Người chữa bệnh tâm thần bằng âm nhạc và hội họa

05-10-2010 14:20 | Xã hội
google news

Nếu PGS. Nguyễn Hải Chi là người đầu tiên ở Việt Nam khởi xướng áp dụng liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần thì TS. Nguyễn Văn Thọ - GĐ Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa - Đồng Nai

Nếu PGS. Nguyễn Hải Chi là người đầu tiên ở Việt Nam  khởi xướng áp dụng liệu pháp âm nhạc  trong điều trị bệnh nhân tâm thần thì  TS. Nguyễn Văn Thọ - GĐ Bệnh  viện Tâm thần Trung ương 2 tại Biên Hòa - Đồng Nai là người đã  vận dụng và trải nghiệm vững vàng những kỹ thuật của trị liệu âm nhạc hành vi cho người bệnh tâm thần, qua đó  mang đến kết quả khả quan trong điều trị căn  bệnh này . Đó là không chỉ phục hồi các kỹ  năng  mà còn khơi dậy ở họ sức mạnh tiềm ẩn mà chính bản thân họ cũng chưa khám phá hết được và quan trọng là trả lại chất lượng sống cho những người không may bị tổn thương về tâm lý này.

Để lại bên ngoài những ồn ào, náo nhiệt của cuộc sống thường nhật, khuôn viên của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 dường như nhẹ nhàng và thanh thoát hơn, ở đây, thời gian không chạy nhanh qua, mà đi thật nhẹ nhàng. Ở đây, không có tiếng la hét, chửi mắng như lâu nay người ta vẫn nghĩ về nơi điều trị bệnh nhân tâm thần, mà chỉ có tiếng hát, tiếng nhạc du dương, thỉnh thoảng là những câu hò  đối đáp vang lên đâu đó, rồi cười, rồi nói. Dẫu những câu chuyện ấy không đầu không đuôi, dẫu mỗi bài hát còn lạc nhịp sai từ nhưng trong từng âm thanh vẫn rộn rã niềm vui.

Chúng tôi được chứng kiến một buổi trị liệu bằng âm nhạc cho bệnh nhân do đích thân TS. Nguyễn Văn Thọ hướng dẫn. Bệnh nhân đang nghe một bản nhạc nổi tiếng của Modza " Phiên chợ Ba Tư".

Theo TS. Nguyễn Văn Thọ, âm nhạc trong môi trường này không chỉ giúp người bệnh thư giãn mà qua đây  khơi dậy những tiềm thức, ký ức sâu xa trong mỗi người. Và âm nhạc thực sự đã trở nên cần thiết cho mọi người, nhất là những người đã và đang bị tổn thương về tâm lý.

 TS. Thọ dùng liệu pháp để chữa bệnh.

Từ những năm 1970-1980, việc áp dụng liệu pháp âm nhạc trong điều trị bệnh nhân tâm thần đã được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam, lúc đó TS. Nguyễn Văn Thọ là trợ lý đắc lực cho GS. Nguyễn Hải Chi trong việc triển khai liệu pháp này. Tuy nhiên, trong giai đoạn ấy, những kỹ thuật được áp dụng rất đơn giản. Mãi đến sau này, vào những năm 1999-2000, khi chính thức chuyển vào công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 Biên Hòa, cùng với năng khiếu về âm nhạc, cộng với  những kiến thức tổng hợp từ mô hình này của các nước trên thế giới và đặc biệt là với sự giúp sức của  đồng nghiệp, TS. Nguyễn Văn Thọ tiếp tục phát huy hết thế mạnh của liệu pháp này bằng nhiều kỹ thuật phong phú, đa dạng. Trong đó chia thành hai hình thức là liệu pháp âm nhạc cá nhân và liệu pháp âm nhạc tập thể.

Từ đây, bệnh nhân từng bước tham gia vào cuộc chơi âm nhạc thực sự mà mỗi một người là một nghệ sĩ với những cảm nhận rất riêng về loại hình này. Họ có thể hát múa, tham gia biểu diễn văn nghệ như những người bình thường khác. Những gì chúng tôi được chứng kiến tại đây là hình ảnh chân thật nhất về hiệu quả của liệu pháp này qua một cuộc thi trò chơi âm nhạc của những người bệnh. Đây cũng là một trong các hoạt động văn hóa văn nghệ  được Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 tổ chức thường niên.

Người bệnh được trải lòng thực sự, họ bày tỏ những mơ ước rất thực, rất đời. Họ đã thi đã hát trong sự cổ vũ của bạn bè và trong chính nỗ lực của họ. Dường như kết quả này không ngẫu nhiên mà có được. Tất cả là từ những tìm tòi, khám phá không ngừng của TS. Nguyễn Văn Thọ và các cộng sự. Điều đặc biệt ở bệnh viện này, đó là ngoài đội ngũ y, bác sĩ còn có những người, mặc dù không phải chuyên ngành y nhưng vẫn xin được vào làm ở đây, bởi họ nhìn thấy ở TS. Nguyễn Văn Thọ, mà họ vẫn gọi một cách trân trọng là thầy Thọ, một tấm gương về sự sẻ chia, vì cộng đồng.

