Hà Nội

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép

11-04-2024 07:17 | Thời sự

SKĐS - Sau khi giành thắng lợi chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sĩ thông tin Phạm Ngọc Hồi cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau mấy chục năm, cựu chiến binh thông tin vẫn nhớ mãi lần dùng răng nối đường dây thông tin bị đứt để truyền lệnh đánh đồi A1.

"Tình thế cấp bách buộc tôi phải dùng răng nối đường dây thông tin"

Trở về từ trận địa Điện BIên Phủ và tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến sĩ thông tin Phạm Ngọc Hồi, SN 1933 ở thôn Mai Xá, xã Hiệp Lực, huyện Ninh Giang, Hải Dường vẫn là cái tên được nhiều người nhắc đến với giai thoại dùng răng nối đường dây thông tin để truyền lệnh đánh đồi A1.

Nhắc tới những tháng ngày chiến đấu tại chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy, cựu chiến binh Phạm Ngọc Hồi bồi hồi xúc động, như sống lại với tuổi thanh xuân tươi đẹp của mình.

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 1.

Cựu chiến sĩ thông tin Phạm Ngọc Hồi tham gia chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.

Ông Hồi chậm rãi kể, năm 1950 làng quê Hiệp Lực bị thực dân Pháp chiếm đóng, lập đồn bốt và thôn Mai Xá bỗng thành "làng Tề đặc biệt". Do sợ em trai bị Pháp bắt đi lính nên người anh trai đã bí mật đưa ông rời quê ra vùng tự do và gia nhập quân đội. 

Ngày rời quê, ông Hồi mới 17 tuổi. Vì còn nhỏ nên ông được học tại trường Thiếu sinh quân (tỉnh Thái Nguyên) chuyên ngành thông tin. 

Đến năm 1953, chuẩn bị cho chiến dịch Điên Biên Phủ, ông được gia nhập Sư đoàn 312 (thuộc Cục thông tin) và từ đây bắt đầu tham gia con đường binh nghiệp.

Nhớ lại câu chuyện nối đường dây thông tin để truyền lệnh, ông Hồi kể: "Hôm đó vào ban đêm khi tôi cùng Trung đội đang trực đường dây thì nhận được lệnh của cấp trên báo, đường dây thông tin bị đứt do mảnh pháo của quân địch làm hỏng. Thời điểm này, Chỉ huy cấp trên lại đang chuẩn bị truyền lệnh đánh đồi A1 nên không chần chừ, tổ của tôi gồm 3 thành viên nhanh chóng lên đường dò tìm đoạn dây bị đứt để nối lại".

Lúc đó trời rất tối, lại không biết đường dây thông tin bị đứt đoạn nào nên ông Hồi dùng 1 đèn nhỏ cúi rạp người xuống đất, một tay cầm đoạn dây bị đứt để lần tìm đầu dây bị đứt còn lại. Sau khi tìm thấy đoạn bị đứt, ông Hồi thoáng nghĩ, nếu nối lại sẽ mất thời gian và trong lúc khẩn cấp, ông chập 2 đoạn đầu dây thông tin bị đứt cho vào miệng, dùng răng cắn chặt để cấp trên truyền lệnh cho kịp.

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 2.

Ông Hồi diễn tả lại hành động nối đường dây thông tin bị đứt.

"Khi cắn 2 đầu dây lại, tôi chỉ thấy răng có cảm giác tê vì lệnh đang được truyền. Sau khi giữ khoảng 5 phút, bất ngờ tôi nghe thấy tiếng nổ lớn của khối bộc phá 1000 kg hất tung đối A1, tiếp đó đồng loạt pháo quân ta bắn. Lúc này tôi biết, lệnh của cấp trên đã được truyền đi và sau đó tôi bỏ 2 đầu dây thông tin ra khỏi miệng, dùng dụng cụ nối lại. Trong lúc khẩn cấp, tôi phải dùng cách đó để đường dây thông tin được thông suốt và giúp chỉ huy truyền lệnh kịp thời", ông Hồi kể lại giây phút không bao giờ quên trong đời binh nghiệp của mình.

