bệnh viện từ Nam ra Bắc mà Hùng được bố mẹ đưa đến khám, thậm chí là đoàn chuyên gia phẫu thuật chỉnh hình của Mỹ trong chuyến thăm khám và chữa bệnh từ thiện tại Nam Định, tiếp nhận ca bệnh của Hùng cũng khẳng định không có phương pháp nào có thể chữa được cho đôi chân ấy.

Hình ảnh đôi chân BN Hùng trước phẫu thuật

Thế rồi, một tai nạn gãy chân lại là cơ duyên đưa Hùng đến với GS.TSKH Nguyễn Thế Hoàng. Dường như các ca bệnh phức tạp luôn có cách để đến với người bác sĩ tài ba này. GS. Hoàng đã hết sức kinh ngạc khi tiếp nhận ca bệnh, bởi suốt 30 năm làm nghề, ông chưa từng gặp một ca bệnh nào dị dạng kỳ lạ và phức tạp như vậy. Muốn cứu được đôi chân, phải trải qua nhiều lần phẫu thuật cực khó, thậm chí nếu chỉnh thẳng được thành công, thì hai chân cũng chênh lệch nhau tới 20cm. Để giải quyết “bài toán” hóc búa này chỉ có thể dựa vào kinh nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế. Và khó khăn mà GS.Hoàng phải tiếp tục đối diện, đó là ca bệnh tương tự chưa hề được ghi nhận trong y văn thế giới.

Nhưng với niềm đam mê khoa học, dám đối diện với rủi ro, vượt qua những áp lực tâm lý và được sự ủng hộ của Ban giám đốc BVTƯQĐ 108, GS.Hoàng cùng các bác sĩ Viện CTCH đã quyết tâm tiến hành chữa trị, biến ước mơ của chàng trai trẻ trở thành sự thật.

Sau 8 tháng điều trị và trải qua 3 lần phẫu thuật, hai chân của bệnh nhân không những thẳng như bình thường mà còn hoàn toàn bằng nhau. Đến nay, sau 2 năm điều trị, Hùng đã có thể đi lại và chạy nhảy được trên chính đôi chân của mình.

Sau 8 tháng và 3 lần phẫu thuật, Hùng đã có đôi  chân thẳng như mơ ước

Khi con trai có “đôi chân mới” khỏe mạnh, ông Nguyễn Văn Sinh - bố của Hùng, đã đầu tư một cửa hàng sửa chữa đồ điện cho con trai - một nghề mà Hùng rất giỏi. Cửa hàng của Hùng rất đông khách, em còn mở lớp đào tạo cho những ai muốn học nghề. Một cuộc sống đã thay đổi hoàn toàn như trong mơ - một giấc mơ tưởng như không bao giờ có thể trở thành hiện thực.

Không có lần đầu, sẽ không có lần sau

Hoạt động nghề nghiệp, nhất là ngành y luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Chuyên ngành ngoại khoa lại tiềm tàng quá nhiều thách thức, không ai có thể dám chắc chắn rằng các ca mổ mà mình thực hiện sẽ luôn thành công. Chỉ cần một ca mổ diễn biến không như mong đợi thì dư luận xã hội có thể dìm chết cả tương lai, sự nghiệp, uy tín và danh dự của bác sĩ. Nhưng nếu không ai dám đương đầu với khó khăn thì y văn thế giới sẽ không thể ghi thêm được những ca bệnh phức tạp được điều trị thành công, để thế hệ sau có thể tham khảo, học hỏi và có thêm kinh nghiệm. Không có lần đầu thì sẽ không bao giờ có lần sau.- GS.TSKH.Nguyễn Thế Hoàng chia sẻ.


Thu Hà
Ý kiến của bạn