Người chiến sĩ mang hai màu áo nặng lòng với dân bản

24-02-2022 15:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Thiếu tá Hồ Đình Giáp, Quân Y đồn Biên phòng Mỹ Lý, BĐBP tỉnh Nghệ An với hơn 20 năm tuổi nghề, gắn bó với đồng bào dân tộc nơi vùng cao biên giới. Ngày qua ngày, với chiếc túi quân y trên vai, người lính ấy không quản ngại khó khăn, vất vả để thăm khám cho bà con dân bản với tấm lòng đầy trách nhiệm.

Vùng đất nhiều "không"

Từ TP Vinh (Nghệ An), chúng tôi vượt quãng đường gần 400km mất gần 1 ngày trời để đến với xã biên giới Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Bắt đầu từ trung tâm xã, chúng tôi tiếp tục vượt hơn chục cây số đường đồi núi gồ ghề, cheo leo, khúc khuỷu, có những đoạn dốc dựng đứng, đất đá lởm chởm để đến với bản Huồi Bắc.

Huồi Bắc là nơi sinh sống của đa số đồng bào dân tộc Khơ mú. Không điện lưới, sóng điện thoại chập chờn, giao thông cách trở, trình độ dân trí thấp, kinh tế phụ thuộc vào làm nương rẫy, cuộc sống bà con nơi đây còn nhiều khó khăn.

“Mẹ hiền” quân hàm xanh nặng lòng với dân bản - Ảnh 1.

Trạm quân dân y Huồi Bắc- Bắc Lý, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An)

Điểm nhấn nổi bật nhất của bản Huồi Bắc chính là dãy nhà cấp 4 Trạm quân dân y được xây dựng kiên cố, lợp mái tôn xanh. Xung quanh, những nếp nhà cũ của đồng bào dân tộc Khơ mú nằm rải rác, xen lẫn những dãy đồi núi bạc một màu của đá, của cỏ cây vừa trải qua một đợt giá lạnh mùa đông.

Tiếp đón chúng tôi ngay tại cổng Trạm là Thiếu tá Hồ Đình Giáp - cán bộ quân y trạm. Nhìn thân hình vạm vỡ, khuôn mặt đã chai sạn vì nắng gió nơi biên ải của của người lính quân y, chúng tôi mới cảm nhận được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây.

Quân y Hồ Đình Giáp mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng kỷ niệm khó quên cách đây vài tháng. Vào một đêm giữa mùa đông lạnh giá, đột ngột phía trước cổng trạm một nhóm người hớt hải chạy đến, tiếng chân thình thịch như đánh thức cả núi rừng.

“Mẹ hiền” quân hàm xanh nặng lòng với dân bản - Ảnh 2.

Bác sĩ Hồ Đình Giáp luôn tận tụy thăm khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con.

Dự cảm cho điều chẳng lành, bác sĩ Giáp bỏ dở bữa cơm, mở cửa chạy ra thấy một người đàn ông được bà con chở đến trong tình trạng hôn mê. "Người này bị tai nạn giao thông trong bản. Sau khi thăm khám, sơ cứu, băng bó vết thương thì bệnh nhân tỉnh. Mình cùng bà con lặn lội đưa người này ra xã, chuyển lên tuyến trên", quân y Hồ Đình Giáp cho hay.

Sẵn sàng "chia lửa" với tâm dịch

Sinh năm 1975 tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1999, anh tốt nghiệp ngành y và được phân công về BĐBP tỉnh Nghệ An. Đến năm 2009-2012, Hồ Đình Giáp được điều động tăng cường tại BĐBP tỉnh An Giang, sau đó được phân công về Trạm quân dân y Huồi Bắc. Về Trạm được một thời gian thì vào tháng 9/2021, bác sĩ Giáp được lệnh điều động tăng cường "chia lửa" hỗ trợ cho các tỉnh phía Nam chống dịch COVID-19.

Quân y Hồ Đình Giáp chia sẻ, ngay sau khi có mặt tại các địa bàn trọng điểm, đội ngũ các y, bác sĩ đã trực tiếp tham gia cùng lực lượng y tế địa phương thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, khám sàng lọc, tiêm vaccine, điều trị các ca F0 tại các điểm cách ly tập trung và tại gia đình; động viên, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong vùng dịch; tham gia các tổ quân y cơ động cung cấp oxy, thuốc điều trị cho các ca F0 trên địa bàn...

