Xu hướng sử dụng lao động rôbốt đang trở thành trào lưu ở châu Á, đặc biệt là tại những quốc gia có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến. Phải chăng con người – chủ thể của mọi dạng lao động – đã hết thời? Chỉ trong vòng 3 năm qua, đội ngũ “rôbốt hầu bàn” đang nở rộ tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Hoa đại lục.
Rôbốt hầu bàn thật sự là những cỗ máy rất linh hoạt, theo lời của ông Illah Nourbakhsh, giáo sư công tác tại Viện Nghiên cứu rôbốt học thuộc Trường ĐH Carnegie Mellon (CMU) tại Pittsburgh, bang Pennsylvania (Mỹ). Tuy nhiên, trở ngại khắc nghiệt nhất trong việc nhân rộng trong các rôbốt là vấn đề cảm xúc. Giáo sư Illah Nourbakhsh phát biểu: “Dù biết cách phục vụ khách hàng, song rôbốt không thể nào biết cách nói đùa hay là biết cách gợi chuyện gì đó nhằm mua vui cho khách trong khi họ ăn uống”. Thực vậy, rôbốt chỉ có thể thực hành một cuộc hội thoại ở dạng đơn giản. Cho đến nay, các dạng rôbốt hầu bàn tại châu Á mới chỉ ở dạng lập trình sẵn, hoạt động theo kiểu "mì ăn liền". Một số rôbốt hầu bàn có thể thông dịch các lệnh thoại cơ bản. Chúng có thể mang các khay thức ăn đến tận bàn cho khách hoặc cung cấp thức ăn tự động trên xe buýt, nhưng chỉ áp dụng cho các lộ trình cố định mà thôi. Và rôbốt hầu bàn có chi phí cao hơn so với nhân lực con người, đặc biệt là ở châu Á, đơn cử chỉ 2 rôbốt hầu bàn tại nhà hàng Hajime Robot ở Bangkok (Thái Lan) đã có mức phí lắp đặt tổng cộng lên tới 930.000 USD.
Sử dụng lao động rôbốt ngày càng phổ biến. |
Trở ngại về cảm xúc ở rôbốt
Rôbốt có thể phản hồi trực tiếp các yêu cầu từ miệng của khách hàng được không? Thực sự là không. Do chưa được trang bị phần mềm hội thoại tự động nên các thực khách khi đến với nhà hàng Hajime, nếu muốn ăn, họ phải gọi đồ ăn bằng cách thao tác trên một cái bàn phím có gắn một màn hình phẳng cảm ứng, nhanh nhất là bằng cách nhấn nút gọi thức ăn trước bụng của rôbốt hầu bàn.
Một thế hệ rôbốt hầu bàn mới mang tên Yumbo ra đời vào năm 2011 tại Thái Lan. Ước tính cứ 10 nhà hàng ăn uống sẽ có 1 rôbốt Yumbo có chiều cao và giọng nói tương ứng với một chàng trai đến tuổi dậy thì. Yumbo đi rón rén qua các hàng ghế và trên tay “chàng” chỉ mang theo một khay thức ăn duy nhất. Yumbo có thể chúc mừng “Happy birthday” và một số câu nói dễ thương bằng tiếng Thái. Và nhờ vào các thẻ nhận dạng tần số vô tuyến, Yumbo sẽ không bao giờ mang khay đồ ăn nhầm bàn của khách. Nhưng Yumbo cũng không thể xử lý được những câu hỏi phức tạp.
Một quán café tại Hàn Quốc đã “tuyển mộ” một số rôbốt hầu bàn nhỏ con - không lớn hơn lò vi sóng là mấy. Chúng sẽ nhanh chóng đưa thức ăn, đồ uống đến bàn cho khách. Theo ông Devendra Garg, người đứng đầu Phòng thí nghiệm rôbốt học tại Đại học Duke ở Durham, Bắc Caroline (Mỹ): “Những con rôbốt này trông như một băng tải, chuyển thức ăn từ nhà bếp đến bàn ăn của khách với rất nhiều chuông và còi, nghe rất vui tai. Nhưng chúng vẫn không thể phản ứng với các tình huống bất ngờ. Đối với các chuyên gia, còn có quá nhiều thứ để hoàn thành trong phòng thí nghiệm trước khi đạt đến những thế hệ rôbốt hầu bàn linh lợi hơn”.
Liệu thế giới đã phát triển đến một mốc kéo theo một làn sóng rôbốt hầu bàn thay thế con người? Tuy nhiên, theo các chuyên gia nghiên cứu, chế tạo rôbốt, con người vẫn đóng vai trò chủ lực trong các công tác quản lý và điều hành vì dẫu có hiện đại đến mấy thì chúng không thể nào thông minh như con người.
NGUYỄN THANH HẢI (Theo GOP)