Hà Nội

Người “cấy” kỹ thuật y Việt ở trời Âu

08-03-2014 07:00 | Y tế
google news

SKĐS - Ở Hungari, có rất nhiều người châu Á, nhưng không có một phòng khám tư nào do người Châu Á đứng tên, thế mà lại có một phòng khám chữa bệnh theo phương pháp châm cứu cổ truyền của người Việt Nam: “Viện cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam, bác sĩ Lê Thúy Oanh”…

Ở Hungari, có rất nhiều người châu Á, nhưng không có một phòng khám tư nào do người Châu Á đứng tên, thế mà lại có một phòng khám chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền của người Việt Nam: “Viện cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam, bác sĩ Lê Thúy Oanh”…

 

Bác sĩ Thuý Oanh cấy chỉ cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

Bác sĩ Thuý Oanh cấy chỉ cho bệnh nhân. Ảnh: Trần Minh

 

Mối duyên với cây kim châm cứu

Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu bằng những ký ức vui vẻ. Theo nghề bố, cô gái Hà Nội xinh xắn, nhỏ nhắn Lê Thúy Oanh vào bộ đội thông tin năm 1974, đóng ở Sư đoàn 361 tại Hà Nội. Nhưng rồi, như một cơ duyên, năm 1976, chị lại thi đỗ vào Học viện Quân y. 6 năm dùi mài kinh sử, năm 1982, ra trường chị được phân công làm việc làm tại Khoa Tim mạch (Viện Quân y 91). Bác sĩ Oanh bắt đầu câu chuyện cuộc đời mình như vậy.

Nhưng rồi, không biết vì ngưỡng mộ GS. Nguyễn Tài Thu hay phương pháp chữa bệnh bằng y học cổ truyền hút hồn mà sau một lần được nghe GS. Nguyễn Tài Thu nói chuyện về châm cứu, chị quyết theo đuổi nghề. Từ khi ở trường, chị đã tìm hiểu về cấy chỉ của Viện 103, lúc đó là phương pháp cấy chỉ bằng kim khâu da, phải gây tê trước và bệnh nhân đau nhiều. “Tại Viện 91, tôi đã áp dụng cấy chỉ cho bộ đội bị hen và đau cột sống, đầu gối...”, chị kể. Năm 1984, chị chuyển hẳn về Viện Châm cứu làm việc. Hơn 4 năm dưới sự hướng dẫn của GS. Nguyễn Tài Thu, chị đã học hỏi được nhiều về chuyên môn.

Năm 1989, sau một lần đi chuyên gia bên Hungari, chị được đích thân Giám đốc của Viện Khớp và Vật lý trị liệu quốc gia Hungari mời sang làm chuyên gia châm cứu và giảng dạy. Băn khoăn lắm vì lúc đó chị không hề biết một chữ tiếng Hung nào cả. Nhưng rồi, được bố mẹ và chồng cổ vũ, động viên, chị cũng lên đường với vốn tiếng Anh, Pháp ít ỏi.

Những tháng ngày vất vả

Những ngày đầu làm việc tại Hungari là những chuỗi ngày khó khăn. Xứ sở, những gương mặt, ngôn ngữ và món ăn... tất cả đều xa lạ. Chị như người đi lạc giữa rừng, nỗi nhớ nhà, nhớ chồng, nhớ đứa con trai bé bỏng mới 3 tuổi,... Nhắc lại mảng kí ức ấy, nước mắt vẫn đọng trên khóe mắt chị. “Mấy tháng đầu tôi khủng hoảng tinh thần. Cả tháng trời cứ hết giờ làm việc là tôi lại khóc. Nhưng rồi, tôi tự động viên mình gượng dậy và bắt đầu tự học tiếng Hung. Lúc đầu tôi nhờ người phiên dịch, sau tôi tự học, làm việc cùng người Hung để có thể tự nhớ từ, thuộc từ. Giao tiếp bằng bút giấy, bằng động tác tay chân... hơi mất thời gian nhưng tôi rất vui vì bệnh nhân nói: “Bạn không giỏi tiếng Hung nhưng bạn chữa bệnh rất hiệu quả, chúng tôi cần điều đó”.

6 tháng sau, chị đón con trai sang. Vừa đi làm, nuôi con, không bà con thân thích. Những ngày mùa đông, trời lạnh âm độ, phải dậy từ 6 giờ sáng, trời tối mù mịt, bế con đi gửi trẻ khi con vẫn đang ngủ... Không bao giờ chị quên được, có một lần chị bị cảm, sốt và nôn nhiều, đứa con trai bé bỏng cứ ôm chầm lấy chị khóc và nói “Mẹ ơi mẹ đừng chết..”. Thế rồi, mẹ khóc, con khóc... Đến năm 1996, chồng chị, anh Trần Ngọc Hân, mới làm xong thủ tục để sang Hungari.

