Người cao tuổi: Vui Tết, không quên dùng thuốc và phòng bệnh

19-02-2018 07:37 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Ngày Tết là ngày lễ trọng đại đối với mỗi người con đất Việt, trong những ngày đặc biệt này, người cao tuổi nên lưu ý đến việc ăn uống và dùng thuốc sao cho an toàn...

Ngày Tết là ngày lễ trọng đại đối với mỗi người con đất Việt, trong những ngày đặc biệt này, người cao tuổi nên lưu ý đến việc ăn uống và dùng thuốc sao cho an toàn để có một kỳ nghỉ Tết thực sự đầm ấm và hạnh phúc cho bản thân và cả gia đình.

Tết Nguyên đán là thời điểm cuối đông đầu xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, có ngày sáng ấm, chiều lạnh, bất lợi cho trẻ em, người ốm và người cao tuổi.

Người cao tuổi vui đón Tết nhưng không được quên dùng thuốc trị bệnh mạn tính.

Các bệnh mạn tính thường gặp ở người cao tuổi

Bệnh tim mạch: xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, đau thắt ngực. Tăng huyết áp, suy tim...Trong đó, tăng huyết áp có tỷ lệ cao (trên 25%) gây nhiều biến chứng nặng như suy thận, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não...

Bệnh đường hô hấp: viêm phế quản mạn, giãn phế quản, hen phế quản, viêm xoang, viêm họng, viêm mũi dị ứng,...

Bệnh răng miệng: ê buốt răng, đau răng, viêm quanh răng, viêm lợi. Một số người rụng nhiều răng phải dùng răng giả khó khăn thường trực cả khi ăn và khi ngủ.

Bệnh xương khớp: viêm xương khớp, loãng xương (nhất là phụ nữ tuổi mãn kinh), thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa do thoái hóa đốt sống lưng, đau quanh khớp vai do thoái hóa đốt sống cổ,... là những bệnh gây đau nhức kéo dài, đặc biệt về đêm gây mất ngủ.

Bệnh đường tiêu hóa: táo bón, đi lỏng kéo dài, khô miệng, viêm loét dạ dày tá tràng (đau âm ỉ gây mất ngủ nhất là mùa đông xuân), viêm đại tràng mạn...

Bệnh đường tiết niệu: u xơ tiền liệt tuyến, đái đêm nhiều lần. Đái són, đái buốt, đái dắt. Sỏi thận...

Bệnh rối loạn chuyển hóa: đái tháo đường týp 2. Mỡ máu cao. Gút (Đông y gọi là thống phong, gây đau nhức ở các đầu khớp phình to)...

Vì mắc các bệnh mạn tính này nên người cao tuổi thường phải dùng nhiều loại thuốc, nhưng lại rất hay quên: quên giờ uống thuốc, quên những thứ phải kiêng khi uống thuốc. Vì vậy, trong những ngày Tết người cao tuổi cần chú ý những điểm sau:

Về ăn uống

Với truyền thống tốt đẹp “Kính lão đắc thọ”, người cao tuổi thường được con cháu và cộng đồng quan tâm chăm sóc, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy vậy có nhiều trường hợp con cháu thiếu hiểu biết về đặc điểm tâm sinh lý người cao tuổi, cứ ép các cụ ăn. Đơn cử câu chuyện sau đây: Có người lâu ngày mới về thăm mẹ, mua hẳn 50 con tôm sú (loại 30 con/kg) và 1 chai bia về hấp chín tôm rồi bóc vỏ ép mẹ ăn và động viên mẹ: xưa kia mẹ chỉ được ăn tép, nay đời sống được cải thiện mẹ mới được ăn tôm to dối già. Cố gắng lắm cụ cũng chỉ ăn được 12 con rồi bụng đau dữ dội phải đưa đi cấp cứu vì dị ứng.

