Người chiến sĩ mang “quân hiệu chữ thập” ở đảo chìm Núi Le A

09-06-2019 17:37 | Y tế
google news

SKĐS - 5 năm trời ròng rã giữa nắng, gió và phong ba bão táp Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), người chiến sĩ, BS. Nguyễn Viết Toàn vẫn kiên cường bám trụ, ngày đêm miệt mài nghiên cứu, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như cán bộ chiến sĩ trên đảo.

Tháng 4, trong cái nắng rực lửa gợi nhắc ký ức về thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, sau 36 giờ vượt trùng dương trên con tàu Kiểm ngư Việt Nam mang số hiệu KN 490, đoàn công tác của đất liền ra thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã cập bến huyện đảo Trường Sa. Góp mặt trong Đoàn công tác số 5 năm 2019, Công đoàn Y tế Việt Nam đã mang những món quà chứa đựng tình cảm ấm áp, nồng nàn của đất liền đến vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc để giao lưu và trao tặng cho các cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, Công đoàn đã đến thăm, tặng quà, trao đổi kinh nghiệm với đội ngũ y tế trên các đảo.

BS. Toàn khám bệnh cho người dân.

BS. Toàn khám bệnh cho người dân.

Khám bệnh giữa trùng khơi...

Đến mới thấy, giữa Trường Sa mênh mông, công tác khám chữa bệnh mang rất nhiều đặc thù mà không một nơi nào trên đất liền có thể so sánh được. Nghe tâm sự của các bác sĩ - chiến sĩ nơi đây, ai trong chúng tôi cũng nghẹn ngào, khâm phục về sự quả cảm, can trường của những đồng nghiệp mang “quân hiệu chữ thập”. Trong đó, tôi thực sự ấn tượng về BS. Nguyễn Viết Toàn, người đã trải qua 4 đợt công tác tại các đảo chìm. Anh mang quân hàm Đại úy và đảm nhiệm vị trí Bệnh xá trưởng đảo chìm Núi Le A. Khi nghe đến đảo chìm - điểm đảo bé nhỏ được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển, nằm trơ trọi giữa sóng nước biển Đông, hẳn ai cũng mường tượng ra sự khó khăn bộn bề không thể đo đếm bằng lời. Đây là một trong những đảo chìm thuộc tiền tiêu sườn Đông của quần đảo Trường Sa. Hình ảnh ấn tượng đầu tiên về BS. Nguyễn Viết Toàn là làn da rám nắng, rắn rỏi già dặn với giọng nói đậm chất miền Trung và nụ cười nhân hậu. Anh dẫn tôi đi thăm cơ sở hạ tầng, các phòng làm việc và trang thiết bị y tế, cơ số thuốc cấp cứu và chiến đấu hiện có tại đơn vị. Cũng như các đảo khác mà tôi đã đến thăm, ở đây, khó khăn nhất của các bác sĩ, y sĩ trên các đảo là công tác bảo quản trang thiết bị y tế vì hơi nước biển mặn khiến thiết bị nhanh bị han gỉ, hư hỏng. “Hàng ngày chúng tôi phải vệ sinh, cất giữ, nâng niu các thiết bị, dụng cụ y tế còn hơn cả tài sản quý giá của chính bản thân mình”, BS.Toàn chia sẻ.

Ở Trường Sa, ngoài mưa nắng gió bão thì còn thiếu thốn đủ thứ; đặc biệt là nước ngọt. Vì thế để có đủ nguồn nước sử dụng hàng ngày cần phải chắt chiu từng giọt. Trong hoàn cảnh đó, là người làm nhiệm vụ y tế trưởng bệnh xá, BS. Toàn luôn phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc làm tròn nhiệm vụ khám điều trị bệnh nhân, đồng thời phải giữ nguồn nước uống đảm bảo vệ sinh cho cán bộ, chiến sĩ. Trong năm 2018, BS.Toàn đã khám điều trị và cấp thuốc hơn 300 lượt bệnh nhân; trong đó hơn một nửa là ngư dân. Anh Toàn kể: “Có trường hợp bệnh nhân bị lên cơn đau thắt ngực do tăng huyết áp, sau khi cấp cứu ổn định, tôi khuyên ngư dân đó quay về bờ để tiếp tục điều trị. Sau một thời gian, họ gọi điện cho tôi cảm ơn tập thể cán bộ chiến sĩ trên đảo đã tư vấn, cấp cứu cho họ qua cơn nguy kịch. Thật sự đây cũng là nguồn động viên lớn cho tập thể và chiến sĩ quân y như chúng tôi”.