Những tưởng cuộc sống mới sẽ tràn ngập niềm vui và hạnh phúc. Nhưng rồi, một tai nạn thảm khốc năm 2005 đã cướp mất người chồng luôn sát cánh, động viên chị. Sự ra đi đột ngột của anh làm chị sốc nặng. Mấy tháng liền chị cứ ăn gì là nôn thốc nôn tháo. Sau đó chị không ăn uống, nằm một chỗ và bại liệt nửa người trái, nằm viện 2 tháng, rồi phải ngồi xe lăn. Cuộc sống với chị chẳng còn ý nghĩa khi các đồng nghiệp Hung trả lời không chữa được. Mọi thứ như sụp đổ. “Tôi sút cân, người chỉ còn 40kg...”. Giọng chị nghẹn lại. Cuối cùng chị suy nghĩ, nếu không gượng dậy, con trai mình ai sẽ chăm sóc? Còn bao nhiêu kế hoạch dang dở của hai vợ chồng?... Thế là chị quyết định tự chữa cho mình bằng cấy chỉ. “Tôi tự châm phía trước cho mình, phía sau lưng phải nhờ đồng nghiệp. Sau 3 lần cấy chỉ thì tôi đi lại được”. Sau đó, chị tiếp tục đi làm và hoàn thành tâm nguyện của anh: mở Viện Cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam tại Buddapest.

Đôi vai chị so lại. Không thể ngờ được rằng người đàn bà xinh đẹp, nhỏ bé ngồi trước mặt tôi lại có thể vượt qua nhiều thăng trầm đến vậy!

Trời không phụ lòng người

Để thuyết phục được người châu Âu chấp nhận một phương pháp chữa bệnh bằng YHCT của Việt Nam không phải đơn giản. Người châu Âu vốn quá quen thuộc với những phương pháp tối tân và thiết bị hiện đại, họ không tin vào chỉ, vào cây kim có thể chữa khỏi được bệnh. Chị kể: “Ban đầu, khi ở Viện Khớp và Vật lý trị liệu quốc gia Hungari, tôi có giới thiệu phương pháp cấy chỉ bằng kim cải tiến mà tôi tự tạo ra nhưng không được chấp nhận, vì không ai biết phương pháp đó là gì cả. Một vài đồng nghiệp động viên tôi cấy chỉ cho bệnh nhân. Tôi làm lén, không cho lãnh đạo bệnh viện biết. Sau ba lần cấy chỉ, bệnh nhân đã hồi phục nhanh chóng. Lúc này lãnh đạo bệnh viện biết và ngay lập tức đã đồng ý cho tôi làm cấy chỉ”.

Đến giờ, chị vẫn nhớ như in trường hợp một trẻ 4 tháng tuổi bị tắc ruột, nếu không mổ ngay tính mạng cháu bé sẽ nguy hiểm - bệnh viện hội chẩn và quyết định như vậy. Nhưng gia đình xin cho BS. Oanh chữa và Ban Giám đốc viện đã quyết định để BS. Lê Thúy Oanh chữa bằng cấy chỉ. Sau cấy chỉ lần một, hai tiếng sau cháu bé đã đi ngoài được nhiều lần, không cần phải mổ nữa.

Một ca bệnh mà chị không thể nào quên, đó là một bệnh nhân bị tai biến mạch máu não lần hai. Trước khi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, gần như cùng lúc, vợ bệnh nhân thì gọi điện cho chị, còn con bệnh nhân lại gọi điện đến bệnh viện Tây y. Lúc chị đến nhà bệnh nhân thì xe cấp cứu của bệnh viện đã ở đó và chuyển bệnh nhân vào bệnh viện. Chị theo bệnh nhân đến bệnh viện nhưng trong lòng không hy vọng có thể cấy chỉ cho bệnh nhân bởi đó gần như là việc không thể trong một bệnh viện của Hungari. Sau khi cấp cứu, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch nhưng trong tình trạng liệt, méo mồm, không nói được. Người nhà đề nghị bác sĩ Trưởng khoa Cấp cứu của bệnh viện cho chị được cấy chỉ cho bệnh nhân. Trái với những gì chị lo lắng, vị bác sĩ đã đồng ý ngay. Và một kết quả không ngờ tới: 1h trưa cấy chỉ thì đến 5h chiều bệnh nhân đã nói được, dậy tự đi lại được. “30 năm làm nghề chưa có một trường hợp nào hồi phục nhanh thế”, BS. Oanh xúc động chia sẻ. Sau này khi đã thân thiện hơn, chị có hỏi lại vị bác sĩ Trưởng khoa nọ lý do vì sao ông đồng ý để cho một bác sĩ Việt Nam chữa bằng phương pháp cấy chỉ chữa cho bệnh nhân của mình, ông trả lời: “Tôi đã nghe nhiều tới viện của bà và phương pháp của bà nhưng thú thực tôi không tin lắm, bây giờ thì thực là sáng mắt”.

