Chị là người chiến sĩ áo trắng, qua bao năm cống hiến cho sự nghiệp y tế, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ “Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân” và nhiệm vụ “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn”. Chị có đủ tâm, trí, nghị lực, nhiệt huyết, sự năng động và lòng dũng cảm. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và thách thức, chị đem cả cuộc đời mình chăm lo sức khỏe cho cộng đồng và xã hội. Chị như cánh chim không mỏi, bay mãi, bay mãi.
Chị Đinh Thị Cúc Hương, người thầy thuốc tình nguyện về Trung tâm y tế huyện Vĩnh Hưng
Chị Đinh Thị Cúc Hương, sinh năm 1959 có thân hình nhỏ nhắn và khuôn mặt phúc hậu. Chị tốt nghiệp Trung cấp Nữ hộ sinh. Quê ở phường 2, thị xã Tân An, tỉnh Long An (thành phố Tân An). Cha mẹ là nông dân, chị là người con thứ sáu trong gia đình có 13 anh chị em. Chị là người thầy thuốc tình nguyện về Trung tâm y tế huyện Vĩnh Hưng làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS và KHHGĐ). Ở chị có một sức sống mãnh liệt mà nhân dân huyện Vĩnh Hưng và các bạn đồng nghiệp ở Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Hưng ai cũng biết đến và quý mến chị.
Bước chân đi mở đường
Vĩnh Hưng là một vùng miền quê, biên giới Tây Nam. Chiến tranh Campuchia vừa kết thúc. Người dân nơi đây phải đối mặt với giặc dốt, giặc đói và bệnh tật. Cuộc sống cộng đồng, dân cư muôn vàn khó khăn, vất vả. Địa hình rất phức tạp: không điện, không đường, không trường, không trạm y tế, không nước sạch, “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Người dân làm nghề nông, tay lấm chân bùn, trình độ văn hóa thấp kém, chỉ học lớp 1, lớp 2, có người chưa một lần đến lớp. Chị em phụ nữ bệnh tật rất cao, riêng bệnh viêm nhiễm đường sinh sản chiếm tỷ lệ 70 - 80%. Có những ca bệnh có thể điều trị được mà tử vong thật là đáng tiếc. Chị em sinh đẻ rất nhiều, có chị sinh 7 - 8 lần, có chị sinh đến 14 - 15 lần, có nhiều tai biến sản khoa. Chất lượng dân số rất thấp, không đạt yêu cầu xã hội phát triển văn minh.
Để góp sức cùng nhân dân Vĩnh Hưng dẹp giặc dốt, giặc đói và bệnh tật, chị là người chiến sĩ áo trắng âm thầm đem hết tâm, sức và nghị lực của mình xung phong đi mở đường, đưa chương trình CSSKSS và KHHGĐ đến với chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa và hẻo lánh. Với trình độ trung cấp nữ hộ sinh, chị phải đối mặt với những thách thức lớn trước mắt. Trong thời gian trên 15 năm vừa nghiên cứu vừa thực hiện, chị đưa ra nhiều giải pháp, lập kế hoạch tỉ mỉ từng chi tiết, có khoa học để thực hiện chương trình đạt hiệu quả cao.
Chị Cúc Hương giới thiệu các biện pháp tránh thai
Với đôi chân nhỏ nhắn, hết đi bộ trên con đường mòn bụi cát, dưới ánh nắng chói chang, chị còn phải qua nhiều cây cầu khỉ gập ghềnh bắc qua những con kênh cắt ngang đường, rồi phải bơi xuồng qua con sông uốn khúc đầy cây lục bình, mỗi ngày đi 7 - 8km, đến từng hộ dân tiếp cận chị em phụ nữ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) có gia đình, vận động KHHGĐ. Chị đem hết kiến thức của mình truyền đạt cho chị em, giải thích cho chị em hiểu về lợi ích, tác dụng của từng biện pháp tránh thai (BPTT), hiểu tác hại của viêm nhiễm đường sinh sản, giúp chị em nhận biết những bệnh phụ khoa thông thường, đưa kiến thức chăm sóc thai sản đến từng thai phụ. Động viên chị em áp dụng BPTT giảm sinh. Hướng dẫn chị em lóng phèn từng mái nước để có nước sạch sinh hoạt hàng ngày, khuyến khích chị em đến cơ sở y tế khám bệnh phụ khoa, khám thai, sinh đẻ và KHHGĐ. Nhiều lúc đi vận động bị người thân và gia đình chị em phụ nữ từ chối, có những lời nói khó nghe, xúc phạm nhưng chị vẫn bình