Khi trái tim chạm đến trái tim
Trong một dịp ghi nhận tại Làng trẻ Birla, tôi bị cuốn hút ngay bởi ánh mắt, sự dịu dàng và những hành động của một người ngoại quốc. Qua thông dịch, tôi mới biết ông đến từ xứ sở của loài hoa anh đào, hiện ông là Đại sứ hữu nghị đặc biệt Nhật - Việt, Việt – Nhật, ông Sugi Rytaro. Còn với những đứa trẻ đang sinh sống và học tập tại Làng trẻ Birla thì chẳng đứa nào lạ ông cả. Chúng vẫn gọi ông bằng cái ngôi xưng rất trừu mến Bố Sugi.
Qua người thông ngôn, ông kể: Lần đầu tiên ông đặt chân đến Việt Nam là năm 1989, và điểm dừng chân đầu tiên cũng là ở cái làng trẻ Birla này. Những đứa trẻ, những hoàn cảnh đã níu bước chân ông và thúc đẩy ông làm một điều gì đó sau lần đến đầu tiên.
“Tôi vẫn còn nhớ như in, ngày ấy tôi mang theo bánh, kẹo, đồ chơi đến với các con - những thứ mà tôi nghĩ sẽ làm cho những đứa trẻ vui mừng. Nhưng tôi đã nhầm, khi tôi phát cho các con những cái bánh, cái kẹo thì các con chỉ cầm khư khư trên tay, tôi lại hỏi sao các con không ăn bánh kẹo đi, một vài con trong nhóm bạn hôm đó nói “Chúng con cần có bố, có mẹ cơ!”. Ở chơi với chúng thật lâu, tôi mới biết lý do: Các con cần có bố, có mẹ! Câu nói phát ra từ những đứa trẻ còn ngô nghê, trong sáng đã cứa vào tâm can ông. “Tôi chẳng nghĩ được gì lúc đó. Tôi đã đi ra ngoài và khóc. Tôi thực sự cảm thấy xấu hổ vì mình chẳng hiểu gì trái tim của trẻ nhỏ. Chính những đứa trẻ kia đã đánh thức và giúp tôi hiểu ra điều đó” - Vừa trầm ngâm, ông Sugi Rytaro vừa nói.
Ngài Sugi Ryotaro cùng 4 người con nuôi đầu tiên. Ảnh: Làng trẻ em Birla
Khi trái tim chạm đến trái tim, ông Sugi Rytaro quyết định nhận 4 đứa trẻ là anh em trong cùng một gia đình làm con nuôi đầu tiên của mình. Niềm vui ấy cứ lớn dần lên theo năm tháng “Đến giờ tôi đã có hơn 90 người con rồi đấy nhà báo ạ. Tôi thực sự muốn trở thành ông bố của nhiều đứa trẻ hơn nữa. Chúng thiếu thốn và thiệt thòi nhiều quá” – ông bố Sugi cho biết.
Ngài Sugi Ryotaro cùng 4 người con nuôi trong lễ kỉ niệm 30 năm ngày thành lập làng trẻ em Birla. Ảnh: T.A
Những chú gà con đã trưởng thành
Đang trong câu chuyện, ông bố của hơn 90 người con của Làng trẻ Birla đột nhiên quay sang hỏi tôi: Nhà báo biết món quà tôi tặng các con tôi sau đó là gì không? Tôi chưa kịp phản ứng, ông đã nở nụ cười hiền khô chỉ về phía chuồng gà phía cuối ngôi làng và nói: Là những chú gà con.
Ông kể: Ngay từ buổi đầu tiên đến thăm làng trẻ, tôi đã tặng gà con để làng trẻ nuôi, góp phần nào đó hỗ trợ cuộc sống của làng trẻ. Sau đó tôi cùng bọn trẻ xây chuồng để nuôi gà. Gà được nuôi tốt, hơn một nửa số trứng đẻ ra được bổ sung cho bữa ăn của các con; Phần còn lại thì đem bán. Tiền bán gà mua lợn con về nuôi. Tiền bán lợn sau khi nuôi lớn được dùng để mua máy khâu. Máy khâu đó được dùng để may quần áo đem bán. “Cứ thế, mỗi thứ đều có mắt xích với nhau. Một phần giúp bọn trẻ thêm yêu động vật cũng như tìm được niềm vui trong công việc và hiểu được giá trị của đồng tiền” - ông Sugi cho biết.
Dốc những dòng tâm sự, ông Sugi chia sẻ, tôi muốn bọn trẻ học được trên con đường tự lập trong cuộc sống của mình. Những đứa kia khi sinh ra đã thiếu thốn tình cảm rồi. Mình chia sẻ cho chúng điểm tựa, chỉ bảo, uốn nắn cho chúng những điều cần thiết để có những trải nghiệm trong cuộc sống sau này.
Một trong những hoàn cảnh tôi khắc ghi trong ông Sugi Rytano là cô con gái Nguyễn Thị Hạnh. Hạnh hiện đang làm cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ nhằm giúp đỡ trẻ em mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Việt Nam.
“Ngày tôi đến với Làng trẻ Birla, nhìn con bé đen nhẻm và nhút nhát. Nó không bao giờ cười và luôn thu mình vào một chỗ. Hạnh sinh ra trong một gia đình mẹ là thanh niên xung phong. Ngày hạ sinh Hạnh cũng là ngày mẹ phát bệnh. Căn bệnh của những người trở về từ chiến trường rải đầy chất độc. Không có bố, mẹ bệnh tật. Hạnh được gia đình đưa vào làng, nhờ sự cưu mang, giúp đỡ.
“Tôi đã trò chuyện với con bé rất nhiều, giảng giải và vui chơi cùng chúng bạn. Mọi mặc cảm dần được xua tan, con bé trở lên lanh lợi và rất chịu khó. Giờ thì con đã có một mái ấm gia đình, có một công việc ổn định rồi” - ông bố Sugi hồ hởi cho biết.
Và những vun đắp ấy đã không phụ lòng ông khi những đứa trẻ ngày một lớn lên và trưởng thành hơn. “Nhiều trẻ hồi nào giờ đã tốt nghiệp đại học, đi làm và kết hôn. Mỗi lần nghe tin chúng xây dựng gia đình, rồi sinh con. Nước mắt tôi lại chực trào ra. Cũng bởi công việc nên không thể dự tất cả các đám cưới của các con, nhưng tôi đều có những món quà đặc biệt và luôn cầu chúng cho các con mọi sự an lành”.
Ngài Sugi Ryotaro hát cùng các con làng trẻ em Birla. Ảnh: T.A