Để một người nước ngoài đứng tên mở một phòng khám tư nhân trên đất Hungari là một việc không hề đơn giản. Phải đảm bảo rất nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn của nước bạn... Nhưng với những nỗ lực hết mình, năm 2006 chị đã mở Viện Cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam tại Buddapest. Đây thực sự là một thành công lớn trong việc đưa YHCT ra thế giới của chị. Chị tự hào: “Ở Hungari có tới 80 ngàn dân Trung Quốc nhưng không có một phòng khám nào do người Trung Quốc đứng tên, thế mà lại có một phòng khám chữa bệnh theo phương pháp cổ truyền của người Việt Nam”. Tiếp đến, chị mở một trung tâm cấy chỉ tại Hà Nội và nhiều năm qua cũng đã cứu chữa rất nhiều ca bệnh nặng.

Ở châu Âu, nói đến YHCT phương Đông người ta thường nói đến Trung Quốc, nhưng nói về phương pháp cấy chỉ thì chỉ có Việt Nam và phương pháp cấy chỉ Lê Thúy Oanh. Cho đến bây giờ, bệnh nhân từ Anh, Pháp, Mỹ, Australia, Thụy Sĩ và nhiều nơi trên thế giới đã tìm đến chị. Bằng cây kim cấy chỉ, BS. Oanh đã điều trị thành công cho rất nhiều ca bệnh, trong đó có cả bệnh nhân ung thư, bại liệt, hội chứng Down, viêm thần kinh tọa, đau khớp... Nhiều cặp vợ chồng vô sinh cũng đã tìm được niềm vui nhờ phương pháp này. Hiện nay, ngoài công việc chính ở Bệnh viện công của Hungari và Viện Cấy chỉ phục hồi chức năng Việt Nam, BS. Oanh còn là Chủ tịch Hội từ thiện của Việt Nam tại Hungari. Cũng từ cương vị này chị đã giúp đỡ rất nhiều cho các bệnh nhân ở Việt Nam: cung cấp kim, chỉ, sách, kinh phí đào tạo và hỗ trợ cho các y, bác sĩ ở các trung tâm chữa bệnh từ thiện cho bệnh nhân nhiễm chất độc da cam...

Làm sao để phát triển phương pháp cấy chỉ?

Giảng dạy, chữa bệnh ở nhiều nước, nhưng BS. Lê Thúy Oanh vẫn luôn mong mỏi được chữa bệnh cho đồng bào của mình. Chính vì thế, hơn 20 năm qua chị vẫn về thăm và làm việc tại Việt Nam. Chị đã truyền đạt những kỹ năng và kinh nghiệm trong điều trị bệnh bằng phương pháp cấy chỉ cho đội ngũ y, bác sĩ của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế...

Trăn trở về nghề, chị chia sẻ, gần đây rất nhiều bác sĩ Trung Quốc đã sang viện của chị để học về phương pháp cấy chỉ này. Chị lo lắng rằng: “Nếu chúng ta không kịp thời phát triển, người Trung Quốc sẽ lĩnh hội và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần, phát triển phương pháp này. Việt Nam chúng ta có thuận lợi hơn hẳn so với nhiều nước khác là đội ngũ bác sĩ cũng như sinh viên y khoa khi học tập tại trường đều được học về châm cứu, vì thế việc bồi dưỡng thêm về phương pháp cấy chỉ sẽ gặp nhiều thuận lợi”.

30 năm đeo đuổi sự nghiệp, hạnh phúc có, đắng cay không ít, giờ đây, chị có thể mỉm cười khi ngắm nhìn lại con đường mình đã qua. Hạnh phúc nhất là ngọn lửa của châm cứu đã truyền sang cậu con trai duy nhất của chị!

Chị bảo: “Đàn bà có chữ Thúy ở tên là đa đoan lắm!”. Nhưng, đa đoan như chị, nào dễ có mấy người!

 

Cấy chỉ còn gọi là cấy catgut, chôn chỉ, vùi chỉ... là một phương pháp châm cứu đặc biệt, là bước tiến của châm cứu cổ truyền. Phương pháp này được áp dụng tại Việt Nam từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Khoảng năm 1957, tại Viện nghiên cứu Đông y đã có những nghiên cứu cấy philatop phục hồi di chứng bại liệt. Nhiều bệnh mạn tính như hen phế quản, viêm loét dạ dày đã được nghiên cứu điều trị bằng cấy chỉ tại Việt Nam.

-BS Lê Thúy Oanh đã cải tiến cây kim cấy chỉ dựa trên kim truyền máu của Pháp.

-Dụng cụ chữa bệnh và phương pháp chữa bệnh do bác sĩ Lê Thúy Oanh nghiên cứu Đã đặt bản quyền trên toàn thế giới.

-Cuốn sách Cấy chỉ của BS.Lê Thúy Oanh được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Nguyễn Hạnh

 

 

 

 


Ý kiến của bạn