Bệnh tăng huyết áp
Ở người bệnh tăng huyết áp nếu không thực hiện ăn uống bệnh lý thì việc điều trị sử dụng thuốc hạ huyết áp cũng kém hiệu quả. Chế độ ăn đảm bảo cung cấp đủ năng lượng, các vitamin và khoáng chất, ăn ít natri, giàu kali, calci, magie, giàu các chất chống oxy hóa, giàu chất xơ, lợi niệu, giảm acid béo bão hòa và tổng lượng chất béo, giảm chất kích thích...
Tổng năng lượng trong ngày 30-35 Kcal/kg cân nặng/ngày. Năng lượng từ ngũ cốc chiếm 55-67 %, từ protein 12-15% và từ lipid chiếm 15-20%.
Chất đạm khoảng 60g/ngày, dùng nhiều protein thực vật như đậu đỗ, nên ăn các loại thịt nạc, ít béo, trứng 2 quả/tuần. Bỏ thức ăn nhiều cholesterol như: Óc, lòng, tim, gan, thận. Tốt nhất là ăn các nhóm thực phẩm giàu chất xơ như gạo lứt, gạo lật, gạo lật nẩy mầm.
Chất béo khoảng 25g/ngày. Nên ăn các loại thực phẩm giàu acid béo omega-3: Cá hồi, cá thu vài bữa/tuần; dùng dầu mỡ từ cá, đậu tương, lạc vừng, dầu hướng dương; không ăn mỡ, nội tạng động vật; hạn chế ăn đường, bánh kẹo ngọt.
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả chín để tăng cường cung cấp kali, chất xơ, các vitamin và chất khoáng. Nên ăn quả chín dạng miếng/múi, không ép/xay hay vắt lấy nước để tăng cường chất xơ. Tăng sử dụng các thức ăn, thức uống có tác dụng an thần, hạ huyết áp, lợi tiểu: Canh lá vông, hạt sen, ngó sen... Theo nhu cầu của người trưởng thành cần ăn ít nhất 400 gam rau xanh và hoa quả chín/ngày, trong đó 100g hoa quả/ngày.
Thực hiện chế độ ăn nhạt dưới 5g muối/người/ngày. Không ăn thực phẩm chứa nhiều muối: Dưa cà, các món kho, rim, các loại nước mắm, mắm tôm, mắm tép, thức ăn đóng hộp... Không uống các loại đồ uống có cồn, có gas và các chất kích thích: Rượu bia, cà phê, nước chè đặc.
Không ăn thức ăn chứa nhiều muối.
Bệnh đái tháo đường
Nguyên tắc ăn uống là cung cấp đủ các chất dinh dưỡng và thích hợp nhằm duy trì trọng lượng cơ thể ở mức vừa và đủ (18,5 ≤ BMI ≤ 23). Chia bữa ăn thành nhiều bữa một cách hợp lý (bữa chính, bữa phụ) để đảm bảo nhu cầu về năng lượng và kiểm soát glucose máu, huyết áp và lipid máu phù hợp với từng cá thể.
Người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) nên chọn các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, thực hiện chế độ ăn uống để duy trì đường huyết ổn định, tránh các thức ăn làm tăng đường huyết. Vì vậy, người bệnh ĐTĐ phải hạn chế ăn nhiều, hạn chế ăn các thực phẩm chứa nhiều đường, bỏ dần thói quen ăn ngọt, món chiên rán, món xào, nghiện rượu. Nếu không thực hiện chế độ ăn bệnh lý nghiêm ngặt sẽ làm bệnh nặng hơn, gây biến chứng suy thận, tăng huyết áp, suy tim...
Người bệnh nên lựa chọn thực phẩm có hàm lượng glucid ≤ 5%, gồm các loại thịt, cá, đậu phụ với số lượng vừa phải, hầu hết các loại rau xanh và một số loại trái cây ít ngọt như: Dưa bở, mận, nho ta, nhót có thể sử dụng không hạn chế.
Hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid từ 10-20%: Nên ăn hạn chế 3-4 lần/tuần với số lượng vừa phải, gồm một số hoa quả tương đối ngọt như: Quýt, táo, vú sữa, na, hồng xiêm; các loại đậu quả: Đậu vàng, đậu Hà Lan...
Không nên ăn hoặc rất hạn chế thực phẩm có hàm lượng glucid trên 20%: Bánh ngọt, mứt, kẹo, nước ngọt và các loại trái cây ngọt nhiều: Mít khô, vải khô, nhãn khô. Riêng gạo là lương thực ăn hàng ngày thì cần khống chế số lượng từng bữa ≤ 70g/bữa chính.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)
Suy dinh dưỡng là vấn đề phổ biến ở bệnh nhân COPD. Các thiếu hụt về dinh dưỡng không chỉ làm sụt giảm khối cơ và suy giảm chức năng mà còn ảnh hưởng xấu tới mô mỡ và khối xương, khiến bệnh nhân có thể suy kiệt. Đồng thời còn ảnh hưởng tới đáp ứng miễn dịch, tăng nhiễm trùng và làm cho bệnh trở nên nặng hơn. Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân COPD bằng chế độ ăn cải thiện năng lượng và protein trong khẩu phần giúp phòng ngừa sụt cân, cải thiện chức năng cho người bệnh, trong đó có sức mạnh cơ hô hấp và cơ liên sườn.
