Mới đây, các báo đưa tin một cụ già 75 tuổi đã tự tử vì cô đơn. Nguyên do là sau bao năm vợ mất ở vậy nuôi con, nay con đã lớn ông tìm được người phụ nữ giúp an ủi lúc tuổi già tính tiến đến hôn nhân nhưng bị con ngăn cản. Đấy chỉ là phần nổi của các rắc rối tâm sinh lý khó nói ra ở người cao tuổi…
Hết tiểu đường lại tiểu đêm…
Khi tuổi trên 50, tình trạng rối loạn tiểu tiện (tiểu khó, tia nước tiểu yếu, tiểu đêm nhiều lần...) dễ xảy ra do nước tiểu ứ đọng trong bàng quang gây ra cảm giác mắc tiểu liên tục... Theo thống kê ở Việt Nam, hiện nay có tới 45% -70% số nam giới trong độ tuổi từ 45 - 75 mắc căn bệnh này, tuổi càng cao tỷ lệ mắc bệnh càng lớn. Đó là do tuyến tiền liệt bao quanh niệu đạo bị phì đại sẽ gây cản trở dòng nước tiểu từ bàng quang ra niệu đạo, làm xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiểu tiện. Nếu nặng có thể gây bí đái mạn tính dẫn đến viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu thậm chí suy thận.
Một chuyện tiếu lâm kinh điển thường được kể lại, đó là có một cụ cao tuổi người Việt gốc Hoa trên xe du lịch đường dài, bỗng kêu lên “cho ngộ lái…”. Tài xế cười bảo “ông lái làm sao được mà đòi lái”, sau có người hiểu ra nhắc tài xế dừng cho ông đi tè. Khi tài xế dừng xe thì ông thở dài nói “ngộ lái dzồi”. Xin đừng trách ông cụ vì tuổi già, cơ vòng yếu nên nín khó.
Chim ơi đừng bay nhé
Một nhà báo già về hưu đến tòa soạn một báo thân hữu, ngồi chơi nói chuyện với các cô phóng viên trẻ. Bỗng một cô cứ cười tủm tỉm hát rằng “chim ơi đừng bay nhé…” lặp đi lặp lại và nhà báo già phát hiện ra mình vô ý vô tứ quên cài phec-ma-tuya. Cũng xin chớ vội trách vì về già, vòng số 2 thường nở rộ khiến khi mặc quần, việc đầu tiên là lo móc khuy trước rồi mới kéo phec-ma-tuya sau, đóng khuy vòng bụng rồi vội đi cho khỏi trễ giờ nên quên đóng “cửa sổ”.
Bệnh hay quên dễ gây hiểu lầm
Đổ xăng xong, một khách cao tuổi vội nổ máy, dzọt luôn, người bán xăng kêu ơi ới: “chú, chú, chưa trả tiền”. Khách cao tuổi vội phanh xe móc tiền trả. Người không biết hiểu nhầm là già mà còn muốn quỵt tiền xăng. Nhưng vài hôm sau cũng ở cây xăng ấy, tình hình ngược lại, đổ xăng xong lại cũng phóng xe đi và người bán xăng lại kêu lên “chú, chú, chưa lấy tiền thối”. Thì ra ông đổ 50.000 đồng xăng, đưa tờ 100.000 rồi phóng xe đi. Đó là hậu quả của bệnh Alzheimer khi về già.
Yếu tay chân làm phiền người khác
Trên bàn tiệc cưới, một người cao tuổi gắp miếng cá, trên đường đưa cá về chén mình, bỗng cá rơi xuống chén nước chấm làm tung tóe lên áo quần thực khách cùng bàn. Thật đáng trách nhưng cũng cần thông cảm vì bị liệt tay, chân sau tai biến mạch máu não gây liệt nửa người. Đó cũng là lý do mà người cao tuổi ngại đi ăn tiệc long trọng.
Bệnh “trên bảo dưới không nghe”
Trong một nghiên cứu của Pfizer về “Thái độ và tập quán tình dục” phỏng vấn trên 26.000 người thuộc 29 quốc gia trên thế giới đưa đến kết quả hơn 80% số đàn ông được hỏi và 60% số phụ nữ trong lứa tuổi 40 – 80 tin rằng tình dục là một phần quan trọng trong cuộc sống.
Thế nhưng rối loạn cương là bệnh khá phổ biến ở lứa tuổi trên 50 nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ dễ dẫn đến mất hạnh phúc trong đời sống con người.
Rối loạn cương ở người cao tuổi do nhiều nguyên nhân:
- Các bệnh cao huyết áp và tăng cholesterol xấu (LDL-C) có thể làm tổn hại chức năng cung cấp máu cho cơ quan sinh dục nam.
- Phong cách sống với các thói quen không lành mạnh trong cuộc sống như nghiện thuốc lá, ăn quá nhiều chất béo và lười tập thể dục góp phần gây ra các bệnh tim mạch.
- Lạm dụng rượu và thuốc gây tổn hại mạch máu và làm liệt thần kinh kiểm soát sự cương cứng.
Còn nhiều lý do khác tạo ra các rắc rối bệnh lý khó nói ra ngoài những bệnh của tuổi già mà ai cũng biết như loãng xương, cao huyết áp, mất trí nhớ…Vì thế cần biết tha thứ trước những sai sót của người cao tuổi vì sinh lão bệnh tử, ai cũng phải một lần qua cầu.
DS. TRƯƠNG TẤT THỌ