Trong gian khó, hình ảnh những người thầy thuốc quân hàm xanh không quản ngại khó khăn, vất vả, hy sinh, xông pha trên tuyến đầu càng gắn bó thêm tình đoàn kết quân dân, sáng mãi phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ.

“Mẹ hiền” quân hàm xanh nặng lòng với dân bản - Ảnh 3.

Bác sĩ Giáp vào sổ khám sức khỏe cho từng người tới Trạm thăm khám.

Sau hơn 2 tháng thực hiện nhiệm vụ tăng cường chống dịch tại các tỉnh phía Nam, ngay khi về đến ga Vinh, thực hiện các thủ tục đảm bảo công tác phòng chống dịch theo quy định, anh tiếp tục trở về trạm công tác.

Còn đó những nỗi lo...

Cở sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị khám, chữa bệnh thiếu thốn, giao thông cách trở, nhưng quân y Hồ Đình Giáp vẫn nỗ lực hết mình chữa bệnh, đảm bảo sức khỏe cho bà con.

Kiên trì vận động, thuyết phục với phương châm "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với với bà con, những thầy thuốc như bác sĩ Hồ Đình Giáp không chỉ đẩy lùi bệnh tật, mà còn dành thời gian rong ruổi đến với các bản làng tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục khi ốm đau mời thầy mo tới cúng, thay vào đó là khi ốm đau bà con đã đến trạm y tế để khám, vận động dân bản trồng các loại cây thuốc nam chữa các bệnh thông thường.

“Mẹ hiền” quân hàm xanh nặng lòng với dân bản - Ảnh 4.

Tuyên truyền bà con thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ các hủ tục.

Ông Lo Văn Nọi, Trưởng bản Huồi Bắc cho biết, nhắc đến bác sĩ quân y Hồ Đình Giáp là dân bản ở đây ai cũng tin yêu. Vì anh là người nhiệt tình, chịu khó, khi có bệnh nhân đến là anh sẵn sàng khám bệnh chu đáo.

Theo lời kể của Thiếu tá Hồ Đình Giáp, chúng tôi được biết, từ trước tới nay, bà con Huồi Bắc phải mất 5 giờ đồng hồ đi bộ từ nhà ra trạm y tế xã (gần 12km) để thăm khám mỗi khi đau ốm.

Thấu hiểu, sẻ chia những khó khăn cho đồng bào nơi biên giới về lĩnh vực y tế, năm 2013, BĐBP tỉnh Nghệ An phối hợp với các nhà thiện nguyện xây dựng Trạm xá quân dân bản Huồi Bắc.

Với việc đưa vào sử dụng Trạm xá quân dân y đã phần nào giải quyết nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn đồng bào người dân tộc sinh sống tại 7 bản của xã biên giới (Huồi Bắc, Nhọt Kho, Kèo Pà Tú, Sám Thang, Cha Nga, Kèo Nam, Bản Buộc, Huồi Khơ và Nọng Hán).

Vừa nghe tin bà Lương Mẹ Bún (80 tuổi, trú bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý) đau ốm, quân y Hồ Đình Giáp liền lên đường, vào nhà thăm khám cho bà.

"Bà con chủ yếu thăm khám, chữa những bệnh thông thường, cấp cứu xử lý vết thương, vì thế cũng chỉ cần những loại thuốc chữa bệnh thông thường, song việc vận động kinh phí rất khó khăn. Nhiều lúc thăm khám xong, không lấy đâu ra thuốc để cấp cho bà con", bác sĩ Hồ Đình Giáp trăn trở.

Người chiến sĩ khoác trên mình 2 màu áo - thiếu tá Hồ Đình Giáp với hơn 20 năm tuổi nghề, gắn bó với đồng bào dân tộc nơi vùng cao biên giới. Ngày qua ngày, với chiếc túi quân y trên vai, người lính ấy không quản ngại khó khăn, vất vả để thăm khám cho bà con dân bản với tấm lòng đầy trách nhiệm.

Xem thêm video được quan tâm:

Lưu ý cho F0 khi tự điều trị tại nhà


Trần Tuyên - Khánh Tâm
Ý kiến của bạn