Người cao tuổi - Người có bệnh lý nền: Sẽ diễn tiến nặng hơn nếu mắc COVID-19

04-05-2020 14:30 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Người cao tuổi, người có bệnh nền như: béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, stress, trầm cảm... được xác định là những đối tượng có nguy cơ cao bị diễn tiến nặng nếu mắc phải COVID-19. Để bảo vệ tối đa sức khoẻ trong mùa dịch bệnh, người cao tuổi, người có bệnh lý nền cần tuân thủ những gì?... Báo Sức Khỏe & Đời sống đã có cuộc trò chuyện với PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào - Phó giám đốc Bệnh viện Tim Tâm Đức về vấn đề này.

Thưa PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào, Covid-19 là một bệnh mới, tấn công gần như tất cả các đối tượng không phân biệt giới tính, độ tuổi, tuy nhiên, liệu có thể khoanh vùng những đối tượng nào có nguy cao dễ mắc bệnh và diễn tiến nặng khi mắc bệnh?

Người cao tuổi - Người có bệnh lý nềnPGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào

Bệnh Viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm A do virus SARS-CoV-2 gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố đây là đại dịch toàn cầu. Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng từ nhiễm không có triệu chứng đến những triệu chứng bệnh lý nặng và tử vong. Hiện nay bệnh vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa.

Theo một nghiên cứu trên 44.672 bệnh nhân COVID-19 tại Trung Quốc (công bố hồi tháng 2-2020) cho thấy tỷ lệ tử vong chung là 2,3%, nhưng tỷ lệ tử vong ở những người có đái tháo đường là 7,3% (tăng gấp 3,2 lần), ở những người có bệnh tim mạch là 10,5% (tăng gấp 4,6 lần).

WHO cho biết, so với những người trẻ, người không có bệnh lý nền thì bệnh COVID-19 thường dễ diễn tiến nặng hơn ở những người cao tuổi, người mắc các bệnh nền như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch, đau tim hoặc đột quỵ, các bệnh hô hấp mạn tính, ung thư.

Một báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung Quốc  vừa công bố cuối tháng 2/2020 đã chỉ ra tỷ lệ tử vong trên 72.314 trường hợp mắc và nghi mắc COVID-19 là 4,6% ở người có độ tuổi từ 60-69; 9,8% ở người độ tuổi từ 70-79; tỷ lệ này tăng lên 18% ở người trên 80 tuổi. Đặc biệt, 75% trong số họ có bệnh lý nền như bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi… Như vậy người có bệnh lý nền, người cao tuổi với sức đề kháng bị suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém dẫn đến dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng hơn khi dịch bệnh xảy ra.

Hiện nay, việc chăm sóc y tế thường kỳ đối với các bệnh mạn tính đang gần như bị trì hoãn bởi COVID-19. Điều này dẫn đến các nguy cơ như thế nào, và giải pháp nào cho các bệnh nhân này thưa bác sĩ?

Chăm sóc y tế thường kỳ rất quan trọng đối với tất cả các bệnh nhân có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư. Nguyên nhân là các bệnh mạn tính đều cần duy trì tình trạng sức khoẻ theo mục tiêu điều trị nên phải theo dõi thường xuyên, điều trị liên tục, điều chỉnh can thiệp theo diễn tiến bệnh lý, đặc biệt khi có các yếu tố mới xuất hiện gây tác động bất lợi đến sức khoẻ.

Hiện nay chăm sóc thường kỳ gần như bị ảnh hưởng, trì hoãn bởi dịch bệnh, bệnh nhân gặp khó khăn khi di chuyển đi khám. Ngoài ra, có nhiều trường hợp chủ quan thấy khoẻ nên trì hoãn, hoặc không biết rõ các nguy cơ của dịch COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của mình. Thực trạng trên có thể dẫn đến các nguy cơ: Thiếu thuốc điều trị hoặc không được điều chỉnh chế độ điều trị phù hợp với sức khoẻ; không kiểm soát được các mục tiêu điều trị; không được phát hiện kịp thời các biến chứng mạn tính tiến triển nặng lên; không phát hiện và can thiệp kịp thời các biến chứng cấp tính.

