Mới đây, tôi bất ngờ được xem Đoàn Nghệ thuật Dân gian Bá Phổ biểu diễn tại một trường học ở Hoài Đức nhân dịp tổng kết cuộc thi Olympic (3/2017). Đoàn ra đời năm 1987, vào thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế nước ta. Vậy mà đoàn vẫn trụ vững cho đến nay đã ba chục năm. Nghe nói, hai cháu nội của nhạc sĩ Bá Phổ cũng đã nhập hàng ngũ nghệ sĩ gia đình đi biểu diễn khắp nơi...
“Ông vua đàn nguyệt”
Nhạc sĩ Bá Phổ là một hình ảnh kỳ dị nhất mà tôi đã từng gặp. Ông là người khá xương xẩu cả về dáng vóc lẫn cá tính nghệ thuật. Luôn luôn đi tìm cái mới, ông lặn lội cả đời mình hiến dâng cho âm nhạc dân gian, với những cải tiến nhạc cụ truyền thống. Có dịp gặp ông mới đây, cá tính ông càng bộc lộ khá mãnh liệt, khi câu chuyện động chạm tới những nhạc cụ mà ông dành nhiều tâm huyết. Riêng với cây đàn nguyệt, nhạc sĩ Bá Phổ dường như một thời không có đối thủ biểu diễn cạnh tranh. Thật đúng là “độc cô cầu bại”, với những tác phẩm “mừng xuân”: Hãy về với anh, Mẹ yêu, Ba con ngựa, Chiều về... ngón đàn của Bá Phổ làm say đắm lòng người. Cách đây chừng hơn ba mươi năm, không ngày nào tiếng đàn rộn ràng của ông không vang lên trên làn sóng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam. Hiện ông còn giữ cây đàn nguyệt thân quen như một báu vật gắn với cuộc đời biểu diễn của mình khi còn là diễn viên nhạc công ở Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam hiện nay). Ông kể, đây là cây đàn mà ông đã từng biểu diễn nhiều lần cho Bác Hồ cùng các đồng chí lãnh đạo xem.
Cả nhà cùng biểu diễn.
Nói về danh hiệu “Vua đàn nguyệt” mà khán giả Pháp trao tặng cho ông, như một phần thưởng lớn đối một nghệ sĩ trẻ ngày đó, khi mới chớm sang tuổi 30 (năm 1969). Ông kể, mình đã tu luyện ngón đàn không kể ngày đêm, quên ăn, quên ngủ và quên cả yêu... Ông là “Vua đàn nguyệt” với cả hai nghĩa tài năng biểu diễn và tận tụy đến cùng. Nhưng có lẽ còn hơn thế, cũng vào giai đoạn này nhạc sĩ bắt đầu có nhiều ý tưởng, khám phá kho tàng âm nhạc dân gian. Không ai không nhớ đến hình ảnh nhạc sĩ Bá Phổ thường lặn lội với chiếc ba lô đi khắp đó đây, mỗi khi nghe ở một nơi nào đó có nhạc cụ dân tộc mới lạ. Ông coi đó là một chuyến đi khai thác mỏ “vàng” âm thanh. Nhạc sĩ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam có lần nói, ông như một kẻ đi cô đơn trên một con đường của riêng mình, khám phá những miền âm thanh mới, với niềm say mê bất tận. Chính vì thế, hơn nửa thế kỷ qua, ông đã sưu tầm và cải tiến hàng trăm nhạc cụ của những người dân tộc ít người.
Chiếc đàn T’rưng của đồng bào Tây Nguyên là một trong những chiếc đàn mà nhạc sĩ Bá Phổ đã dày công cải tiến và biến nó trở thành nhạc cụ có thể biểu diễn trong dàn giao hưởng. Kể về kỷ niệm này, nhạc sĩ Bá Phổ như sống lại với những đêm không ngủ để tìm ra thang âm kỳ ảo từ ống nứa, thanh tre. Cấu trúc của đàn T’rưng hiện nay là kết quả sau 7 năm trời nghiên cứu và cải tiến. Từ chiếc đàn treo không có giã đỡ khó chơi với 5 cung hạn hẹp. Ông đã biến hóa chiếc đàn trở thành một cung đình âm thanh mới, 12 cung với dàn và giá đỡ tạo hình mái nhà Rông. Năm 1985, ông đã biểu diễn và bảo vệ thành quả sáng tạo của mình trước sự ngạc nhiên và thán phục của những nhà chuyên môn. Không chỉ có vậy, nhạc sĩ Bá Phổ còn là người làm mới hàng chục nhạc cụ hiếm hoi khác của đồng bào dân tộc ít người trên khắp đất nước. Hiện nay trong ngôi nhà “Nhạc đường Bá Phổ” (thành lập từ năm 2005) có tới hơn 200 nhạc cụ dân tộc, chính là kết quả sáng tạo và lao động không biết mệt mỏi của ông trong suốt cuộc đời hoạt động âm nhạc. Chính vì thế mà nhạc sĩ Bá Phổ được Nhà nước phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), năm 1993.
“Ngón đàn” kỳ diệu nhất cuộc đời Bá Phổ
Ngoài sự thành công lớn với kho tàng nhạc cụ dân tộc, nhạc sĩ Bá Phổ còn đóng góp công sức đào tạo các lớp học trò nghệ sĩ của mình. Nhưng có lẽ niềm an ủi lớn lao nhất, đó chính là người con trai của vợ chồng ông - nghệ sĩ Bá Nha. Vợ ông, NSƯT Mai Liên tâm sự, nhạc sĩ Bá Phổ hết sức gay gắt và khắt khe trong việc dạy kỹ thuật đánh đàn cho con trai. Với tính cách của một phù thủy âm thanh tre nứa, ông đã truyền lửa cho con mình trong từng ngón tay luyến láy và nhấn nhá. Ngay đến cái tên Bá Nha ông đặt cho con cũng với dụng ý phải chơi đàn giỏi và nổi tiếng khắp thiên hạ như danh cầm Bá Nha, đời Xuân Thu chiến quốc.
