Người Chăm vui Tết Roya Haji

22-09-2016 19:52 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong những ngày đồng bào Chăm An Giang vui mừng đón Tết Roya Haji - Tết dân tộc (từ 10 - 13/12 Hồi lịch, nhằm 13 - 16/09/2016)...

Trong những ngày đồng bào Chăm An Giang vui mừng đón Tết Roya Haji - Tết dân tộc (từ 10 - 13/12 Hồi lịch, nhằm 13 - 16/09/2016), chúng tôi về An Giang - nơi đầu nguồn dòng Cửu Long giang, ghé qua những làng Chăm hiền hòa, thân thiện. Nơi ấy có những thánh đường uy nghiêm, có những cô gái Chăm e thẹn bên khung cửi dệt thổ cẩm, có những ngôi nhà sàn được làm bằng gỗ hàng trăm năm tuổi, có những chàng trai Chăm quăng chài thả lưới...Tất cả đã tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo người Chăm ở miền sông nước.

Trong những ngày lễ này, người Chăm tề tựu về hành lễ tại thánh đường rất đông, mổ bò, dê chia cho cả làng ăn Tết, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị, người Chăm thêm một tuổi mới. Theo ông Haji Zacky - Trưởng ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang cho biết: Trước khi bước vào lễ hội Roya Haji, các làng Chăm An Giang thực hiện nghi lễ Qur ban làm thịt một con vật như: bò, cừu, dê… lễ dâng tế đến thánh ALLA. Sau khi con vật được làm thịt sẽ phân phát cho bà con trong làng cùng thưởng thức. Đối với đồng bào Chăm An Giang mỗi khi vào lễ Roya Haji thường được hỗ trợ hàng trăm con bò dùng để dâng tế.

Người Chăm An Giang vui mừng đón Tết Roya Haji (Tết dân tộc thêm tuổi). Họ hòa mình với lễ hội Roya yêu thương.

Trong những ngày Tết Roya Haji, mọi người đều mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất mà mình có. Khoảng 7 giờ sáng, đàn ông, con trai từ 15 tuổi trở lên tập trung tại Thánh đường làm lễ, sau đó bắt tay mọi người xin tha thứ lỗi lầm và xóa bỏ những hiềm khích trong năm qua. Cũng trong ngày Tết Roya Haji, mọi người khi ra đường gặp nhau chào hỏi đều phải nói “Am má” (xin tha thứ) và người kia cũng đáp lại như vậy, nên ý nghĩa đầu tiên của ngày này là xin lỗi và sự tha thứ. Chính vì vậy, cộng đồng người Chăm An Giang còn gọi lễ hội này là “Roya yêu thương”. Nhờ đó, cộng đồng người Chăm ở An Giang rất gắn bó, thân thiết với nhau. 5 năm qua, cùng sự hỗ trợ của Trung ương, An Giang đã tập trung nguồn lực, tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển toàn diện cho đồng bào dân tộc Chăm. An Giang đã đầu tư hơn 8,2 tỷ đồng xây dựng hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng, láng nhựa, bê-tông hóa, cất mới, sửa chữa cầu giao thông nông thôn; đầu tư kinh phí nạo vét kênh, mương nội đồng, chuyển đổi bơm dầu sang bơm điện các xã, xóm ấp có đông đồng bào dân tộc Chăm sinh sống. Duy trì, phát triển nhiều ngành nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, thêu, đan; kinh doanh mua bán, làm dịch vụ gắn với du lịch, đa dạng hóa các loại hình sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nâng cao đời sống. Thay đổi lớn nhất là đồng bào chuyển đổi nghề nghiệp làm ăn, không còn hình ảnh chiếc ghe lênh đênh trên sông nước. Nhờ phát huy hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, An Giang có 2.733 hộ đồng bào Chăm có đời sống khá trở lên (chiếm 83,5%), hộ nghèo chỉ còn 7,3%, hộ cận nghèo còn 9,2% và 100% ấp, xã vùng đồng bào dân tộc Chăm có điện lưới quốc gia, có nhà máy nước… Những tuyến đường giao thông trong các làng Chăm đều được nhựa hóa hoàn toàn, thuận lợi đi lại quanh năm, không lo ngập nước như trước.

Vào dịp lễ Roya Haji, nhiều du khách nước ngoài hay các cộng đồng dân tộc anh em đến các làng Chăm An Giang tham quan, chung vui đều được các gia đình người Chăm tiếp đãi hết sức chân tình, nồng hậu, tạo thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức độc đáo và thú vị. Qua phà Châu Giang là đến với hai làng Chăm Phú Hiệp và Châu Phong (TX. Tân Châu - An Giang), du khách sẽ có cảm giác như lạc vào “xứ sở nghìn lẻ một đêm” bởi ta sẽ bắt gặp những ngôi thánh đường uy nghi, bề thế với lối kiến trúc Tây Nam Á rất rõ nét: mái vòm tròn “củ tỏi’, đỉnh nhọn vuốt lên cao, các cửa thông gió hình chữ U ngược có nẹp viền, màu trắng và xanh lá cây sẫm là màu chủ đạo, bao trùm lên kiến trúc…Trên đường làng, du khách sẽ gặp các cô gái Chăm vận trang phục truyền thống, trùm khăn, đôi khi có che mạng. Các cô gái Chăm sở hữu làn da trắng và đôi mắt bí ẩn, đẹp chết người!