Trước những nguy cơ trên, cần các giải pháp như, ngoài các biện pháp chống lây nhiễm COVID-19 chung như cộng đồng, người cao tuổi, người có các bệnh nền cần chú ý có đủ thuốc và dùng thuốc đúng thời gian, liều lượng theo hướng dẫn của bác sĩ. Tránh tiếp xúc với những người có các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Khi tình trạng sức khoẻ theo dõi tại nhà ổn định, người dân có thể không đến cơ sở y tế tuy nhiên vẫn cần được tiếp tục duy trì khám qua các phương thức khám không tiếp xúc trực tiếp như: điện thoại, video, khám bệnh tại nhà… Khi có bất thường về sức khoẻ cần gọi điện thoại liên hệ ngay với cơ sở y tế mà người bệnh đang thăm khám thường xuyên để được hướng dẫn, hỗ trợ. Trong trường hợp có tình trạng khẩn cần cấp cứu cần gọi điện thoại 115 để được cấp cứu.

Hiện nay, BHYT đang chủ trương cấp thuốc 2 tháng cho các bệnh nhân có bệnh nền mãn tính, nhất là các bệnh nhân cao tuổi, theo bác sĩ, việc này có ý nghĩa như thế nào? Liệu nó có giúp kiểm soát bệnh hiệu quả không?

Theo tôi đây là chủ trương rất phù hợp cho việc chăm sóc, điều trị cho người cao tuổi, người có bệnh nền trong giai đoạn đầu thực hiện giãn cách xã hội, giúp bảo vệ tối đa các đối tượng có nguy cơ bị diễn tiến nặng khi nhiễm COVID-19. Giúp đảm bảo đủ thuốc trị liệu, ổn định bệnh lý cho người bệnh, đồng thời giúp người cao tuổi, người có bệnh nền ổn định tâm lý, an tâm hơn trong quá trình điều trị tại nhà.

Người cao tuổi - Người có bệnh lý nềnNếu chẳng may mắc COVID-19, người có bệnh lý nền sẽ diễn tiến nặng hơn

Bác sĩ có những lời khuyên nào dành cho các bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để kiểm soát bệnh hiệu quả, tăng cường sức khỏe và chống lại đại dịch COVID-19?

Đối với những bệnh nhân, người dân thuộc nhóm nguy cơ cao dễ diễn tiến nặng khi mắc COVID-19 cần tuân thủ các hướng dẫn chung của Bộ Y tế: Hãy ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn, rửa tay và giữ vệ sinh cá nhân.

Để kiểm soát tốt các bệnh mạn tính, người bệnh cần duy trì chế độ luyện tập hợp lý đều đặn tại nhà (khoảng 30 phút mỗi ngày). Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đầy đủ năng lượng theo nhu cầu của người bệnh, hợp lý với bệnh lý và lứa tuổi. Đối với những người bệnh xuất hiện dấu hiệu chán ăn, mệt mỏi có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng chuyên biệt cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp. Đặc biệt, cần uống đủ nước (1,5-2 lít mỗi ngày tuỳ theo thể trạng của người bệnh) để tránh tình trạng mất nước. Người bệnh cần hạn chế các loại nước có ga.

Ngoài ra, người bệnh cần phải được đảm bảo đủ thuốc, dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý bỏ thuốc, thay đổi thuốc, tăng liều, giảm liều. Theo dõi tình hình sức khoẻ bản thân hàng ngày như nhiệt độ, huyết áp, đường máu (nếu có thể). Đối với bất cứ sự thay đổi nào dù nhỏ hay thoáng qua về mặt sức khoẻ phải báo ngay cho người thân và nhân viên y tế. Liên hệ hoặc nhờ người thân liên lạc với nhân viên y tế để được khám và tư vấn khi cần. Các trường hợp cấp cứu, biến chứng bệnh như hạ đường máu (đói, run, vã mồ hôi…) tăng đường máu, tăng huyết áp… cần khẩn trường liên hệ với cơ sở y tế

Cảm ơn PGS.TS.BS. Nguyễn Thị Bích Đào



HOÀI DƯƠNG (thực hiện)
Ý kiến của bạn