Cũng theo ông Hồi, ngày đó một Tiểu đội thông tin gồm 3-4 tổ và mỗi tổ có 3 thành viên. Thông thường khi nối đường dây thông tin bị đứt phải có dụng cụ. Tuy nhiên vào thời điểm đêm tối, tình thế cấp bách nên ông phải làm như vậy để thông tin của cấp trên truyền đi một cách nhanh nhất, kịp thời.

Khi giành thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hồi cùng đơn vị về tiếp quản Thủ đô Hà Nội và tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Sau ngày thống nhất đấy nước 30/4/1975, ông Hồi về nghỉ mất sức.

Cưới vợ trong lần về phép và cuộc hôn nhân 3 ngày

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Hồi thỉnh thoảng đưa mắt ngắm nhìn bức ảnh chụp chung với những người bạn ở địa phương cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Tuy nhiên, giọng ông bỗng trùng xuống, bởi hiện tại chỉ còn 3 người.…

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 3.

Ông Phạm Ngọc Hồi kể lại năm tháng tham gia chiến dịch Điên Biên Phủ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống.

"Cả xã tôi có nhiều người tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và mỗi người chiến đấu ở một đơn vị khác nhau, nhưng hiện tại 3 người còn sống. Nghĩ đến đồng đội lần lượt ra đi do tuổi cao, bệnh tật tôi buồn lắm. Dẫu sao tôi còn may mắn hơn nhiều đồng đội khác khi trải qua 2 cuộc kháng chiến mà bản thân không bị thương vẫn nguyên vẹn trở về", cựu chiến binh Điện Biên Phủ tâm sự.

Khi được hỏi về chuyện "cưới vợ" thời chiến của người chiến sĩ Điện Biên năm nào, bà Đào Thị Hạt (SN 1936, vợ ông Hồi) cười kể: "Ngày đó chúng tôi lấy nhau đơn giản lắm, thậm chí không có thời gian để tìm hiểu. Mặc dù biết nhau từ trước vì ở cùng thôn nhưng vẫn phải nhờ người thân mai mối. Từ sự quý mến, thông cảm cho nhau, tôi và ông ấy đã thành vợ thành chồng".

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 4.

Ông Phạm Ngọc Hồi ôn lại kỷ niệm thông qua những bức ảnh được lưu giữ cẩn thận.

Sau khi tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Hồi được về phép 3 lần và đến lần thứ 3 thì vợ chồng ông bà tổ chức lễ cưới. 

Theo lời bà Hạt, trong 2 lần ông Hồi về phép, bà được một người họ hàng giới thiệu làm mối cho ông Hồi. Ngày đó hai ông bà con trẻ nên còn nhút nhát, e thẹn. Tuy nhiên sau lần gặp gỡ đó, ông Hồi trở lại đơn vị, thi thoảng có viết thư về cho bà Hạt và năm 1958 thì lễ cưới của vợ chồng bà được tổ chức.

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 5.

Bà ĐàoThị Hạt nhớ lại 'sự cố' khi tìm đến đơn vi chồng nằm điều trị vết thương.

"Ngày đó cưới đơn giản lắm, ông ấy được về phép 1 tuần, trong tuần đó hai bên gia đình vừa tổ chức nói chuyện, vừa ăn hỏi sau đó cưới luôn. Cưới được 3 ngày thì tôi đưa quân đi làm dân công, đến khi quay về nhà thì ông ấy hết phép đã trở về đơn vị. Kể từ ngày đó, ông ấy đi biệt, tham gia chiến đấu bên Lào, Campuchia, giải phóng miền Nam và sau 30/4/1975, chồng tôi xin về mất sức", bà Hạt tâm sự.

"Năm 1974, khi biết tin từ một người bạn báo ông Hồi đang nằm điều trị vết thương ở Nghệ An và khả năng sẽ đi học tại Liên Xô, được sự động viên của mẹ chồng, tôi đã khăn gói tìm đến nơi ông ấy đang nằm điều trị. Nhưng do gặp phải sự cố nên vợ chồng tôi đã không gặp được nhau. Khi về nhà được thời gian thì tôi nhận được thư ông Hồi gửi về", bà Hạt bồi hồi nhớ lại.