Người bệnh nên bổ sung các thực phẩm giàu protein, chất lượng cao: Thịt lợn, bò, thịt gia cầm, trứng và cá – đặc biệt các loại cá có nhiều chất béo như cá hồi, cá thu...; thực phẩm có nhiều chất xơ, giúp cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu (đậu Hà Lan, khoai tây còn nguyên vỏ, các loại đậu...); tăng cường trái cây và rau quả tươi chứa các vitamin, khoáng chất và chất xơ thiết yếu; bổ sung các thực phẩm giàu kali (bơ, các loại rau có màu xanh lá đậm, cà chua, chuối, cam...) và nên chọn đồ ăn nhẹ và có chất béo như bơ, các loại hạt, dầu ô liu, cá béo, phô mai.
Cần thay đổi các loại thực phẩm và cách chế biến để bệnh nhân dễ ăn, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường chế độ ăn giàu chất xơ giúp kích thích nhu động ruột. Chia nhỏ bữa ăn khoảng 5 bữa/ngày, tránh ăn quá no có thể gây khó thở. Thực phẩm nên được chế biến nhừ để dễ nhai, tránh để phải gắng sức khi ăn. Khuyến khích, hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục.
Bệnh gút
Chế độ ăn có vai trò rất quan trọng trong điều trị, nó có tác dụng giúp phòng ngừa cơn gút cấp, ngăn ngừa trở thành gút mạn tính và các biến chứng khớp, thận, tim mạch...
Chế độ ăn của bệnh nhân gút nên sử dụng thức ăn ít chứa nhân purin như các sản phẩm sữa ít béo, các loại protein có nguồn gốc thực vật sẽ hạn chế tăng acid uric máu. Nên ăn các loại thực phẩm có tác dụng chống oxy hóa như quả lựu, quả mâm xôi, dâu tây, quả cherry và thực phẩm có tính kiềm.
Hạn chế thức ăn chứa nhiều acid uric như các loại hải sản, cá cơm, cá trích, cá mòi, trứng cá muối, các loại thịt đỏ (thịt bò, thịt lợn), thịt gia cầm, thịt hun khói, giăm bông, mỡ động vật; không ăn uống thực phẩm (rau quả) có vị chua vì làm tăng acid máu; không ăn phủ tạng động vật, nước luộc thịt, nước sườn, cá hộp, thịt hộp; không ăn chế phẩm có cacao, sôcola; tuyệt đối không uống rượu, bia, cà phê, chè vì nó làm giảm khả năng bài xuất axit uric qua thận hậu quả là làm tăng lactat máu; duy trì cân nặng ở mức độ hợp lý. Người thừa cân và béo phì không nên giảm cân quá nhanh mà nên giảm cân từ từ; tăng cường đào thải axit uric qua thận bằng uống nhiều nước.
Tăng cường sử dụng sữa và các sản phẩm của sữa ít béo, rau xanh và quả chín có tác dụng chống oxy hóa, ngũ cốc (gạo lứt, ngô, khoai...); giảm lượng đạm trong khẩu phần: tổng lượng thịt hoặc cá... khoảng 150 gam/ngày; nên ăn đa dạng các loại thực phẩm để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết; uống đủ nước: 2 - 2,5 lít/ngày, nên uống nước khoáng, nước rau.
Bệnh suy thận
Người bệnh suy thận nên hạn chế: Thực phẩm có nhiều muối (ăn nhạt nếu có phù, mỗi ngày chỉ nên dùng khoảng 2 thìa nhỏ nước mắm, tối đa dưới 5gmuối/ngày); thực phẩm chế biến sẵn giò, chả, patê, xúc xích, thịt hộp, cá hộp; thực phẩm có nhiều cholesterol như phủ tạng động vật, tôm, lươn; thực phẩm nhiều mỡ, các món ăn xào rán, quay; thực phẩm giàu kali (cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, lạc, hạt điều, dẻ, socola); thực phẩm giàu phốt-pho (pho-mat, lòng đỏ trứng, thịt thú rừng, đậu đỗ...).
Thức ăn được khuyến khích: Chất bột (khoai lang, khoai sọ, miến dong), gạo, mì tối đa 250g/ngày; thực phẩm giàu đạm động vật, ít mỡ, ít cholesterol như sữa tách béo, cá nạc, thịt nạc...; sử dụng dầu đậu nành, dầu cải, dầu lạc, dầu vừng thay thế mỡ động vật; thực phẩm giàu calci (cá nhỏ, sữa tách béo), giàu vitamin C, caroten, vitamin E, selenium có nhiều trong rau xanh, đu đủ, cà rốt, giá đỗ...
Uống đủ nước, khoảng 2 lít-2,5 lít/ngày. Hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu...).
Không ăn mặn và các loại thực phẩm có nhiều muối như giò, chả, xúc xích, thịt cá hộp... Hạn chế các loại thực phẩm, đồ uống có nhiều gas. Không nên uống nước trước hoặc trong bữa ăn.