Các cô gái đều khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất của đồng bào mình vui mừng đón Tết Roya Haji.

Xã Châu Phong có gần 1.100 hộ đồng bào Chăm sống dọc theo hai bên bờ kênh Vĩnh An, trong đó có hơn một nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ đội đầu, các mặt hàng lưu niệm… Vải vóc của phụ nữ Chăm được dệt bởi chất liệu tơ, sợi với hoa văn tinh tế, nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên nên màu sắc đẹp và lâu phai. Chính nhờ bí quyết này mà sắc màu thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Theo ông Ismal, cả làng Chăm Châu Phong (Châu Phong - thị xã Tân Châu): “Việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải đã có lâu đời và là nghề truyền thống của người Chăm ở An Giang. Thổ cẩm Châu Giang chỉ có ở Phũm Soài (xã Châu Phong), chứ ngoài ra không nơi nào có. Hoặc có chăng cũng không khéo tay bằng”.

Sản phẩm dệt thổ cẩm của Châu Giang có mặt ở nhiều nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản, Canada. Đặc biệt, hai mặt hàng ikat vân mây và thổ cẩm bông dâu bán rất chạy. Cùng với chiếc khăn dành cho nữ gốc đạo Islam dần dà đứng vững trên thị trường nước ngoài, những thợ dệt may người Chăm đã phát triển thêm sản phẩm khăn, áo (dành cho cả nữ và nam) theo đạo Hồi, phái Islam. Hiện tại, ở Phũm Soài có khoảng chục hộ chuyên tổ chức sản xuất và kinh doanh 2 mặt hàng này, mỗi tháng xuất khẩu từ 30 - 40 thùng (60kg/thùng) gồm khăn và áo, tổng cộng 20.000USD/tháng. Anh Mohamal Haji Tares (ấp Phũm Soài - Châu Phong) hớn hở khoe: Mọi giao dịch đều ngồi tại nhà, tháng nào cũng có người Chăm của An Giang về thăm quê hương, rồi sẵn dịp trao đổi mẫu mã, yêu cầu số lượng hàng. “Người có vốn nhiều và làm ăn lớn phất lên, giúp đồng bào trong xóm có công ăn việc làm và thu nhập cải thiện gia đình. Như một cái khăn hoặc cái áo thêu, rua hoàn chỉnh, giá 25 - 35USD, người gia công được hưởng 45.000 - 50.000 đồng/cái, làm bằng tay một mình khả năng được 2 cái/ngày, nếu làm bằng máy có thể 3 - 4 cái/ngày. Như vậy, lao động nữ làm bằng tay cầm chắc 90.000 đồng/người/ngày, còn làm bằng máy sẽ cao gấp đôi”, anh Mohamal Haji Tares nói. Còn chị Zây Mah chia sẻ: “Gia đình tôi có điều kiện cải thiện kinh tế nhờ vào việc bán sản phẩm thổ cẩm cho du khách. Khách rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống của chúng tôi, đặc biệt là khăn ma-tơ-ra. Nhờ đó, nhiều gia đình trong làng có điều kiện nâng cao thu nhập”.

Trong những ngày Tết Roya Haji, mọi người đều mặc trang phục dân tộc truyền thống đẹp nhất mà mình có. Đàn ông, con trai từ 15 tuổi trở lên tập trung tại Thánh đường làm lễ.

Anh Roh Man - Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch Châu Phong cho biết: Mỗi tháng Châu Phong đón khoảng 1.200 khách quốc tế, còn khách nội địa được gần 1.000 khách. Còn chị Mari Dâm - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong cho biết: Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo của làng Châu Phong được ngành du lịch An Giang chọn làm làng du lịch cộng đồng, có nhiệm vụ quảng bá làng du lịch cộng đồng, làng dệt Châu Phong, giới thiệu cho du khách nét văn hóa và sản phẩm của người Chăm. Đặc biệt, trung tâm này còn tổ chức nhiều tour cho du khách trong và ngoài nước tham quan Châu Phong, trong đó có tour homestay (ở nhà người dân bản địa) với chương trình “Trở thành một người Chăm” (1 ngày 1 đêm). “Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, tập vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Đặc biệt, khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm như: cà ri bò, lạp xưởng bò, gỏi sầu đâu, bánh Chăm (bánh tổ chim, bánh lỗ)… nên những năm gần đây, Tết Roya Haji làng Chăm Châu Phong rất đông khách”, Chị Mari Dâm nói.

Chia tay những làng Chăm, những cô gái Chăm e ấp bên chiếc khăn ma-tơ-ra, vị ngọt bùi ngây ngây mùi khói của đặc sản tung-lò-mò, những khung cửi lách cách dệt nên những mảnh vải thổ cẩm đẹp diệu kỳ... Vui vì xóm Chăm ngày nay đã khởi sắc, có những người con ưu tú đang ngày đêm làm việc, học tập để xây dựng quê hương. Ði dọc theo sông Hậu, làng Chăm Châu Giang xa dần, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm mừng lễ hội và lại nghe thấp thoáng đâu đây, âm thanh rộn ràng của trống baranung, trống ginăng... Và nhiều du khách tự nhủ, có dịp sẽ về thăm lại những làng Chăm An Giang.


Phương Nghi
Ý kiến của bạn