Ba lần chết lặng… khi tưởng chồng hy sinh

Bà Hạt kể, ngày còn trẻ, bà tham gia công tác thanh niên ở địa phương, sau đó chuyển sang xã đội giữ cương vị xã đội phó (nay là Ban chỉ huy quân sự xã). Tiếp đó, bà công tác tại Hợp tác xã giữ chức vụ Phó chủ nhiệm. Đến năm 1988 bà xin nghỉ công tác và năm nay bà đã có 62 năm tuổi Đảng.

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 6.

Ba lần, bà Hạt như chết lặng khi nhận thông tin chồng mình hy sinh.

Ngồi bên người chồng tuổi cao, tóc bạc, bà Hạt luôn tự hào khi trải qua hai cuộc kháng chiến ông Hồi may mắn không bị thương, trở về nguyên vẹn. Nhưng nhiều lần ông cũng cận kề cái chết khi bị bom, pháo kẻ thù đánh trúng hầm ông cùng đồng đội trú ẩn. Chính sức ép của bom đạn khiến ông Hồi bị ảnh hưởng về sức khỏe. Thậm chí sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, ông bị những cơn sốt rét hành hạ…

Nhớ lại quãng thời gian 18 năm dài đằng đẵng xa chồng, bà Hạt tủi thân kể:  Những ngày đầu còn nhận được thư của chồng gửi về, nhưng khoảng 4-5 năm (những năm 1965) khi chiến tranh ác liệt thì không còn thấy thư từ hay tin tức từ ông ấy nữa. Thời điểm đó, nhiều người đồn đoán có thể ông Hồi đã hy sinh, nhưng tôi không tin và luôn hy vọng ngày chồng trở về.

"Thời điểm đó tôi cũng đang công tác bên xã đội nên khi nghe tin địa phương nào có người hi sinh là đạp xe xuống huyện đội xác minh. Đã 3 lần tôi như chết lặng vì nhầm tưởng chồng đã hy sinh", bà Hạt cười. 

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 7.

Cưới nhau được 3 ngày, vì nhiệm vụ kháng chiến khiến vợ chồng bà Hạt sau 18 năm mới đoàn tụ.

Bà nhớ lại: "Lần thứ nhất, tôi xuống Huyện đội và được các anh dưới đó làm công tác tư tưởng. Nghe thấy vậy, trong đầu tôi nghĩ chắc chắn chồng mình đã hy sinh. Đến khi thông báo tên thì không phải chồng tôi mà là em con chú. Sau ít ngày, tôi lại được Huyện đội mời xuống và lần này ruột gan tôi nóng như lửa đốt, cảm giác bất an; nhưng người hy sinh lần đó cũng là người nhà, chứ không phải ông Hồi.

Còn lần thứ 3, các anh bên Huyện đội về tận nhà nói với tôi: Chúng tôi có 1 tin này nhưng chị thật bình tĩnh chúng tôi sẽ báo, còn nếu không bình tĩnh chúng tôi sẽ lên xã để làm việc. Khi nghe như vậy tôi như chết lặng, đinh ninh chồng mình đã tử trận. Tuy nhiên, khi các anh bên Huyện đội nói nhờ tôi làm công tác tư tưởng cho gia đình một giáo viên ở địa phương thì tôi mới vỡ lẽ. Người hy sinh là thầy giáo ở xã tôi xung phong đi bộ đội và thời điểm thầy giáo hy sinh thì người vợ mới sinh con nhỏ. Còn ngày đó ông Hồi không may hy sinh thì đành chịu, nhưng tôi lo nhất chính là mẹ chồng…".

Người chiến sĩ Điện Biên dùng răng nối đường dây thông tin và chuyện cưới vợ khi về phép- Ảnh 8.

Niềm vui vợ chồng ông Phạm Ngọc Hồi khi tuổi xế chiều.

Vợ chồng ông Hồi sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái) và các con của ông bà đều phương trưởng, có cuộc sống ổn định. Riêng người con trai thứ 2 của cũng theo con đường binh nghiệp, hiện đang công tác tại Lữ đoàn 513 (Quân khu 3, đóng quân tại thị trấn Ninh Giang, huyện Ninh Giang). 

Ông Hồi năm nay đã 91 tuổi, với 59 năm tuổi Đảng và tâm nguyện lớn nhất lúc này của vợ chồng ông là mong có sức khỏe để quây quần, vui bên con cháu khi tuổi đã xế chiều...

Bài và ảnh: Đức Tùy
Ý kiến của bạn