Câu chuyện giữa tôi và BS. Toàn bị cắt ngang bởi một xuồng máy chở 5 ngư dân lên đảo cấp cứu với nguyên nhân nổi mẩn đỏ, ngứa rát do bị dị ứng với sứa biển và tăng huyết áp. Qua thăm khám, BS. Toàn đã tư vấn, dặn dò và cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân về thuyền điều trị.

Bên hành lang bệnh xá, trao đổi với tôi, anh Huỳnh Quốc Hùng (46 tuổi, quê ở Quảng Ngãi) là 1 trong 5 ngư dân đến khám lần này, anh thường xuyên đánh cá tại ngư trường sườn Đông quần đảo Trường Sa cho biết, đây là lần thứ hai anh vào Bệnh xá đảo Núi Le A để khám trong năm nay. Lần trước anh bị chấn thương do vấp vào cột buồm của tàu gây rách da cẳng chân, vào đây được BS. Toàn khâu vết thương và cấp thuốc cho về, anh chỉ cho tôi thấy vết thương đã liền sẹo ở cẳng chân. Lần này anh bị nhức đầu vào khám bác sĩ phát hiện bị tăng huyết áp. “BS. Toàn đã khám, tư vấn và cấp thuốc cho tôi. Thật sự ở giữa biển khơi được gặp một bác sĩ có tấm lòng nhân hậu, giỏi về chuyên môn như thế này, phần nào đã làm cho ngư dân chúng tôi yên tâm về sức khỏe để bám biển. Không chỉ tôi mà còn rất nhiều ngư dân khác đã đến khám ở đây đều rất cảm mến BS. Toàn”, anh Hùng chia sẻ.

Sau khi tiễn ngư dân trở lại xuồng, BS. Toàn tiếp tục chia sẻ: “Bây giờ nếu xảy ra trường hợp các chiến sĩ hoặc ngư dân mắc bệnh cần phẫu thuật, đơn vị sẽ chuyển đến Bệnh xá đảo Phan Vinh A cách khoảng 30 hải lý, ở đó đầy đủ trang thiết bị và nhân lực cho phẫu thuật, các đảo đó là tuyến trên của đảo này”.

Hiện tại, hệ thống y tế tại Trường Sa đã khác trước, từng ngày có sự chuyển biến mạnh mẽ tích cực. Tại bệnh xá ở các đảo nổi nơi tôi đã đến như: Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông thì điều kiện y tế tốt hơn nhiều. Ở đó có đủ nhân lực bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên gây mê; ngoài ra còn được trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm... Đã triển khai các kỹ thuật mới đáp ứng yêu cầu biển đảo như phẫu thuật viêm ruột thừa. Đặc biệt, có hệ thống Telemedicine kết nối với các bệnh viện quân đội lớn thuộc Bộ Quốc phòng. Khi gặp những trường hợp bệnh nặng, khó chẩn đoán, các bác sĩ sẽ được hỗ trợ hội chẩn sớm và kịp thời vận chuyển bệnh nhân vào đất liền.

So với các đảo nổi, ở những đảo chìm, nhân lực, phương tiện trang thiết bị y tế chưa được trang bị đầy đủ; bệnh xá chỉ có một bác sĩ hoặc y sĩ, các chiến sĩ quân y ở đây hoạt động chủ yếu “độc lập tác chiến” là chính. Nhớ lại những ngày đầu, anh Toàn tâm sự: “Đây là lần thứ hai tôi được phân công nhiệm vụ công tác tại đảo chìm Núi Le A. Lần trước, 1 năm tôi khám và kê đơn khoảng 200 bệnh nhân, gồm cả cán bộ chiến sĩ trên đảo và ngư dân đánh bắt cá vùng lân cận. Ngư dân vào đây thường bị chấn thương nhẹ, viêm da dị ứng, tăng huyết áp, một vài trường hợp chấn thương rách phần mềm phải khâu và băng bó vết thương. Ngoài ra, một số trường hợp giảm áp do ngư dân lặn quá sâu cũng được tôi cấp cứu thành công. Các cán bộ, chiến sĩ thường ít mắc bệnh mạn tính vì họ là những người trẻ tuổi, mạnh khỏe và được rèn luyện thể lực hàng ngày. Thi thoảng mới có chiến sĩ mắc các bệnh cảm cúm thông thường và chấn thương nhẹ”.