tĩnh, kiên trì, khéo léo giải thích, chịu khó thuyết phục. Một lần không được, chị lại đến hai lần, rồi dần dần chị cũng thuyết phục được gia đình và chị em phụ nữ. Đến mùa nước nổi, điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn, chị cùng đồng nghiệp thực hiện hai chiến dịch CSSKSS và KHHGĐ hàng năm, nhằm cung cấp kiến thức và dịch vụ KHHGĐ tiếp cận chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Chị cùng đoàn ngồi thuyền hàng giờ, vượt hàng chục km mới đến hết các xã trong huyện. Trạm y tế thời ấy rất khó khăn, thiếu nhân lực, thiếu dụng cụ, thiếu thuốc men, có trạm y tế phải ở ghép với UBND. Phòng khám bệnh, chỗ ăn, chỗ nghỉ cùng chung một căn nhà, chỉ cách biệt một tấm rèm che, ăn uống rất kham khổ, có bữa chỉ có cơm và rau luộc chấm nước mắm. Đi cùng đoàn chị là người khám chính, chị chuẩn bị từng bộ dụng cụ, từng loại thuốc để mang theo. Đến mỗi trạm y tế phải ở lại 2, 3 ngày, mỗi đợt chiến dịch mất hơn một tháng mới hoàn thành. Chị cùng đoàn xuống mượn nhà dân để làm điểm khám phụ khoa và thực hiện các biện pháp tránh thai. Mỗi ngày đoàn phải dời 2 - 3 điểm khám, mỗi điểm chỉ khám được 15 - 20 chị em. Vừa khám chị vừa tư vấn cho chị em từ việc chăm sóc sức khỏe sinh sản đến lợi ích của từng BPTT, hướng dẫn chị em sử dụng từng viên thuốc hợp lý và an toàn. Chị giải thích tỉ mỉ từng tác dụng phụ của vòng tránh thai và thuốc uống tránh thai để chị em an tâm thực hiện. Dù phải dầm mưa, dãi nắng, ăn uống tạm bợ, chị không sợ, chị chỉ sợ công việc không hiệu quả. Có lần khi đi làm nhiệm vụ, ngồi thuyền sang sông cứu một em bé đuối nước, khi trở về lúc nửa đêm, thuyền bị chìm, chị không biết bơi nên bị ngộp nước, sau đó chị được đồng nghiệp cứu. Lần thoát chết đó mọi người nghĩ chị bỏ về thị xã, nhưng với ý chí mạnh mẽ, không trở ngại nào làm chị chùn bước, chị vẫn tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ngoài việc tiếp cận chị em phụ nữ, chị còn kết hợp với đoàn văn công xã đem lời ca tiếng hát của mình, tuyên truyền nội dung CSSKSS, KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số, tác động vào cuộc sống khó khăn, dốt học, nghèo đói và bệnh tật của người dân, giúp họ thay đổi hành vi chấp hành chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước, cải thiện cuộc sống.
Ngoài hết lòng vì người bệnh, chị còn mang lời ca tiếng hát đến cho đời
Gặp nhiều thất bại mới đạt thành công lớn. Từng bước, từng bước, chị em phụ nữ được tiếp cận nhiều kiến thức về CSSKSS và KHHGĐ. Chị em đã có ý thức và trách nhiệm với sức khỏe bản thân. Hàng năm họ đến cơ sở y tế và tham gia những chiến dịch CSSKSS và KHHGĐ để khám bệnh, khám thai, sinh đẻ và thực hiện KHHGĐ nhiều hơn. So với chục năm về trước, hiện tại mỗi ngày của chiến dịch CSSKSS và KHHGĐ, chị khám 120 - 150 ca bệnh, mỗi đợt chiến dịch chị đặt trên 100 vòng tránh thai. Hàng năm không có ca tai biến sản khoa, không có trường hợp tử vong vì mắc bệnh phụ khoa, 100% thai phụ được cán bộ y tế theo dõi và chăm sóc, 100% phụ nữ sinh ở cơ sở y tế, mỗi gia đình chị em phụ nữ chỉ có1 - 2 con, được học hành đến nơi đến chốn... Dù trong cơ thể mang hai bệnh ung thư, suốt hơn 10 năm, năm nào chị cũng tham gia chiến dịch, chị có thể ngồi nhiều giờ đồng hồ để khám bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm tìm bệnh cho chị em phụ nữ. Càng lớn tuổi, sức khỏe không như ý muốn, nhưng chị vẫn làm việc với tinh thần đầy nhiệt huyết, năng động, tận tụy, nhanh nhẹn và vui vẻ, phục vụ người dân hết mình.
Hiện tại, Chương trình CSSKSS và KHHGĐ huyện Vĩnh Hưng năm nào cũng đạt khá, tốt, cũng nhờ vào người chiến sĩ áo trắng thầm lặng xung phong đi mở đường như chị.
