- tiếng thét găm vào những bước chân rầm rập của những người dân tộc Ja Rai từ gần 10 năm trước vẫn còn làm ông Đinh Minh Nhật (ở thôn 1, xã Ia H’Lốp, huyện Chưa Sê, tỉnh Gia Lai) giật thót mỗi khi nhớ đến. Cũng từ đó, bao sự sống được ông giành giật lại, lòng nhân ái thắp lên giữa nhọc nhằn, sương gió, đớn đau.
Chống lại hủ tục
Cuối tháng 8, đường vào xã Ia H’Lốp nắng gió rộc người. Vừa gặp khách lạ ở gần UBND xã, ông Đinh Hiu đã đoán định vào giãi bầy ngay: Vào tìm nhà thằng Nhật nuôi trẻ mồ côi à. Nó có đến 72 đứa con nuôi rồi đó. Nhà nó ở thôn một, gần ủy ban xã, ai cũng biết. Cái bụng nó tốt lắm, đã làm cho ý nghĩ của nhiều đồng bào Ja Rai mình sáng ra đấy, mình thỉnh thoảng còn đi kiếm củ sắn, trái bắp đến cho đám trẻ con nuôi của Nhật. Xưa kia dân làng mình không hiểu chuyện nên chửi oan, phạt oan nó.
Ông Nhật tận tình chăm sóc những đứa trẻ thiệt thòi.
Lời tâm sự của Đinh Hiu vừa rứt cũng là lúc bóng chiều chạng vạng, dáng ông Nhật tất tả đi như chạy từ rẫy cà phê về nhà. Một phản xạ đã lập trình sẵn, việc đầu tiên là kiểm tra bếp núc xem cơm, cháo đã được nấu chưa, có đủ cho 72 đứa trẻ ăn no không. Nhìn em H’Lúi đang vui đùa cùng các bạn của mình, ký ức ông Nhật hồi khứ về những năm tháng trước đây.
Ông kể: Vào một buổi chiều mưa rát mặt đầu năm 2008, trong lúc từ rẫy về nhà nghe tiếng trẻ con thút thít trong bọc vải, buôn người Ja Rai phía huyện Chư Prông đang hì hục đào đất và khấn vái lầm rầm. Biết đây lại là một vụ chôn con theo mẹ khi người mẹ vừa sinh con xong và không may bị bệnh gì đó mà chết, đó là hủ tục chưa được xóa bỏ của người Ja Rai (khi ấy). Không ngần ngại, ông Nhật lao ra giằng đứa trẻ lại và cúi gập người xuống cầu xin buôn làng hãy để ông nhận đứa trẻ làm con, nuôi nấng nó, nếu nó bệnh tật hay tội vạ gì ông chịu tất, nếu có đánh ông đau mức nào cũng được nhưng phải để ông nuôi đứa trẻ.
Như một sự lạ, nhiều người túa ra xem rồi bắt ông Nhật thề phải cúng một con heo to, nhiều vò rượu để tạ lỗi với Yàng (trời), nếu đứa trẻ bệnh tật liên miên nghĩa là mang xui xẻo về cho buôn làng là do ông Nhật. Mỗi năm ông Nhật phải dẫn nó về thăm buôn làng một lần để làm tin.
Có H’Lúi trong tay, đêm đầu tiên Lúi khóc như gào, ông Nhật dỗ dành đến mệt nhừ rồi ngủ thiếp đi theo Lúi. Những ngày sau đó ông Nhật chạy đua với thời gian vừa kiếm tiền nuôi Lúi vừa đôn đáo đến các buôn làng tuyên truyền cho người dân hiểu chôn con theo mẹ là hủ tục, là tội ác. Ở bất kể đâu có chuyện man rợ này là ông lao đến giành đứa trẻ về nuôi ngay. Nhiều đứa trẻ được ông đặt lại tên như em Đinh Hồng Phúc, Đinh Đức...