Và thật kỳ công, trong tay ông quả có một Bá Nha “thần đồng”, với những ngón đàn tuyệt hảo. Bá Nha lên 4 tuổi đã cùng cha mẹ đi biểu diễn nhiều nơi và thể hiện là một tài năng nhí vượt trội. Năm 8 tuổi, Bá Nha đoạt liền hai giải Nhất trong Liên hoan Âm nhạc Thiếu nhi Quốc tế (1984). Năm sau, Bá Nha được chọn là đại biểu trẻ nhất của Festival Thanh niên - Sinh viên Thế giới lần thứ 12 tại Nga. Đây là trường hợp xưa nay hiếm với một tài năng âm nhạc dân tộc. Hơn thế nữa, ở vào tuổi 15 Bá Nha là học sinh duy nhất được đặc cách lên bậc đại học. Năm 19 tuổi, anh đã tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội - Khoa Nhạc cụ truyền thống (năm 1995). Điều đó nói lên ngôi sao Bá Nha đã được công nhận qua những ngón đàn siêu kỹ thuật mà người cha đã truyền lại cho anh.
Bá Nha chơi đàn nhị.
Đặc biệt, trong chuyến đi biểu diễn qua 14 tỉnh thành Nhật Bản, năm 1998 cùng Đoàn Nghệ thuật Bá Phổ, tiếng đàn Bá Nha đã được khán giả quốc tế nồng nhiệt đón nhận và khen ngợi hết lời. Bá Nha biểu diễn với nhiều nhạc cụ như nhị, nguyệt, tam, tứ, đinh goong... đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người nghe. Nhưng phải nói kỹ thuật chơi đàn nhị của anh đã đến mức tuyệt mỹ. Cũng giống như cha anh, đến nay riêng về đàn nhị, nghệ sĩ Bá Nha hiện không có đối thủ. Chẳng thế mà ở Trung Quốc, vốn là xứ sở nổi tiếng với kỹ thuật nhị hồ vẫn phải mời anh sang biểu diễn nhân dịp Đài Phát thành Trung ương kỷ niệm 70 năm thành lập.
Sau đó, Bá Nha đã trình làng hai CD âm nhạc, biểu diễn nhị và các nhạc cụ dân tộc khác. Đây là hiện tượng hiếm hoi, vì anh là người đầu tiên ra Album độc tấu âm nhạc truyền thống, trước sự nở rộ phong trào âm nhạc trẻ đang thịnh hành hiện nay. Đó là một bản lĩnh nghệ sĩ đứng trước sự thách thức của thị trường âm nhạc. Năm 2013, anh còn bảo vệ thành công xuất sắc luận án thạc sĩ về âm nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Quảng Tây, Trung Quốc. Tôi đã từng có dịp được nghe Bá Nha biểu diễn cây đàn nhị tại một trường đào tạo âm nhạc. Với nhạc phẩm Ba con ngựa (sáng tác của Bá Phổ), anh được khán giả vỗ tay giữa chừng tới 5 lần, trong khi đang kéo đàn. Đó là sự hưng phấn cao độ và khả năng truyền cảm độc đáo. Với tài năng của mình, nghệ sĩ Bá Nha từng đoạt giải “Trí tuệ toàn cầu” ở Trung Quốc, thậm chí có nhà báo nước ngoài còn tôn vinh anh là “Thiên tài âm nhạc”.
Người đàn bà phía sau sự thành công
Đó chính là NSƯT Mai Liên, thân mẫu của Bá Nha. Bà đã cùng chồng có công sức đào tạo con trai trở thành một hiện tượng âm nhạc. Đồng thời bà còn là chỗ dựa tinh thần lớn nhất cho “Nhạc đường Bá Phổ”. Không những là nguồn cảm xúc lai láng cho những sáng tác của chồng mà bà còn là nghệ sĩ biểu diễn có tài. Bà chính là người đầu tiên đánh đàn T’rưng cải tiến của chồng trên sân khấu. Trong các chương trình biểu diễn, bà là người kết nối chương trình khá duyên dáng với những nhạc cụ như Chiêng, Khánh, K’long Put cùng T’rưng... Đặc biệt, trong chương trình gần đây mà tôi nghe được bà còn hát xẩm, bài Nước chảy đôi dòng rất hay theo tiếng đàn nhị của con trai, cùng tiếng phách của chồng.
Dường như trong đoàn nghệ thuật của gia đình Bá Phổ, ai cũng biết chơi đàn và hát, kể cả cô con dâu Diệu Thúy cũng là ca sĩ được đào tạo bài bản từ Nhạc viện Hà Nội. Điều thú vị nhất là bé Song Lợi cũng đã bắt đầu lên sân khấu biểu diễn, giống như Bá Nha hồi nhỏ, vừa mới biết đi đã biết chơi đàn. Tôi nhớ hôm ấy, cô bé Song Lợi vừa chơi đàn chiêng tre, vừa hát bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng trước sự reo hò tán thưởng của cả hội trường bừng dậy trong niềm vui khó tả. Quả đây là một ngôi nhà âm nhạc kỳ lạ có một không hai ở nước ta.