Hết lòng vì dân
Đất nước nói chung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An nói riêng, trong thời kỳ đổi mới, có nhiều người lo làm ăn kinh tế, tính toán, làm giàu cá nhân. Trong thời kỳ nóng bỏng nhất, có nhiều nhân viên y tế sa sút về đạo đức, mà ngành y tế cần phải tích cực rèn luyện y đức. Còn chị luôn gương mẫu học tập và làm theo lời Bác dạy: thật thà, liêm chính, chí công. Chị nghiêm túc rèn luyện, thực hiện 12 điều y đức của ngành y tế, thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của ngành y tế, chị làm việc với cái tâm của người thầy thuốc nhân dân: ân cần, hòa nhã, chăm chỉ, nhiệt tình, nhẫn nại... Hàng ngày chị vui vẻ, gần gũi, tiếp nhận từng thai phụ và nhiều chị em phụ nữ đến bệnh viện khám bệnh, sinh đẻ. Chị thăm hỏi cặn kẽ bệnh nhân từng chi tiết nhỏ, khám tỉ mỉ không bỏ sót một động tác nào, tận tình hướng dẫn sản phụ từ chế độ ăn uống, nghỉ ngơi đến việc vệ sinh cá nhân. Với lời nói ân cần nhỏ nhẹ, cử chỉ thân mật chị làm cho bệnh nhân và gia đình họ thấy gần gũi và tin tưởng vào thầy thuốc hơn. Những đêm “muỗi kêu như sáo thổi”, tiết trời lạnh buốt, mọi người chìm trong giấc ngủ, chị vẫn phải theo dõi những ca sinh chuyển dạ kéo dài. Thai phụ mệt mỏi, mất tinh thần, chị theo sát động viên, chăm sóc, xoa dịu cơn đau. Sản phụ có những lần đẻ không đau, không dùng thuốc là nhờ bàn tay mát mẻ của chị. Suốt đêm không ngủ, chị đến từng phòng của sản phụ giúp họ căng màn tránh muỗi, pha giúp sản phụ từng ly sữa nhỏ, hướng dẫn cách chăm sóc bé. Chị lo cho sản phụ như chính người thân của mình. Nhiều lúc chị đã nhịn đói, nhịn khát đến lúc hoàn tất ca sinh, hết giờ theo dõi sản phụ, chị cặm cụi lau chùi, quét dọn phòng sinh, làm sạch và luộc hấp tiệt trùng lại những bộ dụng cụ đã sử dụng, sắp xếp ngăn nắp, bảo quản kỹ lưỡng từng bộ một, sau đó chị mới lo cho cái bụng của mình. Nhờ vào sự tận tâm của chị, bệnh viện đã giảm tối đa những ca sinh nhiễm khuẩn hậu sản, sức khỏe của sản phụ mau bình phục, em bé khỏe mạnh mau lớn, giảm bớt thời gian và chi phí cho bệnh nhân và gia đình. Với những ca cấp cứu sản phụ khoa, nhờ sự nhẹ nhàng, tài trí sơ cấp cứu khéo léo của chị, bệnh nhân vượt qua được thời khắc nguy hiểm, tiếp tục nằm viện để bác sĩ điều trị.
Cuộc sống người dân Vĩnh Hưng hôm nay an khang, thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc, có sự góp sức thầm lặng của người chiến sĩ như chị. Chị sống và làm việc bằng ý chí và nghị lực, sẵn sàng vượt qua thử thách cùng với nhân dân Vĩnh Hưng trong suốt 30 năm đấu tranh chống giặc dốt, giặc đói và bệnh tật không cần vũ khí.
Vượt lên chính mình
Năm 1995 (36 tuổi) chị kết hôn, anh cùng làm việc tại bệnh viện với chị. Con chị được 11 tháng tuổi (1996) chị bị ung thư đại tràng. Đến năm 1998, con chị được 3 tuổi, cháu bị viêm ngoại tử đầu xương đùi. Một lần nữa, năm 2007 chưa hết mừng khi sức khỏe của chị và con chị được bình phục, chị lại mắc thêm bệnh ung thư vú. Sau đó, năm 2010, một tin buồn nữa mà chị phải chấp nhận, chồng chị bị bệnh đái tháo đường týp II. Hiện tại với đồng lương của chị 4 triệu đồng và chồng chị 6 triệu đồng một tháng, chị phải khéo léo tiết kiệm lo bệnh cho hai vợ chồng và nuôi con học lớp 12. Bao nhiêu năm, biết bao khó khăn dồn dập đến với chị nhưng với nghị lực mạnh mẽ của chị, không khó khăn, thử thách nào làm chị gục ngã. Chị đem hết tâm, trí, lực của mình sẵn sàng phục vụ nhân dân. Chị an tâm tư tưởng sống tốt, sống lành mạnh, hàng năm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều giấy khen công nhận thành tích đến với chị, chị vẫn luôn rèn luyện y đức ngành y của mình mọi lúc, mọi nơi, chị thể hiện đúng bản chất người thầy thuốc nhân dân khi khoác chiếc áo blouse trắng. Dù có trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, trở ngại, thiếu thốn trong cuộc sống, trong công việc chị vẫn vui vẻ, hòa đồng, ân cần với đồng nghiệp, với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Chị không than phiền, không đòi hỏi, không trốn tránh, chị làm việc với tinh thần trách nhiệm cao. Cuối cùng chị vượt lên chính mình, hoàn thành xuất nhiệm vụ vì sự nghiệp y tế, đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Như cánh chim không mỏi, chị đem hết cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp y tế. Tháng 2/2014 chị về hưu, chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: “Vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Bài, ảnh: Võ Thị Hằng