Trong những chuyến vượt rừng, băng suối đi vận động người dân bỏ hủ tục, ám ảnh nhất với ông Nhật đó là khoảnh khắc người dân đưa đứa trẻ lên cho thầy cúng. Lúc này chỉ cần chậm một chút thôi là tính mạng đứa trẻ gặp hiểm nguy ngay.
Thấy minh chứng rõ ràng bằng xương, bằng thịt chính là những đứa trẻ khỏe mạnh chứ không chỉ có những lời nói của ông Nhật nên từ đó, các buôn người Ja Rai ở Chư Sê và huyện Chư Prông và nhiều xã vùng sâu khác bỏ hẳn hủ tục chôn con theo mẹ. Ông Đinh Lêu, một người từng cản đường ông Nhật cảm kích: Có bữa thấy giày của Nhật rách bươm, đi cà nhắc rồi chống nạng đi hái tiêu thuê kiếm tiền cho đám trẻ được khỏe mạnh, dân Ja Rai mình hiểu dần cái bụng của Nhật. Nó đi ngược lại luật lệ của buôn là đúng vì luật lệ ấy đã thành hủ tục tàn nhẫn mất rồi.
Rộng mở yêu thương
Sinh năm 1962, được gia đình để lại cho căn nhà không lớn lắm cộng với mảnh rẫy nhỏ nhưng lận đận trong đường tình duyên nên đến nay ông Nhật vẫn đơn thân. Ý nghĩ lấy vợ của ông phải nhường chỗ cho nhiệm vụ làm cha nuôi của những đứa trẻ được cứu sống từ hủ tục, từ sự bỏ rơi.
Nở nụ cười hiền từ, ông thổ lộ: Hơn 10 năm nay không có thời gian gặp gỡ hay hẹn hò ai cả. Cũng từng có mấy người mến mình, muốn gắn bó nhưng thấy mình quần quật vì những đứa trẻ mồ côi, thiệt thòi, cơ nhỡ nên họ lại ái ngại. Ban đầu cũng dự định nuôi vài đứa thôi nhưng rồi cứ gặp cảnh bất hạnh là như có gì đó thôi thúc, không làm ngơ được, mang về nuôi, chăm bẵm.
Có những trường hợp phải vắt kiệt sức lực để lo cho đứa trẻ vượt qua bệnh tật ban đầu như trường hợp em Đinh Thái Bảo. Hơn 5 năm trước, trong lúc đang cùng hàng xóm đi dự đám tân gia bỗng nghe tiếng trẻ con phát ra từ đống rác bên vệ đường, ông Nhật liền ngược đường quay lại lục tìm và sững sờ khi thấy một đứa trẻ đỏ hỏn, tím tái, hậu môn dính chặt và còn có một chiếc u ở tai. Ngay trong đêm ông đưa đứa bé đi cấp cứu và hộc tốc đưa về TP. Hồ Chí Minh thực hiện các ca phẫu thuật, cháu bé ấy là Đinh Thái Bảo đang học mẫu giáo.
Tình thương như liều thuốc xua tan nhọc nhằn, ông Nhật làm đủ việc từ làm vườn, làm rẫy đến làm thuê những công việc phù hợp để có tiền trang trải cho những đứa con nuôi. Nhiều bạn bè dè bỉu kêu ông là gàn, kẻ ngược đời... nhưng tất cả ông xem như gió thoảng qua tai. Ông bảo: Biết tôi chăm trẻ sơ sinh bị bỏ rơi tốt nên có những người phụ nữ vì lỡ làng hay lý do nào đó mà mang đứa con vừa sinh đến bỏ trước cổng nhà tôi rồi chạy đi mất hút. Rồi những đứa trẻ mồ côi tìm đến hay có ai đó thông báo về một số phận không may nào đó bị vứt bỏ... tất cả tôi đều đưa về nuôi và thương yêu như con của mình vậy. Mà lạ lắm, những đứa trẻ thiệt thòi này có ý chí rất mạnh, nhiều đứa thông minh, lanh lợi và có tính tự lập từ bé.