Một ngày của TS. Nguyễn Văn Thọ dường như bắt đầu bằng âm nhạc và kết thúc bằng âm nhạc khi mỗi buổi sáng ông dành thời gian cho bệnh nhân thông qua việc tham gia cùng đồng nghiệp trong hướng dẫn điều trị bằng liệu pháp âm nhạc.  Và thời gian rảnh trong ngày tiếp tục nghiên cứu các tài liệu, các thử nghiệm mới để tiếp tục mang đến những liệu pháp tốt nhất trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần.

Một liệu pháp thứ hai, ngoài âm nhạc mà TS. Nguyễn Văn Thọ và cộng sự triển khai trong điều trị người bệnh đó là hội họa. Liệu pháp này giúp bệnh nhân có khả năng diễn tả  những cảm nhận và cảm xúc của mình. Theo TS. Nguyễn Văn Thọ, âm nhạc đã khơi gợi cho bệnh nhân nâng cao khả năng sáng tạo nghệ thuật thứ 2, tức là hội họa.  Âm nhạc cung cấp chất liệu chủ đề cho trải nghiệm nghệ thuật để bệnh nhân diễn tả cảm xúc của mình.

Những bức tranh theo nhiều trường phái hội họa do chính các bệnh nhân vẽ là minh chứng cho hiệu quả của liệu pháp này. Anh Lê Viết Tuấn là một trong những bệnh nhân điều trị lâu năm tại bệnh viện, chúng tôi thấy anh đang phác họa tác phẩm của mình. Hội họa, đã giúp anh Tuấn hồi phục và phát huy các khả năng tiềm ẩn. Anh đã vẽ, vẽ rất nhiều và mỗi tác phẩm của anh đều thể hiện những nỗi niềm, những nghĩ suy, những ước mơ, những mong muốn của anh về cuộc sống.

TS. Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: Người mắc bệnh tâm thần không phải là người mất trí hoàn toàn như cách hiểu lâu nay của nhiều người, mà thực ra họ chỉ khiếm khuyết một vài chức năng để sống hòa hợp với cộng đồng, vì thế ngoài liệu pháp âm nhac, vui chơi giải trí thì Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 còn áp dụng liệu pháp lao động để điều trị cho các bệnh nhân này, nhờ đó mà gần 1.500 bệnh nhân ở đây đang sống rất gần với cuộc sống đời thường, họ không phải là những người thừa mà tự bản thân họ, cùng với sự giúp đỡ của những thầy thuốc đang nỗ lực từng ngày để lại với cộng đồng.

TS. Nguyễn Văn Thọ cũng được nhiều người yêu nhạc biết đến với bút danh Nguyễn Thọ. Bởi hoạt động âm nhạc cũng là một trong những công việc mà ông tiến sĩ theo đuổi,  vì đây là sự hỗ trợ rất lớn cho liệu pháp điều trị bằng âm nhạc mà Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 đã và đang triển khai. Phòng làm việc của TS. Thọ ngoài các tài liệu khoa học, còn có những tuyển tập các ca khúc do chính ông sáng tác. Và điều bất ngờ thú vị và không chỉ viết lời hay mà người thầy thuốc này có giọng ca truyền cảm. Ở ông, âm nhạc là cuộc sống. Hình ảnh người thầy thuốc này ngồi hát đã rất quen thuộc với bệnh nhân và các đồng nghiệp tại bệnh viện.

Không có khoảng cách giữa người bệnh với bác sĩ điều trị, không có khoảng cách giữa hư và thực, không còn khoảng cách giữa trạng thái tỉnh và quên mà chỉ còn ở đây là sự gặp nhau của tấm lòng, của sự cảm nhận và yêu thương.

Những bằng khen, những tấm huân huy chương, những danh hiệu như thầy thuốc nhân dân, chủ tịch các hiệp hội... mỗi một danh diệu, một chức vụ đều được TS. Nguyễn Văn Thọ trân trọng và làm hết trách nhiệm. Nhưng với ông, danh hiệu mà ông thích nhất,  điều làm ông trân trọng nhất đó là sự hồi phục của bệnh nhân và sự vững vàng trong chuyên môn của các cộng sự - Những người đồng nghiệp, những học trò đã và đang cùng ông triển khai các liệu pháp điều trị bệnh nhân tâm thần.

Không chỉ dừng lại ở bệnh viện, TS. Nguyễn Văn Thọ còn phối hợp hướng dẫn liệu pháp này cho đội ngũ thầy thuốc chuyên khoa thần kinh ở  bệnh viện ở các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh đó, ông còn tham gia giảng dạy ở các trường đại học y khoa về chuyên ngành này. Tâm niệm của TS. Nguyễn Văn Thọ là góp một phần công sức và chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ thầy thuốc kế cận để mỗi người với chuyên môn, trách nhiệm của mình, với tình yêu và sự cảm thông của mình, sẽ giúp những bệnh nhân tâm thần con đường về lại với đời thực một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Ngô Thu


Ý kiến của bạn