Vì vậy, bản thân người cao tuổi và người thân cần biết: cách bảo vệ sức khỏe tốt nhất chỉ ăn đến mức 2/3 sức chứa dạ dày, nhất là buổi tối. Không được ăn uống đến no sẽ hại dạ dày và gây khó chịu. Người phải uống thuốc hàng ngày cần bỏ hẳn bia rượu để tránh ethanol làm tăng độc tính của thuốc (có khi nguy hiểm đến tính mạng).

Về dùng thuốc

- Bản thân người cao tuổi (và người thân cùng sống một nhà) phải biết rõ: Các loại thuốc cần dùng hàng ngày (có bản liệt kê tên thuốc, hàm lượng, liều dùng 1 lần, cả ngày, giờ dùng thuốc).

Các loại thuốc cần dùng và liều lượng cách dùng khi cấp cứu (tim mạch, hô hấp, hạ đường huyết...).

Ví dụ trường hợp một bệnh nhân nam 76 tuổi có bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường týp 2, được bác sĩ chỉ định dùng: amlodipin ngày 1 viên. Vinpocetin ngày 2 viên: sáng, tối.  Diamicron ngày 1 viên, uống trước khi ăn 30 phút.

Bản thân ông phải chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước: 1 viên amlodipin 1 viên vinpocetin 1 viên diamicron, tất cả vẫn để nguyên vỏ bọc, cho vào hộp nhỏ có nhãn ghi: Thuốc uống buổi sáng ngày... tháng... năm... Buổi tối sau khi ăn 2 giờ thì uống 1 viên vinpocetin và chuẩn bị thuốc cho sáng hôm sau (có như vậy mới không quên dùng thuốc và không nhầm lẫn thuốc).

Đề phòng hạ đường huyết do tác dụng phụ của diamicron, cần có sẵn 1 lọ mật ong. Trên nhãn ghi rõ: Chống hạ đường huyết: lấy 1 thìa canh (20ml) mật ong pha loãng với 50ml nước ấm rồi uống.

Những thứ thuốc phải thường trực bên người: người có bệnh hen là thuốc xịt chống hen. Người có bệnh mạch vành: thuốc chống nhồi máu cơ tim (nitroglycerin). Người có bệnh viêm mũi dị ứng: thuốc chống hắt hơi dữ dội khi ăn (miếng gừng tươi 5 - 10g). Khi thấy có hiện tượng hắt hơi thì cho miếng gừng vào miệng nhai ngấu nghiến, sau 1 phút có thể tiếp tục ăn được bình thường...

Thường xuyên kiểm tra tủ thuốc gia đình (hoặc hộp thuốc cá nhân) để bổ sung thuốc sắp hết. Loại bỏ thuốc kém chất lượng như: ẩm, biến màu, hết hạn dùng...

Dự trữ thuốc: Tết Nguyên đán được nghỉ nhiều ngày, nên dự trữ lượng thuốc dùng trong 15 ngày là vừa (kể cả những loại thuốc nam như: lá lô hội tươi để chỗ mát. Kha tử quả khô để trong lọ kín. Tỏi, gừng vàng, nghệ... là những loại gia vị dùng tươi.).

Tập luyện dưỡng sinh

Tập luyện dưỡng sinh với người cao tuổi cũng cần thiết như cơm ăn, nước uống, không khí thở. Tùy theo tình trạng bệnh tật mà chọn bài tập, cách tập cho phù hợp. Nhiều trường hợp kết hợp dùng thuốc với tập luyện có giá trị chữa bệnh rất tốt như thoái hóa đốt sống lưng, đốt sống cổ, thoát vị đĩa đệm... (chỉ trừ khi ốm liệt giường mới phải nhờ người khác xoa bóp giúp).

Vui Tết không quên tập luyện. Con cháu cần nhớ để nhắc nhở, hỗ trợ bố mẹ, ông bà.

DS. Trần Xuân Thuyết


Ý kiến của bạn