Đó là những lời tâm sự chân thành xúc động của Đại úy Trần Hà Nam (Sinh năm 1985, quê Thái Bình) hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu về công việc của một thầy giáo mang quân hàm xanh.
Xã Pa Ủ, là một xã khó khăn nhất của tỉnh Lai Châu, với trên 98% là dân tộc La Hủ sinh sống; kinh tế xuất phát điểm thấp, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán lạc hậu, trẻ em phần lớn đến tuổi đi học đều phải theo bố, mẹ vào rừng, lên nương để kiếm ăn hàng ngày, không có điều kiện để tới trường.
Những điểm trường tại Xã Pa Ủ - Lai Châu khi chưa được xây dựng
Cơ duyên đến với nghề "thầy giáo mang quân hàm xanh"
Chia sẻ cơ duyên trở thành người lính quân hàm xanh, Đại úy Trần Hà Nam cho biết: Năm cuối cấp phổ thông, đứng trước ngưỡng cửa của cổng trường đại học, với truyền thống của gia đình mình, có bác ruột tham gia nhập ngũ, chiến đấu và hy sinh tại chiến trường; bố tôi, một người lính, đã từng chiến đấu tại chiến trường Miền nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Camphuchia; những điều đó đã thôi thúc, động viên Đại úy Trần Hà Nam thi đậu vào trường Học viện Khoa học Quân sự năm 2009.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp tại Học viện Quân sự, Đại úy Trần Hà Nam được phân công công tác tại Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. Đặt chân lên xã biên giới Dào San, rồi Pa Ủ, Đại úy Trần Hà Nam càng thấm thía được cuộc sống của người dân nơi đây, đặc biệt là các em học sinh; một cuộc sống “Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, học sinh không được tới trường”.
Hiểu được điều đó, Đại úy Trần Hà Nam đã chia sẻ cùng với tập thể cấp ủy, chỉ huy đơn vị bước đầu cần phải tham mưu cho địa phương giúp nhân dân định canh, định cư ổn định cuộc sống, tham gia giúp dân phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, chỉ có đời sống của Nhân dân được nâng lên thì trẻ em mới có điều kiện tới trường.
Vì vậy, trong những năm qua Đại úy Trần Hà Nam đã cùng tập thể chỉ huy đơn vị dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu tham gia giúp dân dựng nhà, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế xã hội như mô hình trồng lúa nước, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò tập trung để nhân dân học tập; từ đó, nhân dân biết làm ăn, sản xuất, chăn nuôi, đời sống của nhân dân đã từng bước được cải thiện.
Những em nhỏ Lai Châu sinh sống với điều kiện kinh tế khó khăn
Người thầy mang quân hàm xanh thay đổi nhiều cuộc đời
Chia sẻ về công việc của người thầy giáo mang quân hàm xanh, Đại úy Trần Hà Nam cho biết: Ổn định cuộc sống của Nhân dân đã khó, vận động các cháu học sinh ra lớp còn khó hơn, các cháu vẫn theo phong tục tập quán cũ, nghe theo bố mẹ không muốn đi học, sợ tới trường.
“Tôi đã cùng với các thầy giáo, cô giáo, các ban ngành của địa phương phải trực tiếp tới từng nhà để tuyên truyền vận động gia đình cho các cháu đi học, thực hiện phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, tích cực, nhiệt tình nên số lượng các cháu tới trường ngày càng tăng lên.
Nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nhiều cháu không có điều kiện để tiếp tục đi học. Đúng lúc đó Chương trình “Nâng bước em tới trường” của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng phát động đã tạo thêm động lực để bản thân tôi và đơn vị có điều kiện để giúp đỡ các em.
Chúng tôi rất vui khi được thấy những nụ cười và niềm phấn khởi của các em trong buổi phát động Chương trình “Nâng bước em tới trường” với những xuất quà và một loạt các em học sinh được nhận đỡ đầu.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai thực sự đã đem lại những thay đổi lớn lao đối với các em học sinh trên biên giới
Trong những lần đi công tác địa bàn, ở những bản xa trung tâm xã, giữa cái rét cắt da, cắt thịt của mùa đông, chúng tôi đến thăm các thầy cô và các em khi cả ngôi trường chìm trong sương mờ, những lớp học dựng tạm, quây bạt mỏng manh không thể ngăn được những cơn gió lạnh, chúng dường như đang muốn thử thách sự can đảm của thầy và trò nơi đây. Hình ảnh những đứa trẻ chân trần, không có quần áo mặc, phải đứng co ro đối chọi với cái rét làm chúng tôi ai cũng xúc động và tự hứa với mình phải cố gắng nhiều hơn nữa để giúp đỡ các em học sinh và các nhà trường” – Đại úy Trần Hà Nam chia sẻ.
Chương trình “Nâng bước em tới trường” được triển khai thực sự đã đem lại những thay đổi lớn lao đối với các em học sinh trên biên giới, nó đã trở thành niềm động viên khích lệ các em có hoàn cảnh khó khăn được tới lớp, chắp cánh cho những ước mơ bay cao, bay xa hơn nữa và giúp đỡ các nhà trường có điều kiện tốt hơn để nuôi dạy các em học sinh.
Đại úy Trần Hà Nam cho biết, thời gian tới sẽ cùng với các đồng chí cán bộ chiến sĩ trong đơn vị nỗ lực nhiều hơn nữa, tiếp tục vận động các nhà hảo tâm có những hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các nhà trường, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục trên khu vực biên giới Lai Châu nói chung và thực hiện tốt Chương trình “Nâng bước em tới trường” nói riêng.
Hiện tại và mai sau nữa, tại nơi biên giới Lai Châu này Bộ đội Biên phòng sẽ có những người con, đó là các em học sinh mà Đại úy Trần Hà Nam đã nhận đỡ đầu, trực tiếp hỗ trợ về vật chất, động viên tinh thần để các em có động lực vượt qua mọi khó khăn tiếp tục đến trường. Cuộc đời của các em học sinh còn rất dài, có thể có những ước mơ được hoàn thành và những ước mơ sẽ còn dang dở nhưng tôi tin chắc rằng các em sẽ là những hạt nhân tích cực ủng hộ và giúp đỡ Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Làm được những điều ấy luôn rất cần những con người thầy giáo mang quân hàm xanh - Đại úy Trần Hà Nam
Vận động các tổ chức chính trị xã hội, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm xây dựng 10 phòng ở bán trú, phòng học, nhà ăn bán trú cho các em học sinh trị giá 1,3 tỷ đồng. Năm 2016 phối hợp với Hội Phụ nữ huyện Thanh Thủy tổ chức tết thiếu nhi và tặng 150 xuất quà cho các em thiếu nhi tại xã Pa Ủ. Tặng 02 xuất học bổng mỗi xuất trị giá 1 triệu đồng cho hai em học sinh được đỡ đầu. Tặng 1 ti vi, 02 máy tính, sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho trường THCS xã Pa Ủ trị giá trên 100 triệu đồng.