Vừa cần mẫn lao động, ông Nhật còn phải tự rèn luyện và học hỏi các thao tác băng bó, sơ cứu các bệnh tật đơn giản hoặc những vết thương nhẹ để lo cho các con. Học trong sách thấy vướng chỗ nào thì đến bệnh viện học bác sĩ. 72 đứa con nuôi, đứa nào có triệu trứng gì là cho uống ngay loại thuốc phù hợp chứ từ nhà đến bệnh viện thì xa lắm. Ông Nhật bộc bạch: Khi trái gió trở trời mình không có các hiểu biết nhất định về thuốc thang thì nguy hiểm lắm. Để nhớ nhanh hơn có hôm tôi đến trạm xá xin cho xem cách tiểu phẫu. Đôi lúc thấy mình như một y sĩ đặc biệt vậy.
Có thân phận gần như nhau nên những đứa trẻ trong nhà ông Nhật luôn đùm bọc, che chở nhau.
Khát khao và trăn trở
Không trải qua môi trường sư phạm nhưng ông Đinh Minh Nhật có cách chuyển tải phương pháp học bài đến 72 đứa con nuôi của mình rất khoa học. Ông chia ra thành từng nhóm theo lứa tuổi, nhóm lớn được ông dạy đánh vần sau đó gửi vào các trường học trên địa bàn xã, huyện. Rồi nhóm lớn này lại chỉ dạy lại cho nhóm cận kề với mình. Căn nhà của ông cũng được bố trí ngăn nắp, gọn gàng, trên mỗi chiếc giường đều gắn một chiếc bàn gấp để các con nuôi ăn uống và học bài.
Điều cốt lõi nhất, ông Nhật đã thắp lên trong lòng những đứa trẻ thiệt thòi này là sự gắn bó, đùm bọc và yêu thương lẫn nhau. Ông Nhật bày tỏ: Trong 72 em thì có 67 em đồng bào dân tộc thiểu số Ja Rai, 5 em người Kinh. Em nhỏ nhất 9 tháng tuổi, lớn nhất 16 tuổi. Trong số này, có 16 em học cấp 1, 34 em cấp 2 và 7 em cấp 3. Khát khao và trăn trở lớn nhất là làm sao cho các em trưởng thành, xóa mọi mặc cảm và làm những người có ích cho xã hội.
Tình nghĩa chan hòa nên căn nhà đặc biệt của ông Nhật lúc nào cũng rộn rã tiếng cười đùa, tiếng học bài ê a. Những đứa lớn vì thương cha nuôi còn nằng nặc đòi đi theo ông làm phụ rẫy cà phê cho nhiều trang trại khác. Có nhóm thì đi giúp việc nhà kiếm thêm tiền phụ ông Nhật. Em Đinh Hem tâm sự: Em thương cha nuôi lắm. Hàng ngày cha còng lưng từ tinh mơ đến đêm khuya để nuôi nấng và dạy dỗ các em.
Ông Lê Sỹ Quý, Chủ tịch UBND xã Ia H’Lốp cảm phục: Trong số hơn 70 đứa trẻ ấy không phải đứa nào cũng lành lặn đâu, còn có nhiều đứa đau bệnh liên miên. Vậy nhưng ông Nhật chăm rất tốt. Có hôm thấy ông Nhật chỉ ăn mỳ tôm để nhường cơm cho đám trẻ. Xã thỉnh thoảng cũng vận động các mạnh thường quân xúm vào giúp đỡ các cháu. Địa phương cũng đã nghĩ đến phương án liên kết, phối hợp với các cơ quan khác để chuyển dần một số cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội vì sức khỏe ông Nhật ngày càng yếu đi. Cảm động nhất là có những đứa trẻ khi được hỏi thì bảo rằng dù có khổ mấy, có phải làm gì thì nhất định không rời xa cha nuôi của mình.