Tuy nhiên vẫn có trường hợp phức tạp đòi hỏi bản lĩnh của người thầy thuốc. BS. Toàn kể tiếp: “Tôi nhớ có lần, một chiến sĩ bị đau bụng, các triệu chứng giống y như bệnh viêm ruột thừa cấp, nhưng chưa khu trú bệnh rõ ràng. Tôi rất phân vân, không biết có nên báo cáo chỉ huy xin tàu chuyển chiến sĩ về đất liền để phẫu thuật hay không. Thật sự đây là một đòn “cân não”, nếu chuyển đúng để phẫu thuật sớm là rất tốt, nhưng không đúng bệnh thì một sự tốn kém tài chính cho Nhà nước vì điều một chuyến tàu chạy cả đi lẫn về hơn 600 hải lý không hề dễ dàng. Hôm đó, tôi thức trắng đêm để theo dõi, may mắn đến sáng hôm sau thì chiến sĩ hết đau bụng và thể trạng ổn định. Thời điểm tôi công tác tại đảo chìm Đá Tây A cũng vậy, có trường hợp đau bụng tương tự, nhưng do thời tiết rất xấu, nếu chuyển bệnh nhân lên tuyến trên thì tàu và xuồng không thể tiếp cận được đảo, do vậy tôi quyết định theo dõi, điều trị tại bệnh xá và bệnh nhân bình phục”. “Trải qua nhiều năm công tác ở đất liền cũng như độc lập tại các đảo chìm, bản thân tôi cho rằng kinh nghiệm, nhạy cảm lâm sàng và khả năng ra quyết định độc lập là 3 yếu tố thành công trong công tác chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và ngư dân đánh cá”, BS. Toàn nói.

Một bữa cơm của gia đình BS. Toàn ở quê.

Một bữa cơm của gia đình BS. Toàn ở quê.

Duyên với Trường Sa

BS. Nguyễn Viết Toàn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Thạch Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Gia đình anh vốn có hoàn cảnh vất vả, khó khăn, nhà đông anh em, bố mẹ làm nghề nông là chính. Không quản ngại gian khổ, anh Toàn đã cố gắng vượt qua để học tập và thi đỗ vào Trường đại học Sư phạm Quảng Bình. Học đến năm học thứ hai, Toàn theo tiếng gọi Tổ quốc tham gia nhập ngũ, giấc mơ trở thành thầy giáo tạm gác lại. Trong quân ngũ, anh tham gia huấn luyện và chiến đấu giỏi. Sau 2 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Toàn được đơn vị cử đi học y sĩ tại Trường Quân Y II, TP.Hồ Chí Minh.

Nhận bằng tốt nghiệp y sĩ quân y, Toàn về công tác tại Đội điều trị Vùng 4 Hải Quân. Sau đó đầu năm 2004, Toàn được phân công ra đảo chìm Tốc Tan C công tác 18 tháng.  Đến năm 2008, anh lên đường học đại học tại Học viện Quân y 103. Sau 4 năm miệt mài học tập, ra trường BS. Toàn quay về đơn vị cũ công tác. Năm 2014 BS.Toàn được phân công ra đảo chìm Núi Le A làm nhiệm vụ. Một năm sau, anh được phân công đến đảo chìm Đá Tây A để tiếp tục công việc của mình. Đến năm 2018, một lần nữa anh có duyên với đảo chìm Núi Le A này.

Cuộc đời anh gắn với Trường Sa, còn gia đình anh gửi lại hậu phương quê nhà. Anh kể: “Mình lập gia đình vào năm 2008, hiện tại đã có hai cháu, cháu gái đầu năm nay học lớp 5, cháu trai đang học mẫu giáo lớn; còn vợ đang làm thư viện tại trường THCS ở quê. Hiện tại vợ và con mình đang ở cùng với ông bà nội. Từ khi lập gia đình đến giờ mình có rất ít thời gian bên vợ con, bố mẹ để chăm sóc và sẻ chia với họ. Mình thương vợ lắm, một mình phải gánh vác trách nhiệm vừa là người cha vừa là người mẹ vừa là người con để chăm sóc mọi thành viên trong gia đình ”. Nói rồi, anh ngập ngừng, mắt nhìn xa xăm về phía trời mây sóng nước. Anh nhẹ nhàng quay đầu đi hướng khác, như thể lảng tránh đôi mắt chực ngấn nước với người đối diện. Tôi cũng cảm thấy khóe mắt mình cay cay. Không gian giữa hai người bác sĩ, một ở đất liền và một ở biên viễn bỗng dưng tĩnh lặng, chỉ nghe tiếng sóng vỗ rì rào dưới chân. Chợt nghĩ, tôi khát khao đặt chân đến mảnh đất Trường Sa thiêng liêng chừng nào thì có lẽ anh cũng thèm khát được ở bên người thân đến từng ấy.

BS. Toàn thay mặt con gái nhận học bổng do ông Lương Thanh Nghị trao.

BS. Toàn thay mặt con gái nhận học bổng do ông Lương Thanh Nghị trao.

Hồi lâu, anh mới nói: “Cuộc đời người chiến sĩ mà, phải kiềm chế tình cảm bản thân để hoàn thành nhiệm vụ của người quân y trên đảo. Thỉnh thoảng gọi điện về nhà hoặc vợ gọi điện cho mình, qua điện thoại nghe tiếng khóc sụt sùi của vợ, nghe tiếng nói của hai con, thương lắm, nhớ lắm... Lúc nào hai đứa cũng hỏi ba có khỏe không, lúc nào ba về, khi về ba nhớ mang vỏ ốc biển về cho con nhé, chúng con yêu ba và nhớ ba lắm”. Vậy đó, thương lắm, nhớ lắm, nhưng đảo xa vẫn còn cần lắm những con người như BS. Toàn. Rồi ánh mắt anh sáng lên: “Mỗi lần nghe điện thoại biết ba mẹ, vợ con vẫn khỏe, hai con chăm ngoan, học hành giỏi giang là mình yên tâm công tác hơn. Ngẫm cũng hay đời chiến sĩ có được hậu phương vững chắc đó là một nguồn động viên lớn lao và niềm hạnh phúc vô bờ bến trong đời”.

Một niềm vui lớn trong dịp này đối với BS. Nguyễn Viết Toàn là con gái anh được ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao trao tặng học bổng vì có thành tích xuất sắc trong quá trình học tập.

Qua tìm hiểu thông tin từ các cán bộ chiến sĩ trên đảo Núi Le A, tôi biết thêm;  ngoài công việc chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân, BS.Toàn còn là chiến sĩ trên mặt trận tăng gia sản xuất, cải thiện cuộc sống hằng ngày cùng với các cán bộ chiến sĩ trên đảo; tham gia huấn luyện và sử dụng thành thạo mọi vũ khí trong đơn vị để sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống.

Thời gian lưu lại đảo không được nhiều, tôi và BS. Nguyễn Viết Toàn đành tạm dừng cuộc trò chuyện, chúng tôi hẹn nhau gặp lại vào một ngày gần nhất để được tâm sự, chia sẻ nhiều hơn. Chia tay anh, tôi thầm ngưỡng mộ và khâm phục ý chí của những chiến sĩ mang “quân hiệu chữ thập” đang công tác nơi đảo xa. Họ là những người vừa chăm sóc bảo vệ sức khỏe cho cán bộ chiến sĩ vừa chăm sóc sức khỏe cho ngư dân đóng vai trò là “cột mốc di động về chủ quyền biển đảo”. Và họ có thể trở thành chiến sĩ cầm súng bảo vệ biển đảo quê hương khi có kẻ thù xâm lược.

Vâng, họ là những con người can trường, bản lĩnh như BS.Toàn mà tôi đã gặp gỡ và trò chuyện. Trải qua 4 đợt công tác tại các đảo chìm, anh đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ trong cuộc sống, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn và hy sinh tình cảm cá nhân của mình để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một chiến sĩ, bác sĩ quân y nơi đầu sóng.

Trường Sa - Khánh Hòa, tháng 4/2019


BS. Trần Ánh Dương
Ý kiến của bạn